Rối loạn tiêu hóa (RLTH) là các triệu chứng bất thường trong hoạt động của hệ tiêu hóa như: đau bụng, ợ chua, trớ đồ ăn, tiêu chảy, táo bón… tuy nhiên, do không lưu ý, xem thường các triệu chứng RLTH, rất nhiều trường hợp tử vong vì đó là do ung thư (UT) dạ dày, thực quản, trực tràng, nhồi máu cơ tim… đau bụng có khi vì nhồi máu cơ tim
Đau bụng không phải lúc nào cũng là biểu hiện của RLTH, có trường hợp là dấu hiệu của nhồi máu cơ tim. Người nhà bệnh nhân N.T.L. (57 tuổi, ngụ Trà Vinh) cho biết, bà L. khó thở, đau vùng bụng, buồn nôn, tức ngực, BS bệnh viện (BV) địa phương chẩn đoán bà bị RLTH, đau dạ dày và cho thuốc về uống.
Tuy nhiên bà L. có biểu hiện mệt, khó thở, đau bỏng rát ở vùng ngực nhiều hơn. Được đưa lên BV tuyến trên, BS phát hiện bà bị đau tim, nhưng do đến quá trễ, bà L. đã tử vong.
|
Ảnh minh họa. Internet |
Theo nghiên cứu của Tổ chức Tim mạch Anh (BHF), hơn 80% số người từng trải qua đau tim cho biết họ không nhận thức mình bị đau tim, 35% trong số đó nhầm các dấu hiệu là của chứng khó tiêu.
Nếu bị đau tim và không được cấp cứu trong vòng một giờ sau khi xuất hiện triệu chứng, tính mạng có thể bị đe dọa. Theo BHF, triệu chứng đau tim là đau ngực, cảm giác bị chèn ép, thắt lại ở giữa ngực, đau ở một số vùng khác của cơ thể, hoa mắt, choáng váng, đổ mồ hôi, hơi thở ngắn, khó tiêu, nôn, buồn nôn. Khó tiêu, RLTH cũng có triệu chứng buồn nôn, nôn, ợ nóng, nghe vị chua, đau dạ dày, thậm chí đau và bỏng rát ở ngực nên dễ gây nhầm lẫn.
“Đau bụng do nguyên nhân từ tiêu hóa là khi đi kèm với những triệu chứng như đau liên quan đến bữa ăn (khi đói hoặc khi quá no), đau kèm ợ hơi, ợ chua, rối loạn đại tiện và tính chất phân (tiêu chảy, phân nát, táo bón), đau giảm khi trung tiện, đại tiện. Khi đau bụng phải lưu ý các dấu hiệu cảnh báo bệnh nguy hiểm như sốt, tiêu máu, sụt cân, thiếu máu...” - ThSBS Lê Thị Tuyết Phượng - Trưởng khoa Nội tiêu hóa, BV Nhân dân 115 cảnh báo.
Đau dạ dày là khi có cảm giác nóng rát, cồn cào như đói, thường có tí nh chất chu kỳ. Ăn vào có thể giảm đau hoặc đau tăng thêm. Đau khi đói, ăn vào giảm đau nhưng ăn hơi nhiều một chút thì cơn đau tăng lên. Khi dùng các thuốc dạng gói chứa nhũ dịch hoặc viên nhai có vị the thì cơn đau giảm nhanh.
Đau do viêm ruột thừa cấp khi cơn đau khởi phát ở vùng giữa bụng trên rốn hoặc quanh rốn, trước đây chưa từng có cơn đau tương tự. Sau một thời gian cơn đau chuyển xuống vùng bụng dưới rốn bên phải trong khi vùng bụng khởi phát cơn đau thì hoàn toàn hết đau.
Tiêu chảy có thể là dấu hiệu của nhiều loại ung thư
Tiêu chảy có thể do nhiễm trùng, nhiễm chất độc, chế độ ăn uống, thuốc, viêm ruột thừa, viêm túi mật... Nếu tiêu chảy dưới hai tuần là cấp tính, từ hai tuần trở lên là mạn tính. Tiêu chảy có thể biểu hiện dưới dạng tiêu không tự chủ, không kiểm soát được tình trạng thoát phân.
Biểu hiện khác là giả tiêu chảy: đi cầu nhiều lần nhưng mỗi lần đi chỉ được chút ít phân, kèm triệu chứng buốt mót. Đây có thể là dấu hiệu nghiêm trọng báo hiệu UT nhưng rất nhiều người không quan tâm, khi phát hiện, UT đã vào giai đoạn cuối.
Bà V.T.B. (57 tuổi, ngụ H.Hóc Môn) thường đau bụng và tiêu chảy vào sáng sớm, mỗi lần đại tiện chỉ được chút phân đen; ăn uống cảm giác không ngon, sút cân. Tình trạng kéo dài vài tháng, đi khám tại cơ sở y tế địa phương, BS cho biết bà bị viêm đại tràng.
Bà uống thuốc Đông y, ăn, ngủ ngon hơn nhưng vẫn bị đau bụng, tiêu chảy ra ít phân đen vào buổi sáng. Khi tình trạng tiêu chảy nặng hơn, bà đi nội soi mới phát hiện bị UT đại tràng, đã di căn đến gan.
UT đại tràng có biể u hiệ n: rối loạn thói quen đi vệ sinh. Bệnh nhân hay tiêu chảy vào sáng sớm, diễn ra nhiều ngày hoặc xen kẽ với táo bón. Đặc biệt nếu đại tiện ra máu, phân dẹt như lá lúa, giảm cân đột ngột… UT dạ dày: biểu hiện UT dạ dày thường khó phân biệt và dễ nhầm lẫn với viêm ruột, viêm dạ dày. Nếu tiêu chảy đột ngột, phân có màu đen, chán ăn, sụt cân... nên nội soi dạ dày.
Táo bón có thể là dấu hiệu ung thư trực tràng
Táo bón là đi tiêu khó, phải rặn nhiều, giảm số lần đi tiêu hơn bình thường (dưới ba lần/tuần), phân cứng, đi tiêu không hết phân, phân thường rất ít, phân rắn thành cục, có thể dính theo máu tươi do cọ xát vào niêm mạc hậu môn làm rách những mạch máu nhỏ, có khi dính theo chất nhầy niêm dịch của đại tràng, trực tràng.
Nếu táo bón trong thời gian ngắn là do bệnh, do thuốc hoặc do phản xạ. Táo bón mạn tính là do chế độ ăn uống, do suy nhược, rối loạn tâm thần hoặc do nghề nghiệp, thói quen. Bệnh thường gặp ở phụ nữ trẻ.
Tuy nhiên, táo bón còn do tổn thương trong ống tiêu hóa, như những khối u đại tràng, trực tràng, hoặc là những biểu hiện của UT trực tràng.
ThS-BS Lê Thị Tuyết Phượng cho biết, ở giai đoạn sớm của các bệnh UT kể trên, người bệnh đôi khi chỉ có những biểu hiện RLTH thường gặp như khó tiêu, nóng rát vùng thượng vị, ăn không ngon miệng... Nếu các triệu chứng này kéo dài, điều trị không giảm, nhất là khi có những báo động đỏ như tiêu máu, thiếu máu, sụt cân... phải khẩn trương đi khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Cẩm Anh