Khi bệnh nhân bị dị ứng thuốc chữa bệnh

28/10/2023 - 14:19

PNO - Một số người gặp phải tình trạng oái ăm khi bị dị ứng với thuốc chữa bệnh. Khi mắc bệnh, nếu không uống thuốc, bệnh sẽ rất lâu khỏi hoặc nặng hơn. Còn nếu uống thuốc, họ có nguy cơ bị các phản ứng gây khó chịu, thậm chí sốc phản vệ, đe dọa tính mạng. Các bác sĩ sẽ điều trị cho những bệnh nhân này như thế nào?

 

Bác sĩ Nguyễn Lương Nữ Uyên Vy đang kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân tại Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc Bệnh viện Thống Nhất - ẢNH: U.V.
Bác sĩ Nguyễn Lương Nữ Uyên Vy đang kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân tại Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc Bệnh viện Thống Nhất - Ảnh: U.V.

Nguy kịch vì dị ứng với thuốc

Mới đây, Bệnh viện Thống Nhất đã tiếp nhận bệnh nhân N.M.Đ. (50 tuổi, ngụ tại quận Tân Phú, TPHCM), nhập viện trong trạng thái động kinh, toàn thân bị trợt loét lớp thượng bì. Điều tra bệnh sử, bác sĩ xác định đây là trường hợp dị ứng với một loại thuốc điều trị bệnh gút.

Người nhà kể rằng, sau mỗi lần dùng loại thuốc này, ông Đ. thường bị nổi ban đỏ. Tuy nhiên, ông chỉ uống thời gian ngắn, ngưng thuốc thì các phản ứng tự khỏi. Lần này, bệnh nhân uống thuốc trị gút 7 ngày liên tiếp thì xảy ra tình trạng như trên. May mắn, sức khỏe bệnh nhân đã ổn định sau 3 ngày nằm viện. Các vết trợt loét cũng hồi phục dần. 

Bác sĩ Nguyễn Lương Nữ Uyên Vy - chuyên khoa Hồi sức tích cực - Chống độc Bệnh viện Thống Nhất - cho biết mình và đồng nghiệp cũng hay gặp các trường hợp dị ứng với thuốc. Như trường hợp dị ứng nghiêm trọng với thuốc phải nhập viện là bệnh nhân N.T.N.T. (32 tuổi, ngụ tại quận Tân Bình, TPHCM). Chị T. bị ho và sốt nên mua thuốc uống. Uống tới liều thứ hai thì chị bị phù mắt, phù niêm mạc, tụt huyết áp, phải nhập Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc Bệnh viện Thống Nhất và được chẩn đoán bị sốc phản vệ độ 3 với kháng sinh. 

Còn chị P.T.C.L. (45 tuổi, ngụ tại quận 5, TPHCM) cũng vừa trải qua cơn thập tử nhất sinh sau khi thử thuốc tê. Khoảng 1 năm nay, chị phát hiện mình bị dị ứng, thậm chí sốc phản vệ sau khi uống thuốc. Chị đã bị như vậy tới 5 lần. 1 lần bị cảm, vừa uống thuốc khoảng 15 phút thì toàn thân chị tím tái, khó thở, được đưa vào cấp cứu ngay cơ sở y tế gần nhà. Vài lần khác, chị đều có phản ứng dữ dội mỗi lần uống thuốc. Kể từ đó, mỗi khi đổ bệnh chị đều lay lắt chờ bệnh tự khỏi. 

3 tháng nay, chị L. có chiếc răng khôn bị viêm tủy gây đau nhức nhưng khi nghe tiền sử dị ứng, sốc phản vệ với thuốc thì không cơ sở nào dám nhận chữa trị. Chị L. tới bệnh viện về răng - hàm - mặt và được yêu cầu phải thử phản ứng với thuốc tê. Chị được tiêm một lượng thuốc tê rất nhỏ, nhưng vừa tiêm xong thì toàn thân nổi mề đay, mắt môi sưng vù, móng tay chuyển màu trắng bệch. Chị L. đã được xử trí và theo dõi cho tới khi ổn định. Do chị bị sốc phản vệ với thuốc tê nên không thể tiến hành nhổ chiếc răng khôn được. 

Thử phản ứng, giải mẫn cảm 

Bác sĩ Nguyễn Lương Nữ Uyên Vy cho biết, người dị ứng thuốc không được tự ý uống thuốc mà phải đi khám để được chỉ định loại thuốc phù hợp. Thông thường, bệnh nhân đi mua thuốc trị ho, hay được tiệm thuốc tây bán kèm theo cả kháng sinh. Tình trạng sử dụng kháng sinh bừa bãi không có chỉ định của bác sĩ vô cùng nguy hiểm. Bệnh nhân có thể dị ứng với kháng sinh, thậm chí một số nhóm kháng sinh còn có dị ứng chéo với nhau. Phản ứng với thuốc tê được chia làm 2 dạng. Một là ngộ độc thuốc tê và hai là dị ứng thuốc tê. Trên thực tế, ngộ độc thuốc tê xảy ra nhiều hơn. 

Dị ứng với thuốc không đồng nghĩa với việc phải bó tay khi bị bệnh. Chẳng hạn, mới đây, một cụ ông có tiền sử dị ứng với thuốc aspirin. Thế nhưng, tình trạng hẹp mạch vành của bệnh nhân vô cùng nguy cấp, buộc phải đặt stent. Aspirin là loại thuốc chống đông máu có tác dụng chống ngưng kết tập tiểu cầu, ngăn cản sự hình thành cục máu đông gây tắc nghẽn mạch vành.

Vì vậy, bệnh nhân này cần phải sử dụng thuốc chống đông lâu dài để duy trì hiệu quả điều trị của stent và phòng tránh biến chứng tim mạch. Bệnh nhân đã được tiến hành giải mẫn cảm với thuốc aspirin tại Bệnh viện Thống Nhất. Mỗi ngày cho dùng liều lượng thuốc nhỏ để làm quen và tăng dần liều tới giới hạn cơ thể chấp nhận được. 

Cách này cũng hay được áp dụng với các bệnh nhân bị dị ứng với huyết thanh kháng dại, kháng uốn ván. Sau khi được giảm mẫn cảm, bệnh nhân phải uống thuốc đều đặn. Chỉ cần quên thuốc 1 lần thì quá trình giải mẫn cảm sẽ hết tác dụng. Đối với trường hợp có tiền sử dị ứng thuốc, lúc kê toa bác sĩ sẽ cho thử phản ứng thuốc. Có thể bệnh nhân bị dị ứng với một loại, một nhóm thuốc nào đó chứ hiếm khi dị ứng với tất cả các loại thuốc. Tìm được chính xác loại thuốc gây dị ứng, bác sĩ sẽ kê thuốc thay thế. 

Dấu hiệu cảnh báo sốc phản vệ

Bác sĩ Uyên Vy lưu ý, sau khi sử dụng thuốc hoặc ăn uống mà cơ thể có biểu hiện phù mắt, phù niêm mạc thì chính là cảnh báo của sốc phản vệ, cần nhập viện càng sớm càng tốt. Kể cả lúc xuất hiện triệu chứng dị ứng như nổi mề đay (không phù và khó thở) cũng vẫn cần đi khám ngay. Mọi người tránh tự xử trí tại nhà vì không thể đánh giá được nếu tình trạng dị ứng chuyển độ. Dị ứng được chia làm 4 độ (độ 3 được tính là sốc phản vệ).

Thanh Huyền

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI