Khi châu Á “dư” đàn ông

22/11/2024 - 06:11

PNO - Vấn đề về nhân khẩu học tại Trung Quốc bắt nguồn từ nhiều thập niên áp dụng “chính sách 1 con”, khiến tỉ lệ giới tính chênh lệch quá lớn. Theo điều tra dân số toàn quốc lần thứ bảy, quốc gia này đang “dư” gần 35 triệu nam giới so với phụ nữ.

Đề xuất gây tranh cãi

Tình trạng mất cân bằng giới tính xảy ra đặc biệt nghiêm trọng ở các vùng nông thôn. Một báo cáo đầu năm 2024 từ Viện Nghiên cứu nông thôn Trung Quốc (Đại học Sư phạm Trung ương) nêu chi tiết về những khó khăn ngày càng tăng mà những người đàn ông trẻ ở nông thôn phải đối mặt trong việc tìm kiếm vợ. Báo cáo xác nhận lý do chính là vì tình trạng “khan hiếm” cô dâu và sự thay đổi các chuẩn mực xã hội.

Ông Ding Changfa - phó giáo sư Khoa Kinh tế thuộc Đại học Hạ Môn - đã đề xuất thúc đẩy “hôn nhân quốc tế” như một giải pháp cho 35 triệu đàn ông “ế vợ”. Ông khuyến nghị Nhà nước tạo điều kiện cho các cuộc hôn nhân xuyên biên giới. “Hiện ở vùng nông thôn, chúng tôi có khoảng 35 triệu đàn ông “dôi dư” phải đối mặt với áp lực kết hôn.

Áp lực gồm việc phải chu toàn nhà ở, xe hơi và giá thách cưới từ 500.000-600.000 nhân dân tệ, tương đương 70.000-84.000 USD. Năm ngoái, thu nhập khả dụng bình quân đầu người ở các vùng nông thôn trên cả nước chỉ hơn 20.000 nhân dân tệ (2.800 USD). Để giải quyết vấn đề này, nên nghĩ đến việc thu hút một số lượng lớn phụ nữ trẻ đủ điều kiện từ nước ngoài” - ông Ding nói.

Tình trạng “dư” đàn ông khiến nam giới nhiều nước châu Á khó có thể lập gia đình - Nguồn ảnh: Shutterstock
Tình trạng “dư” đàn ông khiến nam giới nhiều nước châu Á khó có thể lập gia đình - Nguồn ảnh: Shutterstock

Ngay lập tức, đề xuất của ông đã gây ra các cuộc tranh luận lớn trên mạng xã hội. Nhiều phụ nữ phản ứng dữ dội, cho rằng chuyện “nhập khẩu” cô dâu nước ngoài chẳng khác gì nạn buôn người. Luồng ý kiến khác lo ngại bất đồng văn hóa, ngôn ngữ có thể dẫn đến hệ lụy xung đột gia đình.

Tuy nhiên, cánh đàn ông lại ủng hộ ý tưởng này. Họ tin rằng cô dâu nước ngoài có kỳ vọng thấp hơn phụ nữ nội địa, sẽ không đòi hỏi cao về nhà cửa, xe cộ hay tiền cưới. Ngoài ra, cô dâu nước ngoài còn được coi là chăm chỉ và đức hạnh.

Trên thực tế, hôn nhân quốc tế đã trở nên phổ biến hơn đối với nam giới ở quốc gia này. Một số tổ chức mai mối chuyên nghiệp trên nền tảng nổi tiếng Douyin (hay còn gọi là TikTok Trung Quốc) đã bắt đầu cung cấp dịch vụ giới thiệu đàn ông Trung Quốc với cô dâu Nga. Cách làm này nhắm đến việc khai thác sự trái ngược về nhân khẩu học giữa 2 quốc gia, khi Nga có tỉ lệ nữ cao hơn nam, còn Trung Quốc thì đang “dư” nhiều đàn ông.

Hình thành những khu nam giới độc thân

Hàn Quốc cũng đang gặp tình trạng mất cân bằng giới tính gay gắt. Nhiều đàn ông xứ kim chi đang phải đối mặt với viễn cảnh hôn nhân ảm đạm. Sự chênh lệch kéo dài 30 năm về tỉ lệ giới tính nam - nữ khi sinh ở quốc gia này khiến số lượng nam giới trẻ tuổi vượt xa phụ nữ trẻ tuổi. Kết quả, Hàn Quốc “thừa” khoảng 700.000-800.000 bé trai sinh vào giữa những năm 1980 và họ có thể không tìm được bạn gái để kết hôn.

Nghiên cứu sâu rộng về dân số Đông Á trong 40 năm qua, giáo sư Dudley L.Poston Jr. - Đại học Texas A&M, Mỹ - cho biết: số lượng bé trai tăng lên tác động rất lớn đến toàn bộ xã hội Hàn Quốc. Ông cho biết thêm, xu hướng này cũng đang diễn ra ở Đài Loan (Trung Quốc) và Ấn Độ.

Hàn Quốc còn phải đối mặt sự suy giảm nhanh chóng về khả năng sinh sản, bắt đầu từ những năm 1960. Từ 6 con/phụ nữ vào năm 1960, tỉ lệ này đã giảm xuống còn 4 vào năm 1972, rồi 2 vào năm 1984. Đến năm 2022, tỉ lệ sinh của Hàn Quốc đã giảm xuống còn 0,82. Đây là tỉ lệ sinh thấp nhất thế giới và thấp hơn nhiều so với tỉ lệ sinh thay thế 2,1.

Dù vậy, sở thích sinh con trai lâu đời của người dân Hàn Quốc không thay đổi nhanh như tốc độ sinh đẻ giảm. Có ít nhất 1 con trai là mong muốn mạnh mẽ ảnh hưởng đến nhiều gia đình ở nước này, đặc biệt trong những năm đầu thế kỷ XXI. Để đảm bảo có con trai, nhiều người Hàn Quốc đã dùng kỹ thuật xác định giới tính thai nhi và phá thai được pháp luật cho phép. Từ khoảng năm 1980 cho đến năm 2010, nhiều bé trai được sinh ra hơn bé gái.

Nghiên cứu của các nhà nhân khẩu học chỉ ra: nếu những người độc thân không kết hôn với cô dâu nhập cư, họ sẽ không còn lựa chọn nào khác. Một số người phải định cư tại “khu nam giới độc thân” ở Seoul và các thành phố lớn khác như Busan và Daegu. Những “khu nam giới độc thân” như vậy cũng đã được ghi nhận xuất hiện ở các thành phố châu Á khác như Bắc Kinh, Thượng Hải và Quảng Châu (Trung Quốc).

Chính phủ Hàn Quốc đã có nhiều nỗ lực giảm mức chênh lệch giữa bé trai và gái khi sinh. Tuy nhiên, các vấn đề xã hội lâu dài liên quan đến mất cân bằng giới tính sẽ vẫn tồn tại ở Hàn Quốc trong nhiều thập niên tới.

Nam Anh (theo SCMP, The Conversation)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI