Khi cầm chén rượu ly bia, hãy nghĩ

24/02/2025 - 06:51

PNO - Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cảnh báo, rượu, bia là nguyên nhân trực tiếp của ít nhất 30 bệnh, chấn thương và nguyên nhân gián tiếp của ít nhất 200 loại bệnh khác.

Việt Nam từng nằm trong nhóm 10 quốc gia tiêu thụ rượu, bia nhiều nhất thế giới (theo dữ liệu của Kirin Holdings năm 2020) và thường xuyên ở nhóm đầu trong khu vực. Đây chẳng phải là thứ hạng đáng để tự hào mà là đáng xấu hổ.

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cảnh báo, rượu, bia là nguyên nhân trực tiếp của ít nhất 30 bệnh, chấn thương và nguyên nhân gián tiếp của ít nhất 200 loại bệnh khác.

Tôi từng có nhiều cơ hội tiếp xúc với bệnh nhân loạn thần do rượu, bia. Nhưng điều khiến tôi quan tâm hơn là hình ảnh những bà vợ đang chăm sóc bệnh nhân. Ở họ toát nét khắc khổ, ánh mắt u buồn, đôi lúc sợ sệt với chính chồng mình.

Một phụ nữ chừng ngoài 40 tuổi ở TP Hà Nội sụt sịt kể, từ chục năm nay, tổ ấm của chị như chốn địa ngục. Người chồng nghiện rượu, say khướt triền miên nên chẳng có nơi nào nhận làm việc. Chị là trụ cột kinh tế của gia đình nhưng mỗi ngày đi làm về đều phải chịu đựng những câu chửi tục tằn, những lời chì chiết cay nghiệt, thậm chí là những trận đòn nhừ tử của chồng.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nhiều lần nghĩ tới việc ly hôn nhưng chị vừa không nỡ, vừa sợ có thể sẽ bị chồng đánh chết. Cậu con trai học cấp II của chị cũng ám ảnh với sự hiện diện của người cha trong nhà. “Con tôi từng nói, giá mà bố cứ ở luôn trong viện thì nhà mình bình yên biết mấy” - chị kể.

Đàn ông thường là trụ cột của gia đình, nhưng khi nghiện rượu, họ trở thành gánh nặng của gia đình, xã hội. Thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành luật và các nghị định nhằm giảm thiểu tác hại của rượu, bia và bước đầu cho thấy hiệu quả.

Trong kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XV diễn ra vào tháng Năm tới, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Đây là một trong những đạo luật có tác động mạnh mẽ tới ngành hàng rượu, bia bởi trên thực tế, giá rượu, bia ở Việt Nam quá rẻ.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), giá tương đối theo thu nhập của rượu, bia ở Việt Nam ngày càng giảm. Năm 2008, trung bình một người Việt cần gần 18% thu nhập của cả năm để mua 100 lít bia, khoảng 180% thu nhập cả năm để mua 100 lít rượu mạnh và khoảng 150% thu nhập cả năm để mua 100 lít rượu vang.

Nhưng đến năm 2023, một người Việt chỉ cần bỏ ra khoảng 6% thu nhập cả năm để mua 100 lít bia, khoảng 60% thu nhập cả năm để mua 100 lít rượu mạnh và khoảng 40% thu nhập cả năm để mua 100 lít rượu vang.

Ở Việt Nam, rượu, bia được bán ở bất cứ nơi đâu. Giá rẻ, dễ mua khiến việc uống rượu, bia của người Việt quá dễ dàng. Do đó, việc tăng thuế rượu, bia là một biện pháp để giảm lượng tiêu thụ chúng.

Khi tăng thuế đối với rượu, bia, cần quản lý và đánh thuế được các cơ sở, hộ sản xuất rượu truyền thống. Hiện tại, đây là “kênh” đang bị bỏ ngỏ. Đây chính là “kênh” gây ra các vụ ngộ độc rượu do dùng cồn công nghiệp (methanol) để sản xuất rượu.

Để hạn chế tối đa tác hại của rượu, bia, cần tăng cường quản lý việc sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ rượu, bia. Cần tuyên truyền tác hại của rượu, bia cho học sinh, sinh viên để có những thế hệ tương lai khỏe mạnh, “miễn dịch” với các loại độc chất.

Khi cầm chén rượu, ly bia, mỗi người hãy nghĩ về sức khỏe của mình và những hệ lụy đau lòng do rượu, bia gây ra.

Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI