Khi 'buồng tờ-rứng' chảy xệ

11/05/2018 - 18:30

PNO - Hiện tượng “buồng tờ-rứng” buông thõng dài hơn hẳn “trái ớt” và da bao bìu co lại không ôm gọn hai “trứng” gọi là tinh hoàn chảy xệ và mềm nhũn, liên quan đến một số bệnh nam khoa.

Lên cấp III, mỗi khi thay đồ đá banh hoặc đi bơi, con để ý thấy cái “đùm giữa” của mình không gọn gàng săn chắc như mấy thằng bạn thân. Thăm dò vài bạn mới biết hai “trái” của con (nói vậy bác sĩ hiểu rồi heng) bị sa xuống thấp và lỏng lẻo.

Khi 'buong to-rung' chay xe
Ảnh minh họa

Mặc quần sịp thật ôm để khắc phục nhưng con lại thấy bí và ngứa ngáy. Con không hiểu mình “bị gì” và phải làm sao?

(một nam sinh Trường THPT Q.Gò Vấp, TP.HCM)

“Buồng tờ-rứng” của các cậu trai gồm hai “trái” hình trứng treo tòn teng ở bụng dưới, kích thước trung bình dài 4,5cm, rộng 2,5cm, dày 1,5cm, nặng chừng 20g. Bình thường chúng có chiều dài ngang bằng với “trái ớt” khi không cương cứng. 

Hiện tượng “buồng tờ-rứng” buông thõng dài hơn hẳn “trái ớt” và da bao bìu co lại không ôm gọn hai “trứng” gọi là tinh hoàn chảy xệ và mềm nhũn, liên quan đến một số bệnh nam khoa:

Da bìu quá rộng: lẽ ra khi người ta lớn, cái túi đựng hai tinh hoàn phải thu lại ôm gọn lấy hai trứng, đằng này vẫn như chiếc áo rộng thùng thình khiến chúng trông có vẻ… luộm thuộm, già nua.

Gia tăng nhiệt độ: khi thân nhiệt tăng cao do sốt hoặc do vận động mạnh, các sợi cơ bìu giãn ra, tăng diện tích tiếp xúc với không khí, giúp điều hòa nhiệt độ tinh hoàn và duy trì sức sống của đội quân tinh binh. Chắc cháu cũng thấy, vào những ngày trời nóng tinh hoàn bị chảy xệ, khi trời lạnh sẽ săn lên. Nhiệt độ tăng do mặc quần áo quá chật hoặc thói quen để điện thoại trong túi quần cũng dẫn tới tình trạng này.

Tràn dịch màng tinh: hiện tượng bao tinh hoàn chứa đầy dịch làm cho bìu bị sưng hoặc to hơn bình thường ở một hoặc cả hai bên nhưng không đau. Dùng đèn pin rọi xuyên qua bìu (như khi soi trứng gà, trứng vịt), sẽ thấy luồng ánh sáng mờ hoặc hơi hồng, nếu thấy tất cả là màu đen là có khối u trong tinh hoàn.

Giãn tĩnh mạch thừng tinh: khá phổ biến, chiếm 15% ở nam giới, thường xảy ra ở tuổi thanh thiếu niên trở lên nhưng cũng có thể phát bệnh khi còn nhỏ do tĩnh mạch ở phía trên tinh hoàn bị giãn, dài ra và xoắn lại khiến máu không thể bơm vào tinh hoàn làm nó teo lại, da bìu như rộng ra, các mạch máu ngày càng dài không thể kéo tinh hoàn lên cao. 

Bệnh do bẩm sinh hoặc do tăng nhiệt độ ở bìu, hoặc ứ mạch máu do hệ thống van của tĩnh mạch tinh bị yếu hoặc không có van, nên có hiện tượng trào ngược máu từ tĩnh mạch thận vào đám rối tĩnh mạch tinh. Lâu dài khiến tinh hoàn bị suy kiệt, không đảm bảo chức năng tiết ra hoóc-môn nam và suy giảm khả năng sinh tinh trùng. Bệnh không ảnh hưởng đến hoạt động thường ngày nhưng có nguy cơ gây vô sinh (40% nam giới vô sinh do giãn tĩnh mạch thừng tinh).

Ung thư tinh hoàn dẫn đến những thay đổi bất thường khiến tinh hoàn chịu áp lực bị đẩy xuống và lớp da bao mềm ra.

Ngoài ra còn có thể do viêm tinh hoàn, tổn thương màng tinh hoàn…

 “Buồng tờ-rứng” chảy xệ tác động đến tâm lý (dù không nói ra thì không ai biết) khiến chàng trai lúng túng, mất tự tin về cơ thể của mình, không tập trung học hành, vui chơi thể dục thể thao, ảnh hưởng đến sức khỏe và hoạt động sinh lý sau này.

Cháu nên mặc quần lót dành cho vận động viên. Không mặc loại quá chật, có chất liệu ni-lông gây ngứa ngáy và ứ đọng mồ hôi. Thường xuyên vệ sinh vùng kín sạch sẽ. Không sờ, nắn thường xuyên để tránh biến chứng. Không nên lờ đi các dấu hiệu liên quan đến chỗ ấy, nghĩ rằng tự nó sẽ hết mà cần đi khám để xác định nguyên nhân và chữa trị sớm. 

 Bác sĩ Hoa Tiêu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI