Khi các nhà lãnh đạo thế giới chi bộn tiền cho những sở thích kỳ lạ

02/09/2017 - 13:30

PNO - Lãnh đạo quốc gia là một công việc vất vả, nhưng bù lại họ cũng được đền đáp. Và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron không phải là chính trị gia duy nhất bị lên án chi tiêu hoang phí.

Từ những tòa biệt thự cho đến việc được bảo vệ an ninh vốn là tiền thuế của dân, các nhà lãnh đạo thế giới coi đây là sự bù đắp cho những giờ làm việc kéo dài và căng thẳng.

Tuy nhiên, một số vị đi xa hơn trong việc tiêu xài phung phí, kèm theo những khoản tiền lương khủng.

Không phải mọi đặc quyền của tổng thống đều được quy định như nhau, và một số người “vung tay quá trán” có thể phải trả giá cho thất bại chính trị nhiều hơn họ đáng bị.

Khi cac nha lanh dao the gioi chi bon tien cho nhung so thich ky la
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron có lẽ đã học được bài học rằng chi tiêu hoang phí có thể ảnh hưởng đến uy tín chính trị của một chính khách - Ảnh: Reuters

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron có lẽ đã học được bài học này vào tuần trước, sau khi có thông tin tiết lộ ông đã bỏ ra tổng cộng 26.000 euro (hơn 700 triệu đồng) để trang điểm trong vòng 3 tháng đầu trong nhiệm kỳ của mình.

Các phụ tá của ông Macron biện bạch thông tin trên và nói việc chi tiêu là do "thời điểm cấp bách".

Ông René Dosière, nguyên phó chủ tịch đảng Xã hội Pháp trong Quốc hội, nói với đài phát thanh France Info rằng số tiền này là hợp lý bởi vì Tổng thống của nước Cộng hòa “rất thường xuyên được chụp ảnh” trong các sự kiện. Ông Dosière nói thêm rằng đáng ra họ nên tìm kiếm các giải pháp thay thế rẻ hơn.

Tuy nhiên, sự tiết lộ diễn ra đúng vào thời điểm khó xử đối với ông Macron khi tỷ lệ ủng hộ dành cho nhà lãnh đạo 39 tuổi gần như thấp nhất trong lịch sử, khi ông đang nỗ lực thông qua các cải cách gây tranh cãi bao gồm kiềm chế chi tiêu công và sửa đổi lớn luật lao động của Pháp.

Mặc dù Jupiter, như cái tên người ta gọi Tổng thống Pháp, là chính trị gia mới nhất bị chỉ trích vì chi tiêu quá mức cho việc làm đẹp, song ông chắc chắn không phải là người đầu tiên bị như vậy. Lãnh đạo các nước khác trên thế giới đã sử dụng đặc quyền hành pháp như thế nào?

Khi cac nha lanh dao the gioi chi bon tien cho nhung so thich ky la
Cựu Tổng thống Pháp François Hollande tốn nhiều tiền để cắt tóc.

Pháp. Năm 2016, báo chí tiết lộ rằng cựu Tổng thống Pháp François Hollande đã trả cho thợ làm tóc của riêng ông mức lương hàng tháng là 10.000 USD. Việc cắt tóc giá cao tương phản với tính cách “Ngài Bình dân” của nhà lãnh đạo đảng Xã hội Pháp mà ông Hollande nhận được khi vận động cử tri tập trung vào tiết kiệm và cắt giảm chi tiêu.

Ông Hollande biện bạch cho sự cố Coiffeurgate (“vụ bê bối cắt tóc”, mô phỏng lối nói Watergate của Mỹ), bằng cách nhắc nhở những người chỉ trích rằng ông đã giảm chi tiêu của chính phủ được 9 triệu euro, bao gồm giảm 10% nhân viên của Điện Élysée và cắt giảm 30% tiền lương của chính mình.

Khi cac nha lanh dao the gioi chi bon tien cho nhung so thich ky la
Benjamin Netanyahu tốn khá nhiều tiền cho sở thích ăn kem.

Israel. Trước khi ông Benjamin Netanyahu phải đối mặt với cáo buộc tham nhũng, vị Thủ tướng Israel đã bị buộc tội lạm dụng ngân khố quốc gia để đáp ứng sở thích ăn kem của mình.

Năm 2013, ông Netanyahu bị công chúng phản đối sau khi báo chí đưa tin văn phòng của ông mỗi năm chi 2.700 USD tại tiệm kem Glida Metudela ở Jerusalem cho các loại kem ông ta ưa thích – kem hạt hồ trăn và kem vani.

Nhưng đó không phải là phí phạm duy nhất của ông bị công chúng giám sát. Bibi, tên gọi khác của ông Netanyahu, cũng bị chỉ trích vì đã chi 127.000 USD để lắp đặt một chiếc giường trên máy bay cho chuyến bay kéo dài 5 tiếng của ông tới London dự tang lễ cựu Thủ tướng Anh Margaret Thatcher.

Ireland. Năm 2006, báo chí Ireland tiết lộ khoản tiền Thủ tướng nước này Bertie Ahern đã chi trong nhiệm kỳ 4 năm của mình cho việc mua mỹ phẩm, và ông bị các đối thủ chính trị gọi là “thủ tướng L'Oreal”.

Thủ tướng Ahern bị các nghị sĩ Ireland chỉ trích vì đã chi hơn 85.000 euro (gần 2,3 tỷ đồng) cho việc trang điểm trong vòng 4 năm. Nhưng ông Ahern nói chi tiêu làm đẹp của ông không khác gì những người tiền nhiệm của mình, vì họ thường được các kênh truyền hình phỏng vấn.

Libya. Khi Muammar Qaddafi (nhà lãnh đạo Libya chết năm 2011) đi thăm các quốc gia khác, chuyến đi của ông ta “rất nặng nề”. Dù đi đâu, ông ta cũng mang theo một chiếc lều Bedouin cỡ lớn. Chiếc lều đại của ông Qaddafi từng được dựng trong vườn điện Kremlin năm 2008, và tại công viên Villa Doria Pamphili có từ thế kỷ 17 ở Rome vào năm 2009.  

Không rõ ông Qaddafi phải bỏ ra bao nhiêu tiền để vận chuyển chiếc lều khổng lồ của mình đi khắp thế giới, nhưng chắc rằng việc này không gây căng thẳng tài chính cho nhà lãnh đạo Libya, người có trị giá tài sản lúc chết khoảng 200 tỷ USD.

Thanh Hiền (Theo The Atlantic)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI