Khi cha nói 'tuổi già chán quá, chết cho rồi'

23/06/2018 - 05:30

PNO - Gió vù vù bên tai khiến tôi nghe tiếng được tiếng mất lời cha “tuổi già chán quá… chết phứt đi cho rồi”.

Tôi nói vui rằng, bệnh cha không nặng đâu, non nửa dân số thế giới bây giờ tiểu đường kia mà.

Khi cha noi 'tuoi gia chan qua, chet cho roi'
Cha đã vì chúng tôi mà bỏ qua bao món ngon món lạ trên đời

Cha tôi đã ở tuổi 70 với hơn 50 năm làm thợ hồ ăn to nói lớn, với mỗi bữa bốn chén cơm. Vậy mà… đùng một cái mắc chứng bệnh phải điều trị suốt đời.

Cha tôi đã ăn chay trường 40 năm nay. Vì dạo đó, mẹ sinh khó, cha vái van trời đất, nếu mẹ tròn con vuông thì sẽ ăn chay hết quãng đời còn lại. 29 tuổi, lứa tuổi sung mãn nhất của người đàn ông, nhưng cha đã vì tôi mà bỏ qua bao nhiêu món ngon vật lạ.

Bữa cơm cha thích nhất là món canh chua lá giang, đậu bắp kèm muối ớt tươi đâm bằng muối hột. Món còn lại có thể là tàu hủ chiên sả hay mắm đậu kho quẹt tiêu xanh, ớt xiêm rừng. Chỉ như vậy thôi, cha tôi sẽ ăn vèo bốn chén cơm mỗi bữa, đủ sức leo giàn giáo mà làm bạn cùng nắng gió.

Bốn mươi năm qua, hầu như cha không có bệnh gì nhiều trừ những lúc sổ mũi, ho do dang nắng, dầm mưa thường xuyên. Cha không nhậu cũng chẳng bài bạc, cà phê gì. Chỉ có hay uống trà đường và hút thuốc lá. Rồi năm 41 tuổi ho ra máu, bác sĩ bảo “muốn sống thì hãy bỏ thuốc lá”. Thế là cha chỉ còn làm bạn với món trà đường. Mỗi ngày của cha bây giờ chỉ còn ba bữa cơm và vài ly trà đường.

Vậy nên cha hay đùa “mẹ tụi bây nuôi tao lời hơn nuôi bò sữa. Ngày tốn có chục chén cơm mà ra nhà ra cửa, con cái ăn học đàng hoàng”. Mẹ nguýt dài đầy yêu thương.

Khi cha noi 'tuoi gia chan qua, chet cho roi'
Cha đổ bệnh, cả ngày ông buồn hiu hắt

Nhưng rồi, khi bước vào ngưỡng 70, cha tôi bắt đầu có những đêm khó ngủ và đi tiểu nhiều. Mẹ bảo chắc do thận yếu. Một lô thuốc bổ thận được các con mang về. Mẹ kỳ công rang đậu đen, gạo lức làm món sữa bột để ngày cha uống hai ly. Lại hầm đậu đen, hạt sen cho cha bồi dưỡng. 

Những đêm mất ngủ không dứt, tiểu nhiều và sụt cân nhưng bù lại rất thèm ăn và uống nước. Cha không bao giờ nghĩ mình bị tiểu đường, vì “mấy ông uống bia, nhậu nhẹt nhiều mới vướng bệnh đó, chứ cha cả đời rau cải, tương dưa làm gì mắc bệnh vậy”.

Cha chần chừ mãi không chịu đi khám bệnh, vì cha vẫn nhận những công trình nhỏ như sửa cái mái nhà dột, lát lại cái sân gạch, lắm khi cũng đi làm từ thiện. Rồi một hôm, cha bị ngất khi đang xây một căn nhà tình thương.

Đi bệnh viện mới biết cha bị tiểu đường. 

Chị em tôi quáng quàng tìm hiểu về căn bệnh rồi cùng nhau vác về những bánh, sữa dành cho người bệnh. Thuốc Nam, thức ăn đồ uống… cũng ưu tiên dành riêng cho chứng bệnh của cha. Nhỏ em kế tôi còn tải về cả danh sách rau, củ, quả dành cho người bệnh tiểu đường và ân cần dặn mẹ nấu nướng như vậy.

Bệnh của cha cũng êm êm một thời gian do ăn uống “nhiều rau, ít bột, không ngọt”. Nhưng rồi cách đây hơn một tháng, cha đi đám giỗ, gặp lại người bạn cũ, uống cùng nhau lon nước ngọt mà mệt và nghe cảm giác kiến bò trên chân, đau nhức tứ chi.
Bây giờ, bác sĩ buộc phải chích insulin rồi.

Cha tôi đó, tuổi đã cao, bao nhiêu gió giông trong cuộc đời đều đã vượt qua để đưa các con đến bến bờ thành nhân an toàn. Vậy mà bây giờ, cha lại run rẩy trước cây kim.

Tôi đã học cách chích thuốc cho cha để vừa chích vừa nói vài câu vui vui cho cha quên nỗi sợ. Các em tôi hỏi bạn bè để tìm thêm nhiều nguồn Nam dược tốt cho căn bệnh của cha. 

May mắn thay, sau một tuần chích và uống lá vối, lượng đường trong máu cha tôi đã giảm. Dù bác sĩ bảo đã đỡ hơn nhiều. Nhưng tôi biết, cuộc chiến với bệnh tiểu đường là không bao giờ kết thúc. 

Thùy Trang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI