Khi cậu trò lớp 3 không chọn im lặng

08/12/2018 - 10:57

PNO - Cậu bé Dane Best 9 tuổi ở bang Colorado, Mỹ vừa thuyết phục các nhà lãnh đạo cộng đồng dỡ bỏ một đạo luật tồn tại gần 100 năm để trẻ em được tận hưởng những thú vui mùa đông đã khiến nhiều người phải giật mình.

Câu chuyện về cậu bé Dane Best 9 tuổi ở bang Colorado, Mỹ đã thuyết phục các nhà lãnh đạo cộng đồng dỡ bỏ một đạo luật tồn tại gần 100 năm để trẻ em có thể tận hưởng một trong những thú vui mùa đông: chọi bóng tuyết, đã không những gây cho tôi nhiều cảm xúc mà tôi còn giật mình tự hỏi, vì sao đứa trẻ đó làm được chuyện “không tưởng” như vậy? 

Dane Best, học sinh lớp 3 tại trường tiểu học Range View ở Severance, Colorado, Mỹ đã kêu gọi những người bạn cùng lớp viết thư ủng hộ mình ra thuyết trình trước hội đồng thị trấn lý do vì sao nên cho phép việc được ném bóng tuyết. 

Suốt gần 100 năm qua, trò tiêu khiển mùa đông này bị xem là bất hợp pháp  ở đây.
Còn mẹ của cậu bé, bà Semmen Best cho biết, khi con trai yêu cầu bà giúp đỡ đề xuất thay đổi đạo luật trên thì bà chỉ trả lời: "Nếu con cảm thấy đây là điều mình muốn thì hãy tự đề xuất”.  

Khi cau tro lop 3 khong chon im lang
Dane Best, 9 tuổi, xuất hiện trước tòa thị chính. Ảnh: ABC News

Cậu bé đã thành công khi dẫn ra được những minh chứng trong phần thuyết trình của mình. Cậu bé nói: “Nghiên cứu cho thấy việc thiếu tiếp xúc với không khí ngoài trời có thể dẫn đến béo phì, rối loạn tăng động giảm chú ý, lo lắng và trầm cảm. Trẻ em muốn được chọi bóng tuyết với nhau mà không bị xem là vi phạm pháp luật. Trẻ em muốn có tiếng nói trong thị trấn của chúng ta".

Mẹ của Dane Best đã thành công khi để con tự thực hiện mong muốn của mình. Đây có lẽ là điểm khác biệt của bà Semmen Best và tôi - một bà mẹ và có lẽ cũng như nhiều bà mẹ khác. 

Tôi còn nhớ, có lần con trai bức xúc với cách hành xử không đúng mực của giáo viên nên đã nói với tôi “con và các bạn muốn làm đơn kiến nghị tập thể, đề xuất đổi giáo viên”. Nhưng vừa nghe đến đó tôi đã hoảng, ngăn cản ngay vì sợ nếu chuyện không thành, con sẽ bị… đì và tôi đề nghị: “Để mẹ đến trường nói chuyện riêng với cô giáo”.

Rất nhiều ông bố bà mẹ cứ nghe con mở miệng ý kiến, đề xuất điều gì liền chặn họng bằng câu nói bất hủ “lo mà học cho giỏi trước đi”, “bộ con muốn nổi tiếng hả”, “bố không muốn bị mời họp phụ huynh đâu nhé”…

Tôi còn biết, nhiều phụ huynh khi con nghĩ ra cách giải 1 bài toán, khác với cách cô dạy hay cách làm một bài văn không theo nguyên mẫu thì liền bị “thiết quân luật” kiểu: “muốn ở lại lớp à con?”, “thôi làm theo cô cho chắc”…

Thói quen từ khi còn bé sẽ theo đến suốt cuộc đời mỗi người. Những đứa trẻ cứ thế lớn lên mà rất ngại nêu chính kiến của mình trong mọi việc. Trẻ cứ thế lặng lẽ bất bình và rồi tự thỏa hiệp với những việc mà mình thấy không đúng. Không quá ngạc nhiên hay bất ngờ khi đi đâu cũng nghe phản ánh về việc các bạn trẻ “im lặng đến khó hiểu” trong những tình huống cần họ lên tiếng.

Trên thực tế, nhiều hội nghị, hội thảo là diễn đàn để thảo luận nhưng rất ít người phát biểu, tranh luận, trừ khi được đặt hàng trước để… đọc tham luận. Dĩ nhiên càng hiếm những phát biểu mang tính phản biện. Đây rõ ràng là một vòng luẩn quẩn, hậu quả của giáo dục gia đình, nhà trường dẫn tới thói quen của cả xã hội. Rồi người ta thấy đó là điều bình thường khi mà phần lớn xã hội là như vậy.

Thụy Châu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI