Khi các 'cụ non' lên ti vi bàn chuyện thời sự

27/12/2014 - 17:01

PNO - PN - Chương trình "Những đứa trẻ hay chuyện" của VTV6 (21g tối thứ Ba hàng tuần) đang thu hút khán giả với những ý kiến rất dí dỏm, hài hước của các “cụ non”, bàn về các vấn đề thời sự khiến người lớn phải "giật mình".

Khi cac 'cu non' len ti vi ban chuyen thoi su

Tham gia chương trình là những em thông minh, cá tính, tự tin

Ra mắt tập đầu tiên ngày 14/10 trên VTV6 với “chủ xị” là BTV Bạch Dương - người từng quen thuộc với khán giả qua Hành trình văn hóa trên VTV3, chương trình Những đứa trẻ hay chuyện với nội dung thể hiện suy nghĩ của trẻ em về các vấn đề thời sự ngày càng thu hút khán giả bởi sự thông minh, già chuyện của các em nhỏ dạn dĩ, hiểu biết từ tiểu học đến trung học.

Qua các chủ đề đa dạng, từ chuyện đi học (phát sóng 14/10), chuyện tiền bạc (11/11), chuyện yêu (18/11), sự coi thường (2/12), trách nhiệm công dân (9/12)… thế giới nội tâm và những suy nghĩ của trẻ mang đến cho người lớn những bất ngờ thú vị lẫn sự trăn trở về cách giáo dục, nói chuyện với trẻ để định hướng cho chúng những vấn đề trong cuộc sống.

Các em nhỏ trong chương trình không hẳn là những “đứa trẻ thông thường”. Các em được chọn lọc từ các trường tiểu học, THPT phía Bắc, đa số là Hà Nội và từ nhiều kênh.

Nhiều em đang được khán giả yêu thích như Vũ Tuấn Kiệt (sinh năm 2003), từng có cả một triển lãm tranh mang tên mình năm chín tuổi, không đi học ở trường mà học riêng với một tiến sĩ - kiến trúc sư; Nguyễn Hoàng Minh là học sinh lớp 5 trường tiểu học với những câu nói như: “Em thích suy nghĩ văn minh là văn hóa và thông minh. Chúng ta phải cư xử thông minh với mọi người để tạo ra một văn hóa tốt” (chủ đề “Văn minh” - phát sóng 28/10).

Khi cac 'cu non' len ti vi ban chuyen thoi su

Các em nhỏ trò chuyện cùng BTV Bạch Dương

Chính vì được chọn lọc kỹ ngay từ đầu vào, nên có thể thấy ngay đó là những em nhỏ thông minh, cá tính, tự tin, hài hước và đặc điểm nổi bật nhất là… già chuyện.

Chỉ là những suy nghĩ của em học sinh cấp I, cấp II (đa phần trong độ tuổi từ 11 đến 14) nhưng “những đứa trẻ hay chuyện” gây bất ngờ vì sự “già đời” qua cách bình luận hiện tượng nóng hổi trong xã hội như: “Không có bức xúc gì trên thế giới thì chẳng có ai chửi bậy, còn nếu như không có tiền thì chả có ai phải vì tiền” (Kiệt), “Bàn tay ta làm nên tất cả, có sức người thì đôi dép tông cũng thành thịt luộc” (Đình Nguyên - chủ đề “Lòng tốt” phát sóng 16/12), “Không nên xin xỏ như vậy, vì cuối cùng rồi thì cũng phải móc ví hoặc dắt xe về đồn" (tình huống gặp cảnh sát giao thông - Cao Hải Lâm - chủ đề “Công dân” 9/12)…

Có thể thấy rõ tác động của môi trường giáo dục gia đình lên các em nhỏ, khi ngoài những suy nghĩ “khôn lỏi”, các em còn vô tư “kể xấu” bố mẹ qua những hành xử thiếu văn minh mà các em thấy hàng ngày như nói tục, hút thuốc nơi công cộng, vượt đèn đỏ, ăn uống thiếu thanh lịch… nhưng lại yêu cầu con cái làm điều ngược lại.

Tuy nhiên, bên cạnh sự thú vị của các em nhỏ và sự bổ ích mà chương trình mang lại, Những đứa trẻ hay chuyện cũng còn nhiều yếu tố chưa thực sự phù hợp. Liệu có nên đặt vấn đề: Làm thế nào để bố mẹ kiếm nhiều tiền hơn? cho những đứa trẻ 11-14 tuổi giải quyết, thay vì hướng chúng đến sự tiết kiệm tiền bạc để chia sẻ khó khăn với cha mẹ?

Ngài Ném - nhân vật đóng vai trò tư vấn, đưa ra ý kiến định hướng cho các em nhỏ trong chương trình lại có những ý kiến “vô thưởng vô phạt” và thậm chí “vô duyên" như: “cái quan trọng nhất của làm gương là có một tấm kính, và ai muốn làm gương thì… lên mạng mà tìm” (Làm sao để người lớn làm gương cho trẻ con?) Văn minh là hãng xe giường nằm từ Hà Nội đến Cửa Lò (Văn minh là gì?). Trả lời cho câu hỏi “Quan niệm tình yêu của ngài là gì vậy?" trong chương trình chủ đề “Yêu” phát sóng ngày 18/11, “Ngài Ném” đã đọc bài thơ “chế” Xuân Diệu như sau: Có ai định nghĩa được tình yêu/Có khó gì đâu một buổi chiều/Anh bên cầu tiêu, em chợt đến/Nhường em vào trước, đấy là yêu!… gây khó chịu cho khán giả.

Trích Những đứa trẻ hay chuyện, chủ đề Yêu

 ĐINH HÀ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI