Tự chữa tiểu rắt, tiểu buốt bằng... thuốc giảm đau
Chị N.T.L. (45 tuổi, nhân viên văn phòng tại quận 1, TPHCM) luôn cảm thấy mệt mỏi vì những cơn đau buốt khi đi tiểu. Chị hay đi tiểu lắt nhắt, đặc biệt tiểu nhiều lần vào ban đêm. Cho rằng mình bị viêm đường tiết niệu, chị L. tự mua thuốc kháng sinh để điều trị. Tuy nhiên, sau một thời gian sử dụng thuốc, các triệu chứng vẫn không thuyên giảm, thậm chí còn trở nên nghiêm trọng hơn. Cơn đau lan rộng ra vùng chậu. Cuối cùng, chị L. phải đến bệnh viện khám và được chẩn đoán mắc bệnh viêm bàng quang kẽ. Việc bệnh nhân tự ý dùng kháng sinh khiến chẳng những bệnh không dứt điểm mà viêm nhiễm còn kéo dài. Bên cạnh đó, việc dùng kháng sinh bừa bãi còn khiến bệnh nhân phải đối diện với nguy cơ kháng kháng sinh.
|
Viêm bàng quang kẽ chỉ tình trạng đau, nặng tức hoặc cảm giác khó chịu mạn tính ở vùng chậu mà người bệnh cảm thấy có liên quan tới bàng quang - Ảnh minh họa: Internet |
Tương tự, anh P.V.T. (38 tuổi, lập trình viên làm việc tại quận 7, TPHCM) thường xuyên cảm thấy khó chịu ở vùng bụng dưới và đi tiểu nhiều lần. Ban đầu, anh nghĩ rằng do uống quá nhiều nước hoặc căng thẳng trong công việc. Tuy nhiên, các triệu chứng ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến giấc ngủ và khả năng tập trung làm việc. Vì mắc cỡ, anh T. âm thầm chịu đựng. Đến khi không thể chịu nổi, anh mua thuốc giảm đau uống nhưng triệu chứng không thuyên giảm. Không thể chịu đựng thêm, anh đi khám và được chẩn đoán mắc bệnh viêm bàng quang kẽ.
Bác sĩ cho biết việc chần chừ không đi khám sớm đã khiến bệnh tiến triển nặng hơn. Các cơn đau lan rộng ra vùng chậu, gây khó chịu khi ngồi, đứng, đi lại. Bệnh nhân thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, chán ăn, tâm lý bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Anh khó tập trung vào công việc, các mối quan hệ xã hội cũng bị ảnh hưởng. Đặc biệt, do đau, anh né tránh việc gần gũi vợ khiến hôn nhân có nguy cơ rạn nứt.
Thêm trường hợp khác là chị Đ.T.T.H. (45 tuổi, giáo viên tiểu học ở quận 10, TPHCM). Thường đau buốt khi đi tiểu và tiểu rắt, chị H. nghĩ mình bị nhiễm trùng đường tiết niệu. Trước đây, mỗi lần tiểu rắt, chị H. ra nhà thuốc mô tả triệu chứng, được bán cho kháng sinh, về uống liền khỏi bệnh. Lần này, sau khi uống thuốc, các dấu hiệu bất thường vẫn không thuyên giảm, thậm chí còn xuất hiện thêm cảm giác đau vùng chậu, chị H. rất lo lắng nên đi khám. Kết quả cho thấy chị bị viêm bàng quang kẽ. Việc tự ý điều trị tại nhà khiến bệnh trở thành mạn tính, khó điều trị hơn. Bệnh khiến chị hay cảm thấy mệt mỏi, chán nản, bất an; đặc biệt còn ảnh hưởng đến đời sống tình dục.
Khái niệm xa lạ với nhiều người
Viêm bàng quang kẽ là một khái niệm còn khá xa lạ đối với nhiều người. Bệnh gây nhiều triệu chứng vô cùng khó chịu, ảnh hưởng nhiều đến hoạt động bài tiết cũng như sinh hoạt hằng ngày. Đa số bệnh nhân khi có triệu chứng tiểu rắt, tiểu buốt đều nghĩ mình bị viêm đường tiết niệu, tự mua thuốc điều trị. Họ không biết rằng đó chỉ là một trong các biểu hiện của rất nhiều bệnh lý, trong đó có viêm bàng quang kẽ.
Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Ân - Trưởng khoa Niệu học chức năng, Bệnh viện Đại học y dược TPHCM - cho biết trong y khoa, viêm bàng quang kẽ còn được gọi là hội chứng đau bàng quang. Gọi như vậy để phân biệt với viêm bàng quang thông thường do nhiễm khuẩn. Một số bệnh nhân mắc chứng này không có bất cứ biểu hiện viêm nào, niêm mạc, bàng quang không bị viêm xung huyết, nước tiểu hầu như bình thường (không có hoặc rất ít tế bào viêm).
|
Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Ân - Trưởng khoa Niệu học chức năng, Bệnh viện Đại học y dược TPHCM - đang tư vấn cho bệnh nhân về bệnh viêm bàng quang kẽ - Ảnh: M.T. |
Có thể hiểu rằng viêm bàng quang kẽ chỉ tình trạng đau, nặng tức hoặc cảm giác khó chịu mạn tính ở vùng chậu mà người bệnh cảm thấy có liên quan tới bàng quang, thường kèm theo những triệu chứng rối loạn tiểu như tiểu nhiều lần hay tiểu gấp. Mức độ đau có khi nhẹ (kiểu lấn cấn vùng bụng dưới) nhưng cũng có thể nặng (kiểu nóng rát trong bàng quang). Bên cạnh đó, ở một số bệnh nhân có sự kết hợp với các triệu chứng tăng nhạy cảm của bàng quang (cảm giác mắc tiểu gấp, tiểu nhiều lần, tiểu đêm…).
Hiện nay, các nhà khoa học chưa biết rõ cơ chế thực sự gây ra viêm bàng quang kẽ. Dù vậy, giả thuyết được chấp nhận nhiều nhất là lớp niêm mạc bàng quang bị khuyết tật (không toàn vẹn). Bàng quang là cấu trúc hình túi có nhiệm vụ chứa nước tiểu trước khi được tống xuất ra ngoài. Niêm mạc bàng quang cần toàn vẹn, nghĩa là không cho phép thấm các thành phần của nước tiểu ra các cấu trúc bên dưới. Những người bị viêm bàng quang kẽ có lẽ do niêm mạc bàng quang bị khuyết tật nên rò rỉ các độc chất trong nước tiểu ra thành bàng quang. Tình trạng này gây ra các triệu chứng mà nổi bật là đau vùng bàng quang. Ngoài ra, một số yếu tố (phản ứng tự miễn, di truyền, nhiễm khuẩn, dị ứng…) cũng được đề cập là nguyên nhân của viêm bàng quang kẽ nhưng chưa được chứng minh.
Viêm bàng quang kẽ làm giảm trầm trọng chất lượng sống. Bệnh nhân suốt ngày ôm vùng bụng dưới vì đau, có người đi tiểu đến vài chục lần trong ngày, nhiều lần trong đêm, mắc tiểu gấp phải đi tiểu ngay… Đa số bị hạn chế trong công việc hằng ngày (thậm chí phải bỏ việc), hạn chế cả trong sinh hoạt hằng ngày (cả sinh hoạt vợ chồng)… Thỉnh thoảng, bệnh nhân còn có những đợt tiểu máu, bội nhiễm gây nhiễm khuẩn niệu. Về lâu dài, một số bệnh nhân bị hư hỏng thành bàng quang (thành bàng quang bị xơ cứng mất tính đàn hồi, làm giảm khả năng chứa và tống xuất nước tiểu). Người bị viêm bàng quang kẽ có nguy cơ ung thư bàng quang cao hơn bình thường.
Điều trị giúp giảm thiểu triệu chứng
Điều trị viêm bàng quang kẽ khá phức tạp. Bên cạnh các ca đáp ứng tốt với điều trị cũng có trường hợp đáp ứng rất kém. Nhiều trường hợp đã đáp ứng điều trị nhưng sau một thời gian lại tái phát. Sở dĩ chưa có cách điều trị dứt điểm vì hiện nay chúng ta chưa hiểu rõ cơ chế sinh bệnh.
Thế nhưng, cũng có các biện pháp điều trị giúp thuyên giảm triệu chứng. 5 bước điều trị viêm bàng quang kẽ từ nhẹ tới nặng như sau:
- Bước 1: Điều trị không dùng thuốc kết hợp thay đổi thói quen sinh hoạt. Bệnh nhân tránh làm việc quá nặng hay quá căng thẳng, tránh ăn uống các chất có tính kích thích (ớt, tiêu, rượu, bia…)
- Bước 2: Dùng thuốc. Một số thuốc có tác dụng làm thuyên giảm triệu chứng đau bàng quang.
- Bước 3: Bơm thuốc vào bàng quang. Một số dung dịch đã được nghiên cứu thực nghiệm và chứng minh có cải thiện các triệu chứng đau bàng quang.
- Bước 4: Thủ thuật. Một số thủ thuật đã được nghiên cứu thực nghiệm và chứng minh có thể cải thiện triệu chứng viêm bàng quang kẽ. Các thủ thuật can thiệp phải kể tới như soi bàng quang dưới vô cảm + bơm căng bàng quang trong thời gian ngắn và áp lực không cao. Tiếp đến là thủ thuật đốt bằng điện hoặc bằng laser các vị trí niêm mạc bàng quang bị viêm xung huyết. Tiêm botulinum toxin vào thành bàng quang cũng là một thủ thuật được khuyến cáo…
- Bước 5: Phẫu thuật. Sau cùng là phẫu thuật cắt bàng quang rồi chuyển lưu nước tiểu bằng ruột. Đây là phẫu thuật rất lớn, diễn tiến hậu phẫu có thể nặng nề và kéo dài nên được xem là giải pháp sau cùng và hiếm khi thực hiện.
Để phòng bệnh, tránh ăn uống thức ăn cay nóng; thức uống có cồn, cà phê đậm, trà đậm… Bên cạnh đó, bệnh nhân có thể tự phát hiện thêm một số thức ăn, uống mà hễ dùng thì kích thích cơn đau bàng quang. Đặc biệt, khi có triệu chứng bất thường như đã nêu, không tự uống kháng sinh và thuốc giảm đau mà nên đi khám chuyên khoa để được chẩn đoán, điều trị phù hợp. Bác sĩ có thể kê toa (hoặc áp dụng thủ thuật) với liều dùng và thời gian dùng thích hợp giúp bệnh nhân giảm triệu chứng, cải thiện chất lượng sống.
Trâm Anh