Khi bệnh nhân nằng nặc đòi bác sĩ cho mổ

27/07/2024 - 06:32

PNO - Mổ sẽ nhanh hết bệnh hơn uống thuốc là suy nghĩ của khá nhiều bệnh nhân hiện nay. Thậm chí có người được bác sĩ chỉ định uống thuốc nhưng về nhà không uống, chỉ muốn được mổ.

Đòi đặt stent vì sợ "đêm dài lắm mộng"

Chị P.T.T. (ngụ quận Tân Bình, TPHCM) cho biết mẹ chị là bà N.T.L. (69 tuổi) bệnh đái tháo đường và máu nhiễm mỡ. Mới đây, đi tái khám, bà L. phát hiện bị xơ vữa mạch máu gây hẹp mạch vành 50%. Bà được bác sĩ cho thuốc uống 1 tháng, và chỉ định tái khám để theo dõi. Nếu bệnh nhân đáp ứng với thuốc thì chỉ cần tiếp tục uống thuốc; ngược lại, tình trạng hẹp mạch vành gia tăng, có thể phải đặt stent nong mạch vì nguy cơ nhồi máu cơ tim. Về nhà, bà L. chỉ loanh quanh với ý nghĩ cần phải đặt stent. Toa thuốc mua hơn 1 triệu đồng nhưng bà không uống vì cho rằng uống thuốc chỉ mất thời gian, cần phải đặt stent ngay. Chị T. đã đưa mẹ đi khám ở vài bệnh viện nhưng nơi nào cũng yêu cầu uống thuốc, theo dõi thêm. Không được đặt stent, bà L. giận dỗi, suy diễn rằng con tiếc tiền, không muốn chữa bệnh cho bà.

Bác sĩ Nguyễn Văn Tân kiểm tra sức khỏe cho một bệnh nhân bị hẹp mạch vành
Bác sĩ Nguyễn Văn Tân kiểm tra sức khỏe cho một bệnh nhân bị hẹp mạch vành

Mới đây, phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Tân - Trưởng khoa Tim mạch cấp cứu và can thiệp Bệnh viện Thống Nhất - đã phải thuyết phục một bệnh nhân hợp tác điều trị bệnh bằng thuốc thay vì đặt stent. Ông Đ.Q.B. - 58 tuổi, ngụ quận Bình Tân, TPHCM - bị hẹp mạch vành 50%. Ông muốn được đặt stent nong mạch vành, vì nghĩ rằng trước sau gì bệnh cũng nặng lên và sẽ phải can thiệp. Đặt stent luôn để ông đỡ phải lo “đêm dài lắm mộng”. Bác sĩ phải giải thích kỹ với bệnh nhân rằng, nếu tuân thủ uống thuốc và duy trì lối sống lành mạnh thì tình trạng tắc mạch vành có thể sẽ giữ nguyên, cũng có khi kéo dài được thêm nhiều năm nữa mới cần đặt stent…

Bác sĩ Nguyễn Văn Tân cho biết thêm, có khoảng 15 - 20% bệnh nhân tới khám tại khoa mình bị hẹp mạch vành nhưng chưa tới mức phải đặt stent. Tuy nhiên, khi được bác sĩ cho toa thuốc, rồi hẹn tái khám để theo dõi thì nhiều bệnh nhân không muốn uống thuốc mà chỉ mong được đặt stent càng sớm càng tốt. Thông thường, các trường hợp bị hẹp mạch vành từ 70% trở lên đối với những nhánh mạch vành chính hoặc từ 50% trở lên đối với thân chung động mạch vành trái thì mới xem xét can thiệp đặt stent. Tuy nhiên, trong những trường hợp còn nghi ngờ hoặc chưa rõ ràng, bác sĩ còn đánh giá chức năng sinh lý học mạch vành… từ đó mới quyết định có đặt stent mạch vành hay không.

Đặt stent kéo theo gánh nặng tài chính, tiền thuốc gấp 2-3 lần so với điều trị nội khoa. Chưa kể, sau khi đặt stent, người bệnh sẽ phải uống nhiều loại thuốc suốt đời. Nếu quên uống thuốc thì có nguy cơ tắc stent, đe dọa tính mạng hơn cả lúc chưa đặt stent.

Khó chịu khi bác sĩ không cho phẫu thuật

Bác sĩ Trần Thịnh Toàn (Khoa Nội tổng hợp Bệnh viện Lê Văn Thịnh) thông tin, tháng nào cũng gặp 5-10 bệnh nhân “nằng nặc” đòi mổ, không đồng tình, thậm chí tỏ ra khó chịu khi bác sĩ chỉ định điều trị bằng thuốc. Như trường hợp bà P.T.M.D. - 46 tuổi, ngụ TP Thủ Đức, TPHCM - có bướu giáp, suy giáp độ 3, đang theo dõi và điều trị nội khoa 2 năm nay. Bệnh nhân đã đi khám nhiều nơi, kết quả là bướu lành tính. Dù vậy, bà bày tỏ với bác sĩ rằng muốn được cắt bỏ tuyến giáp. Bác sĩ Trần Thịnh Toàn đã tư vấn, nếu cắt tuyến giáp thì bà sẽ phải uống thuốc bổ sung hoóc môn tuyến giáp suốt đời. Tình trạng của bà chưa phải là ung thư nên cắt tuyến giáp là không đúng với chỉ định. Nghe bác sĩ nói vậy, bệnh nhân có vẻ không hài lòng.

Còn ông H.Đ.V. - 60 tuổi, ngụ TP Thủ Đức - thì đi khám vì đau lưng. Ông được chẩn đoán bị trượt nhẹ đĩa đệm cột sống. Khi bác sĩ Trần Thịnh Toàn kê toa thuốc, hướng dẫn về tập vật lý trị liệu rồi tái khám thì ông V. từ chối. Ông muốn được mổ “cho nhanh khỏi bệnh”. Bác sĩ đã giải thích trường hợp của ông nếu phẫu thuật thì tỉ lệ khỏi bệnh là 50%, nhưng cũng có nguy cơ 50% bị liệt. Chính vì vậy, bác sĩ mới đề nghị ông điều trị bảo tồn bằng nội khoa để giảm tình trạng viêm, đau, tập vật lý trị liệu. Dù vậy, ông V. vẫn muốn phẫu thuật nên tiếp tục đi khám thêm ở nhiều bệnh viện khác.

Các bác sĩ cho biết, điều trị nội khoa luôn là nền tảng, chỉ khi nào bệnh nhân không đáp ứng, mới cân nhắc can thiệp ngoại khoa. Ca phẫu thuật nào cũng ẩn chứa nguy cơ. Việc bệnh nhân giữ tâm lý muốn phẫu thuật làm chậm trễ thời gian điều trị, khiến bệnh nặng thêm.

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI