Khi cha mẹ kiệt sức vì chăm sóc con cái

28/04/2024 - 07:34

PNO - Nhiều người cho biết họ kiệt sức, những áp lực của việc chăm sóc con có lúc hoặc thường xuyên khiến họ thấy cô độc vì không còn thời gian cho những hoạt động kết nối khác.

Làm việc trong lĩnh vực quan hệ nhân sự, Anne Helmes (36 tuổi) thường có cảm giác như bị cô lập khi phải vừa làm việc, vừa chăm sóc 2 đứa con 6 và 3 tuổi. Helmes là một trong 1.005 người tham gia cuộc khảo sát về những áp lực của người làm cha mẹ. Có 66% số người tham gia khảo sát cho biết họ kiệt sức, những áp lực của việc chăm sóc con có lúc hoặc thường xuyên khiến họ thấy cô độc vì không còn thời gian cho những hoạt động kết nối khác. Gần 40% người cho biết họ không có ai hỗ trợ trong việc nuôi dạy con.

Giáo sư Kate Gawlik - người thực hiện nghiên cứu nói trên - cho hay: “Tôi là bà mẹ 4 con. Cuộc sống dĩ nhiên vô cùng bận rộn. Tuy nhiên, bận rộn không có nghĩa là tôi không có nhu cầu về tình bạn và những cuộc trò chuyện thân mật với những người có cùng sở thích”. Kacey Cardwell - Hiệp hội Trị liệu hôn nhân và gia đình Mỹ - nói: “Khi cha mẹ cảm thấy cô đơn hay thậm chí bị cô lập, điều đó cho chúng ta biết các nhu cầu thiết yếu của người trưởng thành đã không được đáp ứng. Họ đã dồn hết những gì tốt nhất cho con cái, dẫn đến kiệt sức”.

Các chuyên gia khuyên phụ huynh cần liên hệ với các nhà chuyên môn  để được giúp đỡ khi cảm thấy kiệt sức vì áp lực chăm sóc con cái -  Nguồn ảnh: CNN
Các chuyên gia khuyên phụ huynh cần liên hệ với các nhà chuyên môn để được giúp đỡ khi cảm thấy kiệt sức vì áp lực chăm sóc con cái - Nguồn ảnh: CNN

Giáo sư Gawlik nói thêm: “Kiệt sức không phải là vấn đề mới mẻ đối với các cha mẹ, nhưng tôi nghĩ đại dịch COVID-19 đã đẩy nó lên một cấp độ hoàn toàn khác. Phụ huynh được kỳ vọng sẽ trở thành những siêu nhân, vừa làm việc vừa nuôi dạy con tại nhà không ngưng nghỉ”. Bà khuyên phụ huynh nên tìm kiếm sự kết nối trong cộng đồng, với những người sống gần gũi cũng như tìm đến các tổ chức cộng đồng như hội phụ huynh, hiệp hội trường học, tổ chức tôn giáo.

Helmes đã tham gia một nhóm nuôi dạy con tích cực do Gawlik điều hành và đã tìm thấy nguồn năng lượng mới trong vai trò làm mẹ. “Nó khiến tôi cảm thấy bớt cô đơn hơn nhiều. Khi một phụ huynh chia sẻ, tôi sẽ gật đầu kiểu như đúng vậy, tôi cũng vậy, đã trải qua điều đó hoặc ngay vào lúc này tôi đang trải qua nó” - cô nói.

Ruth Chew - nữ nhà báo chuyên về hôn nhân - gia đình ở Singapore - cho biết: khi chúng ta không tận hưởng được niềm vui từ con cái nhiều như mong đợi, đó có thể là dấu hiệu kiệt sức. Bà mẹ có 2 con chia sẻ: “3 năm trước, giữa đại dịch, tôi đã từ bỏ những kỳ vọng về việc trở thành một người mẹ tốt. Sự căng thẳng khi các hoạt động trực tiếp bị hạn chế, đặc biệt là trước các kỳ thi, trong suốt quá trình ứng phó với COVID-19, đã gây ra hậu quả lớn. Tôi biết mình đã lâm vào trạng thái kiệt sức trong vai trò làm cha mẹ, cả về thể chất, tinh thần và cảm xúc”.

Nhiều phụ huynh - theo cô Chew - còn mắc chứng nghi ngờ bản thân và cảm thấy mình “không đủ tốt” khi chăm sóc con cái. Chẳng hạn vấn đề giáo dục, các hoạt động sau giờ học, bồi dưỡng kiến thức, chọn gia sư hay trung tâm dạy kèm phù hợp, chọn trường tốt nhất cũng như các hoạt động thể thao và các kỳ nghỉ… cho con. Nhất là khi chúng được xem là những “giá trị” tốt nhất ở đảo quốc này. Điều này càng trở nên tồi tệ khi những người làm cha mẹ so sánh mình với các gia đình khác, bị bào mòn bởi cảm giác tội lỗi do cảm thấy mình đã chăm sóc con không đủ tốt.

Cô Chew cho rằng trước hết, phụ huynh cần ưu tiên chăm sóc bản thân để đảm bảo sức khỏe tinh thần. Kế đến, nên tìm kiếm một mạng lưới hỗ trợ để được kết nối. “Thỉnh thoảng, hãy tạm xa con cái hoặc gia đình để có thời gian cho riêng mình. Việc xa con vài giờ mỗi ngày đã giúp tôi hồi phục rất nhiều sau cơn kiệt sức” - cô Chew nói.

Nam Anh (theo CNN, CNA)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI