Khi các ông bố đòi quyền nuôi con

06/07/2013 - 15:50

PNO - PN - Từ đầu năm đến nay, nước Pháp chứng kiến cảnh các ông bố đã ly hôn trèo lên các cột tháp, cần cẩu, sân thượng nhà thờ cao chót vót để biểu tình, chống sự bất công trong các phiên tòa ly hôn, khiến họ cách biệt với con cái.

Chống thẩm phán bất công?

Người phát động phong trào nói trên là một kỹ sư tin học 42 tuổi. Sáng 15/2, lợi dụng sương mù dày đặc, ông Serge Charnay lén trèo lên một cần trục khổng lồ cao trên 40m ở thành phố Nantes, miền Tây nước Pháp, trương một tấm vải trắng có dòng chữ “Benoit hai năm không gặp bố”. Ông mang theo nhiều thực phẩm và nước uống, dự định cố thủ trong ca bin nhiều ngày. Mục đích của ông là yêu cầu tái lập quyền thăm nuôi con trong tâm trạng “tuyệt vọng vì nhớ con”.

Hôm sau, có thêm ông bố Nicolas Moreno (34 tuổi) trèo lên một cần trục khổng lồ khác nằm cách cần trục thứ nhất 400m. Ông này than phiền tòa án xử ép, trao quyền nuôi con cho người vợ mà ông cho là không xứng đáng.

Cuộc đấu tranh của hai ông bố trên không có phản hồi. Thế là thành viên của hàng chục hội đoàn như Hội SOS các ông bố ở nhiều tỉnh thành tiếp tục trèo lên cột tháp, cần trục, thậm chí cố thủ trên sân thượng nhà thờ Orléans chống “các vị thẩm phán bất công”. Ngày 9/6, tại thủ đô Paris, hàng chục ông bố đã ly hôn biểu tình tuần hành từ quảng trường Opera đến trụ sở Bộ Tư pháp, mang theo các biểu ngữ “Công lý là bố = mẹ” và “50% bố + 50% mẹ = 100% con hạnh phúc”.

Luật Hôn nhân gia đình Pháp đã có những thay đổi quan trọng trong 43 năm qua. Nếu trước năm 1970 luật xác định người bố là “chủ gia đình” thì kể từ 4/6/1970, cụm từ “quyền lực của bố” được thay thế bằng “quyền của bố mẹ”. Năm 2002, Bộ luật Quyền của bố mẹ được ban hành, theo đó khi ly hôn, thẩm phán sẽ quyết định con luân phiên ở nhà bố và nhà mẹ, trừ trường hợp hoặc bố hoặc mẹ từ chối trực tiếp nuôi con.

Số liệu thống kê của INED (Viện Nghiên cứu dân số Pháp) công bố ngày 23/5/2013 cho thấy, có đến 75% các bà mẹ được tòa án trao quyền nuôi con. Một trong những nguyên nhân chính là hiếm khi người bố chịu trực tiếp nuôi con. Việc chăm sóc và nuôi dạy con cái ở Pháp do 80% các bà mẹ đảm nhiệm.

Khi cac ong bo doi quyen nuoi con

Căng lều ăn dầm nằm dề ở vòng xoay Carpont - Ảnh: Radio France

Khi cac ong bo doi quyen nuoi con

Ông Serge Charnay ở Nantes - Ảnh: AFP

Khôi phục quyền làm “sếp gia đình”

Theo Patrick Jan, tác giả phim tài liệu Sự thống trị của nam giới, hội chứng leo trèo nói trên của các ông bố là một hiện tượng xã hội không mới. Nó bắt nguồn từ tỉnh Québec, Canada, rồi lan sang nước Anh, một số tổ chức xã hội còn tự xưng là “Các ông bố vì công lý” hoạt động với danh nghĩa các ông bố bị kỳ thị sau ly hôn. “Bị tước quyền nuôi con trong 80% trường hợp ly hôn một cách bất công” là câu “cửa miệng” của họ. Đó cũng là khẩu hiệu của ông Moreno kể trên. Chỉ có điều, ông này giấu biệt tình tiết bị vợ tố cáo bạo hành vợ con, nguyên nhân gây đổ vỡ hôn nhân và khiến ông mất quyền nuôi con.

Ông Serge Charnay bị tước quyền thăm nuôi con cũng không có gì oan sai. Tháng Chín năm ngoái, ông xộ khám bốn tháng vì tội bắt cóc con trai đem giấu, mãi hai tháng rưỡi sau cảnh sát mới tìm thấy.

Như vậy, thực sự các ông bố ly hôn vợ ở Pháp muốn gì? Theo ông Patrick, người từng “ăn dầm nằm dề” với nhiều tổ chức “Các ông bố vì công lý” ở Canada và Anh, mục đích cuối cùng của họ là lợi dụng một số điều khoản gây tranh cãi trong Luật Hôn nhân gia đình để đòi chỉnh sửa luật theo hướng khôi phục quyền uy tối thượng của nam giới trong gia đình như xưa.

VĂN ANH

(Tổng hợp từ Le Monde, Huffington Post và Le Parisien)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI