Vỡ lẽ vì thấy mình áp đặt con
Tiến sĩ Lê Minh Thuận, Trưởng khoa Tâm lý, Bệnh viện Quận 2 TP.HCM, từng chứng kiến một ông bố lôi xềnh xệch con trai của mình đến nhờ các bác sĩ giúp đỡ vì… thấy một dụng cụ tránh thai trong ví của cậu.
Hỏi ra mới biết, em T.V.H. (18 tuổi, nhà ở Q.9, TP.HCM) có tham dự buổi trò chuyện về sức khỏe sinh sản ở trường. Sau buổi trò chuyện, tất cả các bạn nam tham gia đều được tặng “hiện vật” này, H. tiện tay bỏ luôn vào ví, không ngờ cha của em vô tình kiểm tra ví và phát hiện ra.
|
Tiến sĩ bác sĩ Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Phó giám đốc Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM chia sẻ với sinh viên về tình trạng nạo phá thai. |
Lúc đầu, cha của H. không nghe em giải thích, vừa thấy dụng cụ tránh thai đã đánh em tới tấp vì cho rằng con trai mình sống buông thả. Ông còn nhờ tiến sĩ Thuận “tra hỏi” xem H. đã làm con gái người khác có thai hay chưa.
Tiến sĩ Lê Minh Thuận cho biết: “Làm việc với H. xong, tôi mời ông D. (cha H. - PV) vào nói chuyện, ông vẫn còn rất lo lắng vì đinh ninh con mình quan hệ tình dục nhiều lần mới đủ can đảm để “dụng cụ bảo vệ” trong ví. Khi ông biết chuyện mới thở phào nhẹ nhõm, ông sợ H. làm khổ con gái người ta, rồi ẵm cháu về cho ông…
Sau khi được các chuyên gia tâm lý trấn an, ông H. nhìn về hướng cửa sổ phòng tư vấn của bệnh viện rồi cười nói: “Thiệt ra, tuổi trẻ bây giờ khác xa hồi đó, có thể chúng tự do yêu đương và lựa chọn cuộc sống cho riêng mình, thậm chí có thể quan hệ trước hôn nhân. Nhưng tôi muốn con phải làm chủ cuộc sống, thành tài trước đã rồi mới tính, chứ tuổi này mà lỡ có con thì tương lai mịt mù. Tôi đã nghèo, nên cố gắng làm việc đầu tắt mặt tối để nuôi con ăn học tới nơi”.
Phần lớn các bạn trẻ (nhiều nhất từ 13-22 tuổi) đến điều trị tâm lý vì chấn động tâm lý sau khi quan hệ, nhưng cũng có không ít phụ huynh đến nhờ bác sĩ tư vấn cách làm bạn cùng con. Một mặt để hiểu được tâm lý của con, mặt khác để khuyên con chăm lo việc học và lỡ con có quan hệ sớm với người yêu thì cũng không dẫn đến tình trạng phá thai, bỏ học...
Dù số ông bố bà mẹ “tâm lý” như thế không nhiều, nhưng đã xuất hiện những mẫu phụ huynh hiện đại. Như trường hợp của bà N.T.K.T. (45 tuổi, nhà ở Q. Thủ Đức, TP.HCM); lúc đầu bà luôn nghi ngờ con gái và sau khi hiểu sai về con, bà suy nghĩ thoáng hơn về giới trẻ.
Bà kể, khi thấy suốt 2 tháng, con gái chậm có kinh, da xanh xao, lười ăn uống... bà lén đến tìm bác sĩ hỏi xem con gái có phải đã cấn thai. Chưa an tâm, bà T. quay về nhà dẫn con gái 20 tuổi đi làm xét nghiệm, nói dối là kiểm tra sức khỏe tổng quát định kỳ mỗi năm.
Dựa vào kết quả xét nghiệm, các bác sĩ cho biết, con gái của bà T. do bị áp lực thi cử dẫn đến stress nên ảnh hưởng đến chu kỳ kinh, đồng thời em lười ăn vì bị căng thẳng, lúc nào cũng lo đến ngày thi...
Bác sĩ cũng tư vấn cho bà T. nên làm bạn với con hơn là áp đặt. Nếu chẳng may con bà T. có quan hệ tình dục trước hôn nhân, nhưng em không xem mẹ là “người bạn”, ngại chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống, thì dễ dẫn đến khả năng em quan hệ tình dục không an toàn và mang thai ngoài ý muốn. Nghe đến đây, bà T. thấy mình sơ suất trong cách dạy con.
|
Tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Bá Mỹ Nhi đang giao lưu với sinh viên về cách ngừa thai an toàn - Ảnh: Phùng Huy |
Không ai thay thế được cha mẹ
“Mỗi năm, Bệnh viện Từ Dũ có khoảng 20.000 ca đến bỏ thai ngoài ý muốn, trong đó có đến 80% trường hợp phụ nữ chưa lập gia đình, và trong con số 80% ca đó có các em sinh viên mới vừa bước qua tuổi 18” - đó là cảnh tỉnh của tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Bá Mỹ Nhi - Phó giám đốc Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM - tại buổi nói chuyện với sinh viên trường Đại học Mở (TP.HCM) về chủ đề “Sống chủ động - không ai thay thế bạn” do Báo Phụ Nữ phối hợp với Công ty Bayer Việt Nam tổ chức vào sáng 12/11.
Theo bác sĩ Mỹ Nhi, khi sinh viên đã đủ 18 tuổi thì coi như các em có quyền quyết định cuộc đời riêng tư của mình, nhưng hãy nhớ rằng đừng bất cẩn, chủ quan để phải làm mẹ bất đắc dĩ. Trong quá trình làm nghề mấy chục năm, bác sĩ Nhi nuối tiếc nhất là nhiều bạn gái học giỏi, đường tương lai rộng mở nhưng vô tình trong một lần mang thai ngoài ý muốn đã trở thành mẹ đơn thân, và giấc mơ muốn trở thành người cống hiến cho xã hội, muốn sống cho chính mình lại bị ràng buộc bởi con cái khi tuổi đời còn quá trẻ.
|
Trong số phụ nữ trẻ được tư vấn, không ít bà mẹ cũng đã đến lắng nghe để tìm cách giải quyết cho con gái mình |
Nhiều bạn sinh viên cả nam lẫn nữ khi nghe bác sĩ Nhi kể về hành trình phá thai đầy nguy hiểm như sót nhau, dính tử cung, cắt bỏ tử cung, vô sinh, thậm chí lấy đi tính mạng của nhiều bạn gái, cả hội trường đều lặng im, các bạn sinh viên chợt nhận ra họ chưa hiểu đủ về sống chủ động trong sinh sản lẫn cuộc sống hằng ngày.
Kết thúc buổi nói chuyện, bác sĩ Nhi nhấn mạnh, có nhiều phương pháp hỗ trợ ngừa thai hiện đại, các bạn trẻ nên tìm hiểu và đến bác sĩ chuyên khoa để tư vấn, nhưng hãy nhớ đừng lạm dụng thuốc tránh thai khẩn cấp vì rất nguy hiểm.
Không như thuốc tránh thai được uống đều đặn mỗi ngày, thuốc tránh thai khẩn cấp chỉ uống tối đa 2 lần/tháng, nhưng bác sĩ cũng không khuyến khích, vì đó là ngừa thai bị động. Nhiều bạn trẻ cứ nghĩ đã có thuốc khẩn cấp thì cứ “vui vẻ” thoải mái, nhưng đây cũng là lý do khiến nhiều bạn có thai ngoài ý muốn. Hãy ngừa thai hơn phá thai.
Và biện pháp ngừa thai tốt nhất là cha mẹ hãy làm bạn với con, hãy hướng dẫn con "chạy" đúng đường để không dẫn đến phá thai. Cha mẹ phải giúp con tránh được những sai lầm do thiếu hiểu biết, do ngại ngần trong quan hệ tình dục và ngừa thai đúng cách.
Bà K. - mẹ của bé gái H.Th.L. (14 tuổi, nhà ở Q.10, TP.HCM) đưa em đến giải quyết hậu quả khi thai đã được 17 tuần tại Bệnh viện Hùng Vương chia sẻ: “L. vô tư cười nói bao nhiêu, tôi càng rầu rĩ bấy nhiêu. Thà nó khóc, nó đau, tôi mới biết nó hối hận để không có lần sau; chứ nó cười chứng tỏ nó còn trẻ con; mà trẻ con thì chưa làm chủ được cuộc sống của nó, rồi có khi lại có thai. Lỗi này một phần do tôi, tôi bận rộn kiếm sống nên trước đây khá gay gắt khi con nói có người yêu. Điều cần thiết lúc này không phải tôi la rầy con nữa mà là giúp con vượt qua mặc cảm, tự bảo vệ mình khi cần thiết. May mà con tôi không gặp biến chứng”. |
Phạm An