Khi bố muốn chăm con

20/01/2014 - 08:15

PNO - PN - Gerd Goebel từng có sự nghiệp thành đạt. Anh là trưởng nhóm chuyên viên quản trị nhân sự tại Commerzbank, ngân hàng lớn thứ nhì ở Đức. Không chỉ làm việc siêng năng, Gerd còn sẵn sàng nhận thêm việc ngoài giờ, vì lúc đó anh vừa...

edf40wrjww2tblPage:Content

Bây giờ, con gái lên ba tuổi, Gerd lại suy nghĩ khác. Anh tình nguyện giảm giờ làm tại cơ quan, ban đầu là 40%, sau đó là 60% và cuối cùng là 80%. Điều đó có nghĩa, Gerd lại trở thành người làm bán thời gian. Trong bộ phận có đến 80 nhân viên của Gerd, anh là người đầu tiên từ bỏ vị trí lãnh đạo để chọn việc làm bán thời gian.

Gerd Goebel chỉ là một trong số rất nhiều ông bố không hài lòng với việc cả tuần quần quật và chỉ gần gũi con cái vào những ngày cuối tuần. Dù vẫn khát khao làm việc, nhưng họ muốn là một phần trong cuộc sống hàng ngày của các con, góp sức cùng vợ nuôi dạy con cái và nhìn chúng trưởng thành mỗi ngày.

Trường hợp của Joerge Asmussen cũng tương tự. Khi từ bỏ cương vị thành viên ban giám đốc Ngân hàng châu Âu hồi tháng 12/2013, Asmussen viện dẫn lý do “hai con còn nhỏ”. Tương tự, “các con” cũng là nguyên nhân khiến Roland Pofalla từ bỏ sự nghiệp chính trị đang rất xán lạn. Pofalla từng là một trong những trợ lý được Thủ tướng Angela Merkel tin tưởng nhất.

Có thể thấy, một bộ phận đàn ông Đức bắt đầu suy nghĩ khác về vấn đề gia đình, trong đó có nhiều người giữ cương vị quan trọng trong xã hội cũng như tại nơi làm việc. Ngày trước, người đàn ông Đức đương nhiên tự xem mình là trụ cột, đảm bảo sinh kế cho cả gia đình. Lẽ hiển nhiên, giao tiếp ngoài xã hội là chuyện của đàn ông, còn chuyện chăm sóc con cái và thu vén gia đình là của phụ nữ.

Khi bo muon cham con

Các ông bố bây giờ muốn có thời gian cùng con cái nhiều hơn - Ảnh: Der Spiegel

Bây giờ, những ngày ấy có vẻ như dần qua. Theo một nghiên cứu của Bộ Xã hội Đức, 91% các ông bố được hỏi cho biết họ muốn có thời gian dành cho gia đình trong cả những ngày làm việc chứ không chỉ vào dịp cuối tuần. Điều thú vị là, chính phủ Đức cũng thuận theo xu thế đó khi chấp thuận ý niệm “ông bố tích cực” (active fathers) và kêu gọi các công ty “cải thiện điều kiện làm việc để cả cha lẫn mẹ có thể cùng chia sẻ công việc gia đình và sự nghiệp bên ngoài một cách công bằng”.

Các doanh nghiệp, nơi sử dụng lao động cũng phải thích ứng với “văn hóa công sở” kiểu mới này. Trước đây, họ chỉ tìm cách đáp ứng nhu cầu về giờ làm việc của nhân viên nữ đã có gia đình, thì bây giờ, các ông bố cũng đã yêu cầu được áp dụng giờ làm việc linh hoạt hơn để có thể đến nhà trẻ đón con hoặc vắng mặt trong một cuộc họp cơ quan vì phải dự một cuộc họp phụ huynh.

Nhiều công ty lớn ở Đức buộc phải thay đổi để có thể giữ chân các nhân viên nhiều kinh nghiệm. Robert Bosch GmbH, công ty điện tử và công nghiệp hàng đầu ở Đức, trở thành khuôn mẫu trong vấn đề này khi áp dụng phương pháp mềm dẻo. Không chỉ cho phép nhân viên chọn giờ làm việc thích hợp, thậm chí làm bán thời gian, hãng Bosch còn khuyến khích nhân viên không nhất thiết phải có mặt ở cơ quan suốt “tám giờ vàng ngọc”, miễn là hiệu quả công việc không giảm sút.

Khi bo muon cham con

Chăm sóc con giúp các ông bố có thêm nhiều kỹ năng trong đời sống - Ảnh: Daily Mail

Lutz Cauers, 49 tuổi, là người đứng đầu một bộ phận quan trọng với hơn 100 nhân viên của Deutsche Bahn - Công ty Đường sắt quốc gia Đức. Ngoài văn phòng ở Berlin và Frankfurt, Cauers còn chịu trách nhiệm ba chi nhánh ở châu Âu, châu Á và Mỹ. Tuy nhiên, ông chọn Nuremberg là nơi đặt văn phòng chính, bởi nơi đó có gia đình gồm vợ và ba con trai mà đứa út mới vài tuần tuổi. Như thế, ông khó khăn hơn trong việc điều hành, nhưng bù lại sẽ có thêm thời giờ bên cạnh vợ con. “Vợ tôi có một cơ sở kinh doanh loại vừa, vì thế cô ấy không thể quán xuyến việc làm ăn và việc nhà cùng lúc, trong khi tôi lại muốn tận mắt nhìn các con lớn lên từng ngày”, Cauers nói.

Cauers đã thực hiện điều đó từ một năm nay và giới lãnh đạo Công ty Đường sắt quốc gia chưa bao giờ than phiền hiệu quả công việc của ông. “Vấn đề là hiệu quả trong công việc chứ không phải là anh ta có mặt suốt ở cơ quan”, Bettina Volkens của tập đoàn Lufthansa nói.

Thực tế, những thay đổi này mang lại nhiều lợi ích cho các công ty chứ không hề gây thiệt hại. Một cuộc thăm dò mới đây cho thấy, các ông bố muốn kết hợp sự nghiệp với gia đình có nhiều động lực trong việc làm và trung thành với công ty hơn. Những người đang giữ cương vị lãnh đạo thừa nhận rằng, chăm sóc con cái giúp họ có thêm nhiều kỹ năng trong đời sống, cải thiện được khả năng sắp xếp công việc. Do vậy, hiệu quả công việc tăng lên rõ rệt.

THIỆN NGA

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI