Khi Biển Đông ra trước nghị trường

22/05/2014 - 17:31

PNO - PNO – Việt Nam bằng mọi cách bảo vệ hòa bình, “nhưng nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.

edf40wrjww2tblPage:Content

Trong phiên khai mạc Quốc hội ngày 20/5/2014, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã đặc biệt nhấn mạnh về tình hình Biển Đông hiện nay: “Việc Trung Quốc đặt giàn khoan trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, cùng với sự hộ tống, trong đó có cả tàu chiến và máy bay quân sự bảo vệ là sự vi phạm đặc biệt nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam, Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển 1982, Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông; bất chấp cả những thỏa thuận cấp cao giữa hai Đảng và hai Nhà nước Việt Nam - Trung Quốc".

Chủ tịch Quốc hội Việt Nam tuyên bố: “Hòa bình và an ninh đang bị đe dọa”.

Đó cũng là nhận định, là thái độ và ý chí của Quốc hội Việt Nam trước tình hình nguy hiểm trên Biển Đông do Trung Quốc cố tình gây nên.

Khi Bien Dong ra truoc nghi truong

Người Việt Nam luôn giữ tình hòa hiếu với các nước láng giềng, đặc biệt là với Trung Quốc. Trong chính sách đối ngoại của mình, Việt Nam luôn coi Trung Quốc là láng giềng, là anh em, là đồng chí. Điều đó được thể hiện một cách trung thực, nhiều khi tới mức thật thà. Trong khi đó, Trung Quốc tuy ngoài miệng luôn nói rất hay, rất ngọt về tình hữu nghị và “16 chữ vàng” và “4 tốt” với Việt Nam, nhưng trong thực tế, những gì mà Trung Quốc thể hiện với Việt Nam đều khiến nhân dân Việt Nam phải đau lòng.

Quốc hội Việt Nam là đại diện cho ý chí, nguyện vọng và tiếng nói của nhân dân Việt Nam, luôn hết sức thân thiện và kiềm chế trước mỗi thái độ thực sự thiếu thiện chí của Trung Quốc, nhưng khi Trung Quốc đã ngang nhiên xâm phạm chủ quyền Việt Nam, ngang nhiên chà đạp lên luật pháp quốc tế cũng như “16 chữ vàng và 4 tốt” mà hai Đảng Trung Quốc và Việt Nam đã xây dựng lên, thì thái độ kiên quyết của Quốc hội Việt Nam đang được nhân dân Việt Nam và dư luận yêu chuộng hòa bình trên thế giới đồng tình và ủng hộ.

Quan hệ quốc tế ngày nay không thể và không còn là “quan hệ pháo hạm”. Trong quá khứ, Việt Nam đã hơn một lần phải đương đầu với những “quan hệ pháo hạm” độc ác, tàn nhẫn và ngạo mạn của nhiều cường quốc thực dân cũ và mới.

Phần Biển Đông của Việt Nam có được là do qui định của luật pháp quốc tế, chứ không do Việt Nam dùng vũ lực chiếm được của bất cứ quốc gia nào. Vậy thì không có bất cứ lý do gì khiến Trung Quốc ngang nhiên mang giàn khoan khổng lồ đặt ngay vào vùng biển thuộc chủ quyền và đặc quyền kinh tế của Việt Nam, lại dùng sức mạnh quân sự giả danh dân sự để uy hiếp, đe dọa, thậm chí gây hấn với lực lượng chấp pháp trên biển của Việt Nam.

Những hành động ấy của Trung Quốc rất trắng trợn, không thể chấp nhận đối với bất cứ quốc gia có chủ quyền nào. Nhưng Việt Nam vẫn kiên trì thuyết phục, kêu gọi đối thoại hòa bình, trên cơ sở tôn trọng Luật biển quốc tế để cùng nhau giải quyết một sự việc mà phần sai trái hoàn toàn thuộc về phía Trung Quốc. Đó chính là tư tưởng yêu chuộng hòa bình mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kiên trì gây dựng từ khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Nhưng đó không hề là một tư tưởng chủ bại hay sợ hãi. Việt Nam vừa kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phú. Đó là chiến thắng của tư tưởng Hồ Chí Minh luôn kiên trì hòa bình cho tới phút cuối cùng, bằng mọi cách bảo vệ hòa bình, “nhưng nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.

Quốc hội Việt Nam đang giương cao tư tưởng Hồ Chí Minh trong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia và góp phần gìn giữ, bảo vệ hòa bình trong khu vực và trên thế giới. Sự công khai tư tưởng Hồ Chí Minh trước thế giới trong lúc này chính là khẳng định những mục tiêu đúng đắn mà Việt Nam với tư cách một quốc gia độc lập, có chủ quyền mãi mãi theo đuổi, bất chấp mọi trở lực.

Thanh Thảo

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI