edf40wrjww2tblPage:Content
Tuy nhiên, những năm gần đây ở các diễn đàn tư vấn hướng nghiệp, trên các phương tiện thông tin đại chúng, các trường đại học công lập đã không còn khoanh tay, ngoài cuộc nữa. Các cơ sở giáo dục ĐH đã có sự đẩy mạnh việc tiếp thị hình ảnh của mình đến với học sinh nói riêng và toàn xã hội nói chung.
Chương trình Ngày hội hướng nghiệp - Ngày mở lần 7 năm 2014 do Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM phối hợp cùng ĐH Quốc gia TP.HCM và Báo Tuổi Trẻ tổ chức.
Nở rộ ngày hội thông tin, hướng nghiệp
Nếu làm phép tính sơ bộ thì tại TP.HCM, có khoảng 5 đơn vị báo chí có tổ chức hoạt động tư vấn hướng nghiệp (Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Giáo Dục TP.HCM, Người Lao Động, Sài Gòn Giải Phóng). Bên cạnh đó, còn có một số tổ chức khác cũng tổ chức tư vấn hướng nghiệp như Nhà văn hóa Sinh Viên TP.HCM, các cơ sở Đoàn thanh niên của các quận/huyện và tự các trường ĐH, CĐ, THPT tổ chức. Mỗi đơn vị có cách tổ chức và quy mô cũng như mục đích khác nhau.
Thông qua các ngày hội thông tin, hướng nghiệp, nắm được tâm lý phân vân của các sĩ tử vào thời điểm “nhạy cảm” chọn trường, chọn ngành, chọn khối này, nhiều trường ĐH đang tích cực quảng bá hình ảnh cũng như những thông tin liên quan tới tuyển sinh của trường. Đầu tiên có thể kể đến chương “Ngày mở” của Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM được tổ chức lần đầu vào năm 2007 thu hút được khoảng 5.000 học sinh đến từ 50 trường THPT tham gia. Đến nay, nhà trường đã tổ chức được 7 “Ngày mở”. Có thể nói, đây là trường ĐH công lập nhưng rất chịu khó đầu tư trong công tác tư vấn hướng nghiệp để thu hút sự chú ý của học sinh và xã hội.
Sau “Ngày mở” lần đầu thành công thì bắt đầu có những “Open day”, “Một ngày làm SV”, “Ngày hội tư vấn tuyền sinh..” tại một số trường ĐH khác.
Tuy nhiên, không phải chương trình nào cũng là tư vấn hướng nghiệp thực thụ. Đôi khi dù mang “mác” là “hướng nghiệp” nhưng thực sự nó chỉ là “bữa tiệc” giới thiệu thông tin của các trường.
Có dịp đi theo một chương trình tư vấn hướng nghiệp của một đơn vị truyền thông tổ chức tại Trường THPT Bùi Thị Xuân (TP.Đà Lạt, Lâm Đồng), chúng tôi chứng kiến một cảnh dở khóc dở mếu. Mặc dù biết đây là ngôi trường THPT có tiếng của Lâm Đồng nhưng người dẫn chương trình cứ thao thao: “Các em muốn dễ đậu thì chọn đăng kí vào các trường mới thành lập, như ĐH Phan Thiết…”. Cô hiệu trưởng nhà trường ngồi dưới chột dạ: “Anh MC làm như học sinh trường mình kém lắm hay sao mà toàn giới thiệu mấy trường NCL dễ đậu không à”. Hay tại một chương trình tư vấn hướng nghiệp của một đơn vị truyền thông khác, MC lần lượt để đại diện 14 trường giới thiệu về trường mình, khi người thứ 14 giới thiệu xong thì chương trình cũng gần hết thời gian.
Học sinh Trường THPT Trần Quốc Tuấn (TP.HCM) đến tìm hiểu thông tin hướng nghiệp tại Trường ĐH Nguyễn Tất Thành.
Cạnh tranh thông tin, chế độ chính sách
Một cán bộ phụ trách tư vấn hướng nghiệp của Trường ĐH Văn Lang kể, trong một lần đi tư vấn tuyển sinh tại tỉnh Tiền Giang, trên đường về, tranh thủ ghé vào một số trường THPT gửi một số tờ rơi tuyển sinh của trường thì được lãnh đạo trường THPT cho biết đã nhận được tờ rơi thông tin tuyển sinh của 8 trường trên TP.HCM gửi về.
Nhiều trường rất dụng công trong việc đầu tư, thiết kế các ấn phẩm phục vụ tư vấn vấn hướng nghiệp của mình. Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, Văn Lang in, phát cho học sinh toàn bộ chuẩn đầu ra các ngành trên nền giấy couche cùng với nhiều hình ảnh minh họa được thiết kế rất bắt mắt. Phục vụ tư vấn tuyển sinh năm 2013, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM đã đầu tư trên 3 tỉ đồng in sổ tay phát cho học sinh.
Bên cạnh việc đầu tư vào các ấn phẩm thì các cơ sở giáo dục ĐH còn đầu tư vào các chế độ chính sách nhằm thu hút người theo ý đồ riêng của mình.
Nhìn lại lịch sử phát triển của công tác tư vấn hướng nghiệp, có thể dễ nhận ra một điều là khoảng 10 năm trước đây, đến mùa tuyển sinh các trường đại học công lập chỉ việc ngồi “rung đùi” cũng dư thừa số lượng thí sinh đăng kí thi tuyển vào trường. Việc đi tiếp thị, phát tờ rơi giới thiệu về trường là chuyện của các trường NCL.
Tuy nhiên, mấy năm gần đây, không riêng gì các trường NCL mà chính các trường công lập cũng đẩy mạnh việc PR, giới thiệu trường với nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Trong mùa tuyển sinh 2013, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM thực hiện chính sách cấp học bổng khuyến tài cho SV khóa 2013 có kết quả thi tuyển đầu vào đạt điểm cao với 7 mức. Cụ thế, thí sinh thi vào trường đạt 30 điểm được cấp học bổng 30 triệu đ/SV và giảm dần đến mức 24 điểm thì thưởng 24 triệu đồng. Kết thúc mùa tuyển sinh 2013, nhà trường đã chi trên 1 tỉ đồng để thưởng cho các tân SV thi đầu vào có điểm từ 24 trở lên.
Ông Nguyễn Anh Đức - Trưởng phòng CTHSSV của trường, chia sẻ: “Những năm qua, số lượng đăng ký tuyển sinh vào trường tăng, nhưng những thủ khoa đầu vào của trường chưa như mong đợi. Với mục tiêu nâng cao chất lượng đầu vào nhằm góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm đầu ra, nhà trường mong muốn sẽ thu hút được nhiều thí sinh đạt điểm cao vào học”.
Để hút thí sinh, đặt biệt là thí sinh chất lượng cao, nhiều trường đã mạnh dạn tung ra những mức học bổng hấp dẫn, thậm chí lên đến vài trăm triệu đồng, một việc chưa từng diễn ra trong tiền lệ đối với giáo dục Việt Nam trước đây.
ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM là trường đi tiên phong khi đưa ra gói học bổng "siêu khủng" nhằm nâng cao chất lượng đầu vào. Đáng chú ý, thí sinh có thể nhận được mức học bổng cao nhất lên đến 360 triệu đồng. Để đạt được mức học bổng mơ ước này, thí sinh vừa phải có điểm thi ĐH từ 21 điểm trở lên và mỗi năm học đạt điểm trung bình các môn học từ 7,0 điểm trở lên. Tiếp đến là mức học bổng trị giá 290 triệu đồng, không bao gồm học phí Anh văn dành cho thí sinh đăng ký nguyện vọng 2 vào trường với mức điểm bằng hoặc cao hơn 21 điểm…
Gia nhập cuộc đua "săn" thí sinh, ĐH Dân lập Hải Phòng đưa ra mức học bổng dành cho học sinh đạt khá và giỏi ở PTTH có NV1 thi vào trường đạt điểm thi tuyển sinh từ 21 hoặc 24 trở lên sẽ được hưởng học bổng tương đương với 80% hoặc 100% học phí của trường trong suốt 4 năm, nếu thành tích học tập vẫn đạt khá, giỏi.
"Các trường tung ra nhiều chiêu để thu hút sinh viên nhưng thực tế thì chất lượng chưa thể khẳng định qua quảng cáo. Một số trường còn chi khá mạnh tay quảng cáo, tiếp thị rầm rộ nhưng chất lượng giảng dạy thì hoàn toàn không tương xứng. Một số trường lép vế hơn trong quảng bá thương hiệu nhưng lại được đánh giá khá tốt. Vì thế, theo tôi, các thí sinh nên có sự cân nhắc kỹ trước khi quyết định lựa chọn trường để theo học, thậm chí nên tham khảo ý kiến của những người đi trước", cô Nguyễn Đỗ Bích Ngọc - Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM chia sẻ. |
Nhìn vào mức học bổng cao chót vót mà một số trường tung ra, nhiều người liên tưởng đến kiểu "siêu khuyến mãi" của các siêu thị. Tuy nhiên, thí sinh không dễ gì nhận được học bổng "khủng" này, bởi điều kiện đưa ra khá ngặt nghèo. Năm học 2012 - 2013, ĐH Quốc tế Sài Gòn cấp 100 suất học bổng đại học toàn phần (4 năm), trong đó, 80 suất học bổng dành cho chương trình giảng dạy bằng tiếng Việt, mỗi suất trị giá khoảng 168,3 triệu - 193,5 triệu đồng; 20 suất học bổng dành cho chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh, mỗi suất trị giá khoảng 437,5 triệu - 479,6 triệu đồng.
Học bổng toàn phần này sẽ được xét cấp theo từng năm học. Để hưởng học bổng toàn phần năm thứ nhất, nhà trường đưa ra yêu cầu rất cao: sinh viên cần đạt điểm trung bình các năm lớp 10, 11 và 12 từ 9,5 trở lên, có điểm thi đại học ít nhất là 26 (không cộng ưu tiên khu vực hoặc đối tượng) và có chứng chỉ TOEFL 500 PBT (61 iBT) của ETS - Hoa Kỳ không quá 2 năm (đối với sinh viên chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh). Để hưởng học bổng toàn phần các năm tiếp theo, sinh viên phải đạt trung bình chung các môn mỗi năm từ 9,5 trở lên và không có bất cứ môn nào thi lại.
Lam Phương