edf40wrjww2tblPage:Content
Nụ hôn say đắm hồi tháng 5/2012, khi ông François Hollande trở thành Tổng thống Pháp (ảnh: AP)
Chông chênh vì chỉ góp gạo thổi cơm chung
Bà Valérie Trierweiler sinh ngày 16/2/1965 tại Angers, miền Nam nước Pháp, là một cây bút chuyên viết về chính trị, ủy viên Ban biên tập tuần báo Paris-Match và là người dẫn chương trình truyền hình bình luận chính trị có tiếng trên kênh Direct 8.
Trước khi “góp gạo thổi cơm chung” với ông François Hollande từ năm 2005, bà Trierweiler đã có hai đời chồng đều ly hôn, có ba đứa con riêng. Trierweiler là họ của người chồng thứ hai, thư ký tòa soạn báo Paris-Match, một tác giả và dịch giả tiếng Đức khá nổi tiếng.
Tình yêu bà dành cho ông Hollande, người bà gặp từ cuộc bầu cử quốc hội năm 1988, là chân thành và mãnh liệt. Mối tình nảy nở từ năm 2000, thời điểm ông Hollande còn làm bí thư thứ nhất đảng Xã hội, chưa ly hôn bà Ségolène Royal, người có với ông bốn đứa con. Lúc bấy giờ, bà Trierweiler là nhà báo theo sát từng nước cờ chính trị của ông Hollande. Đó cũng là thời điểm bà Trierweiler chưa ly hôn chồng. Nói cách khác, họ có một mối tình vụng trộm mà giới truyền thông và đảng Xã hội không ít người biết.
Chuyện tình nói trên chỉ được ông Hollande chính thức xác nhận năm 2010, sau khi ông hoàn tất thủ tục ly hôn. Trên tạp chí Gala, ông Hollande mô tả bà Trierweiler là “người phụ nữ của đời tôi”. Yêu ông Hollande hết mình, bà Trierweiler không yêu cầu cưới, chấp nhận sống chung kiểu “già nhân ngãi, non vợ chồng” bởi cả hai đều có con riêng đã trưởng thành. Cũng vì điều đó mà bà không khỏi "bâng khuâng" khi vào ngày 15/5/2012, ông Hollande trở thành tổng thống thứ bảy của Đệ ngũ Cộng hòa Pháp. Chiến thắng vang dội của “bạn trai” Hollande khiến vị trí của bà Trierweiler trở nên bấp bênh. Danh chính ngôn thuận, bà không phải là “đệ nhất phu nhân”, chỉ là “bạn gái” của tổng thống. Khi người Mỹ gọi bà là “Đệ nhất bạn gái”, bà cảm thấy có điều gì đó bất ổn. Trong thâm tâm, bà phân vân không biết có nên tiếp tục cuộc sống bình thường của một nhà báo, một người phụ nữ đã ly hôn hay tham gia tích cực vào vai trò đệ nhất phu nhân.
Vài ngày sau khi ông Hollande đắc cử tổng thống, phát biểu trên đài phát thanh France Inter, bà buột miệng tự xưng “Đệ nhất nhà báo”. Sau câu trả lời có phần thiếu suy nghĩ đó, bà đã bị “ném đá” không thương tiếc. Điều này cho thấy bà rất lúng túng khi trở thành người của điện Élysée (Phủ Tổng thống Pháp), nơi mà theo quy chế, bà có sự phục vụ của hai thư ký, một tài xế và một cán bộ chuyên trách.
Bà Valérie Trierweiler trong vai trò Đệ nhất phu nhân Pháp (ảnh: Reuters)
Bất ngờ bị bỏ rơi
Cơn địa chấn bắt đầu từ đêm 9/1/2014 trên trang mạng tạp chí Closer và trên bản in của tạp chí này ngày 10/1. Bài báo kèm theo một loạt ảnh cho thấy bóng dáng một người giống hệt ông Hollande bí mật hẹn hò với nữ diễn viên Julie Gayet. Suy sụp tinh thần, bà Trierweiler được đưa vào Bệnh viện La Pitié-Salpêtrière, Khoa Thần kinh của giáo sư Olivier Lyon-Caen, ngay trong ngày 10/1. Bà nằm lại, chủ yếu để chữa bệnh mất ngủ, đến ngày 18/1 mới xuất viện.
Theo nhật báo Le Parisien, chính ông Hollande báo cho bà biết tin động trời nói trên vài giờ trước khi tờ Closer có mặt trên các sạp báo Paris. Đáng chú ý là ông chủ điện Élysée không hề phủ nhận tin đồn, dù nói cứng là sẽ kiện tờ báo tung tin thất thiệt. Ông hứa với báo chí sẽ làm rõ mọi chuyện trước ngày ông công du nước Mỹ 11/2. Tuy nhiên, không đợi đến ngày đó, ông đã làm mọi người ngạc nhiên. 18g53 ngày 25/1, ông Hollande đưa ra một thông báo miệng ngắn gọn 18 chữ thông qua hãng tin AFP, cho biết ông đã “chấm dứt cuộc sống chung với bà Trierweiler”. Một cuộc chia tay êm thấm “giữa những người bạn” theo dư luận trong Phủ Tổng thống. Một tuyên bố đơn phương, theo những người thân của bà Trierweiler.
Bà Nadia LeBun, đồng tác giả cuốn Đầm bích (2012), viết về cuộc đời và sự nghiệp bà Trierweiler, phân tích trên đài RTL, bằng cách từ chối thảo luận với ông Hollande qua điện thoại về những điều kiện ly hôn trước khi ông Hollande tuyên bố chia tay, bà Trierweiler đã tỏ thái độ không đồng tình với quyết định của ông Hollande. Cũng theo tờ Le Parisien, bà sẵn lòng tha thứ cho ông. Vậy mà …
Bà Trierweiler đã có một cuộc nói chuyện được mô tả là “lạnh lùng” và “đau đớn” với ông Hollande trong bữa ăn tối cuối cùng của hai người vào đêm 23/1, khi biết sự việc đã bị đẩy đi quá xa, áp lực truyền thông quá nặng nề. Đối với bà Trierweiler, đây là một cú sốc lớn. Tin đồn có thể thất thiệt, nhưng chuyện “đệ nhất phu nhân Pháp” một sớm một chiều bỗng trở thành người phụ nữ bị người tình bỏ rơi là một thực tế cay nghiệt. Hơn thế, lại bị bỏ rơi một cách công khai. Các chính khách đối lập còn “ác miệng” hơn. Bà Nathalie Kosciusko-Morizet, ứng cử viên chức thị trưởng Paris của đảng UMP đối lập, bình luận rằng bản chất việc tuyên bố ly hôn của ông Hollande là “thư đuổi việc”.
Bà Stephanie Hahusseau, một chuyên gia tâm lý, phân tích: “Bà Trierweiler đã có một trải nghiệm đáng sợ. Trước một sự kiện không lường được và khốc liệt, bà ấy không thể tự kiểm soát vì đắm chìm trong một đống cảm xúc lẫn lộn, bao gồm sự phẫn nộ vì bị lừa dối, nỗi buồn bị bỏ rơi, sự bất công bởi bà đã hy sinh quá nhiều để “ai đó” có ngày hôm nay”.
Bà Valérie Trierweiler đến Ấn Độ vào cuối tháng 1/2014 (ảnh: Telegraph)
Nếu ông Hollande không phải là tổng thống
Ngày 26/1, bà Trierweiler thực hiện chuyến công du Ấn Độ vì mục đích nhân đạo. Chuyến đi đã được hoạch định chi tiết cách đó sáu tháng và bà Trierweiler được mời với tư cách “đệ nhất phu nhân” Pháp. Bị “phế truất” bất ngờ trước đó một ngày, bà Trierweiler vẫn thực hiện cam kết của mình với ACF (Tổ chức Hành động chống đói), một tổ chức phi chính phủ hoạt động mạnh ở Ấn Độ, với tư cách cá nhân. Tại Bombay, lần đầu tiên bà Trierweiler lên tiếng về vụ ông Hollande tuyên bố chia tay bà.
Đài truyền hình i-Tele cho biết, bà Trierweiler cảm thấy hối tiếc vì “Nếu ông Hollande không phải là tổng thống thì chúng tôi vẫn còn ở bên nhau”. Tuy nhiên, bà khẳng định, giữa hai người “không xảy ra chiến tranh, chúng tôi vẫn liên lạc với nhau”.
Trong tương lai bà dự tính không viết chính trị nữa nhưng không từ bỏ nghề báo. Bà vẫn giữ mục văn học trên tờ Paris-Match. “Tôi tiếp tục các hoạt động nhân đạo bất chấp chuyện gì đã xảy ra. Tôi không biết cuộc sống mới của tôi ra sao, nhưng các bạn đừng lo, tôi có thời gian để suy nghĩ về chuyện đó” - Bà Trierweiler cho biết, bên bàn cà phê với các nhà báo hôm 27/1.
TRỌNG NGHĨA
Bài 2: Cái chết từ twitter