Mì gói hết hạn, kệ!
Đẩy xe ve chai vào nhà, bà X. liền khoe: “Nay được người ta cho mì gói. Loại này phải 10.000 đồng/gói”. Mấy người bạn trầm trồ khen bà tốt phước. Bỗng một giọng thất thanh: “Trời! Mì quá đát lâu rồi!”. Bà X. chậc lưỡi: “Kệ!”. Một người hùa theo: “Thôi ăn đại đi, mì bây giờ cũng tăng cả ngàn đồng/gói”.
Gói mì hết hạn, mấy miếng thịt heo kho và trái cà chua là bữa tối của bà X. Cách chỗ bà vài bước chân, chị K. cũng dùng bữa, thức ăn là con cá nục kho còn lại từ hôm qua, bát canh lỏng bỏng cà chua và bắp cải. “Nửa ký bắp cải có 4.000 - 5.000 đồng, nay lên 8.000” - chị K. nói.
Trong hơn 20 người đồng hương Quảng Ngãi thuê chung ngôi nhà sâu trong hẻm 345 Âu Cơ (Q.Tân Phú, TPHCM), vợ chồng chị L. khá giả nhất, nhờ mức lương công nhân của chồng chị, hơn 7 triệu đồng/tháng. Chị L. và những người còn lại là lao động tự do, họ buôn ve chai hoặc phụ bán hàng, thu nhập tính theo ngày, khoảng 70.000 - 150.000 đồng.
|
Gia đình chị Trang chắt bóp chi tiêu trong từng bữa cơm - Ảnh: Phùng Huy |
Năm ngoái, dịch bệnh hoành hành mấy tháng ròng, tất cả đều thất nghiệp. Chị L. cầu cứu lên chính quyền. Mấy bao gạo rồi thêm gói hỗ trợ của thành phố chuyển xuống, họ sống nương qua ngày. Gượng dậy sau dịch bệnh, chưa kịp dư đồng nào để gửi về gia đình, họ tiếp tục đón bão giá. “Khó sống quá nên tuần rồi có mấy người bỏ về quê” - chị L. cho hay. Rau cá thường đi lúc chợ tan để được mua giá thấp; nhưng dầu, mắm, đường… giá đều tăng lên 30 - 40%. “Có cái mình bớt được, có cái… thua. Trước đổ 50.000 đồng xăng đi làm được 3 - 4 ngày thì nay đi một ngày hoặc ngày rưỡi đã hết” - anh T., chồng chị L., nói thêm.
Xót tiền, mới đây anh bàn với vợ chuyển chỗ trọ lên Q.Bình Tân, gần nơi làm cho tiết kiệm. Rồi thương các con đã ổn định trường lớp, họ bấm bụng ở lại. Cũng từ đó, mỗi sáng, chị L. dậy sớm hơn nấu cơm cho cả nhà. Chị soạn hai hộp cơm, cho chồng và mình mang đi làm. Những ngày nắng bỏng rát, hộp cơm rong ruổi theo chị khắp ngả đường mua ve chai, mở ra là bốc mùi.
Ở ngôi nhà chung đó, vợ chồng chị L. chịu hơn 1,5 triệu đồng/tháng - gấp bốn lần những người còn lại để được sở hữu căn phòng duy nhất, chừng 4m2 quây bằng tấm ván ép, cao vừa quá đầu người. Vật dụng xếp rất gọn, áo quần giăng kín vách mới đủ chỗ bốn người nằm. Cách phòng một bức tường là khu bếp, toilet chung. Chị L. trải lòng: “Vợ chồng cần không gian giãi bày, sẻ chia. Tui mong có căn phòng biệt lập lắm, nhưng đi xem hết rồi, phải tốn gần 3 triệu đồng/tháng. Giờ lo ăn còn không nổi”.
Đoạn, chị chùng giọng: “Nhưng thôi, có con rồi thì ráng lo cho con. Mấy tuần qua lo lắng chuyện giá cả không dành dụm được, chồng tôi phải nhận thêm việc”. Nhiều năm rồi, vui buồn của vợ chồng chị L. cũng là buồn vui chung của tập thể. Nghĩ cho cùng, chị L. thấy mình may mắn, xa quê vẫn có vợ chồng con cái ở bên. Bà X., chị K. phải gửi con lại ngoài quê cho chồng, nhớ lắm mới dám về. Mà giờ, giá xe đò cũng tăng, muốn về một chuyến thăm nhau đâu phải dễ.
|
Gia đình chị L. quây quần trong căn phòng nhỏ xíu - được xem là “sang” nhất ngôi nhà chung |
Gói ghém không nổi nữa
Tháng 12/2020, Tổ chức Care Quốc tế tại Việt Nam đã làm cuộc khảo sát về sức khỏe tâm thần trong công nhân, thấy rằng nữ giới chịu áp lực rất lớn trước gánh nặng áo cơm, hơn 51% cho biết, trước khó khăn kinh tế, các thành viên trong gia đình tỏ rõ sự bất an và lo lắng, căng thẳng.
Chị Lê Thị H. (công nhân may ở P.12, Q.Gò Vấp, TPHCM) thở dài: “Chắc bọn em chia tay rồi em ôm con về quê sống”. Thu nhập của chị H. chừng 4,5 triệu đồng/tháng. Anh Q. - chồng chị - làm kế toán cho một hãng sữa, mỗi tháng 12 triệu đồng. Đầu năm ngoái, chị H. sinh con thứ hai, anh Q. nhờ chị ruột từ Phú Yên vào chăm cháu, mỗi tháng vợ chồng chị H. trả lương 2 triệu đồng.
“Lâu nay em gói ghém lắm mới đủ sống. Nhưng đầu tháng Ba đến giờ em gói không được nữa”, chị H. nói. Chị tính tiền trọ 2,5 triệu đồng; sữa chồng mua hàng lỗi của công ty chỉ còn phân nửa, tầm 3 triệu đồng cho hai đứa con, nhưng từ đầu tháng Ba, tiền sữa đã lên 3,3 triệu đồng; gạo tăng 4.000 đồng/ký, gas từ 390.000 đồng/bình lên 500.000 đồng. Rồi tiền con lớn học thêm khiến không tháng nào vợ chồng chị có dư.
“Tính đi tính lại, em nói chồng để chị gái về quê, em gửi con đi nhà trẻ khoảng 1 triệu đồng/tháng, nhưng ảnh không chịu” - chị H. cho hay. Vậy là vợ chồng cãi nhau. Chị H. uất ức vì mấy mẹ con ăn sáng bằng mì gói hoặc xôi, trong khi “chị em ảnh” kéo nhau đi ăn tiệm; chồng lén dúi tiền cho chị; chồng chê bữa ăn không có gì ngon…
Ao ước cháu biết viết tên nó, tên bà
Bà Hà Thị N. (xã Xuân Thới Thượng, H.Hóc Môn) vóc dáng nhỏ thó, làn da đen sạm và gương mặt đầy vết nhăn khiến bà trông già hơn rất nhiều so với tuổi 50. Bà cười méo xệch: “Tui thèm cái ti vi cũng không sắm nổi để mà coi, rau gạo trong nhà phần lớn người ta cho”. Bà nhắc nhiều chữ nghèo, chừng như sự ám ảnh. Năm đó, vợ chồng bà vì nghèo nên hay cãi nhau. Con trai bà vì nghèo nên cũng bị người yêu bỏ. Rồi vì nghèo, nên trong một lần cãi vã, chồng đánh bà, con trai cầm dao đâm cha…
Bà mong Tấn - đứa cháu duy nhất năm nay tám tuổi của bà - được đi học. “Tôi đã không biết chữ nên luôn ao ước cháu mình biết viết tròn tên nó, tên tôi. Năm ngoái dư chút đỉnh, định đi làm giấy tờ cho cháu nhập học thì dịch bệnh. Tiền xài tới giờ hết rồi” - bà N. nói. Chồng chết, con đi tù, bà lượm ve chai nuôi cháu, mỗi ngày vài chục ngàn đồng đủ đắp đổi qua ngày. Bà kể, trước kia nếu nhà ai có miếng thép, mớ hộp hay xấp báo cũ, lon… người ta sẽ gọi lại để cho, giờ họ bán. Thực phẩm thiết yếu, giờ đây người ta cũng thà bán rẻ, bán giá vốn, chứ không cho như trước. “Họ cố gắng lắm rồi, thương cảnh tình mình vậy là đủ!” - bà N. nói, đưa mắt nhìn đứa cháu lẽ ra đã học lớp Hai đang đạp xe vòng vòng trên con đường trước nhà.
|
Người tiêu dùng ngày càng phải thắt chặt chi tiêu trước cơn “bão” giá - Ảnh: Nguyễn Cẩm |
Nhiềudoanh nghiệp tăng lương cho công nhân
Ông Trần Thanh Phong - Giám đốc Công ty Sản xuất Thương mại Dịch vụ Thực phẩm Thiên Bút (Q.Tân Phú) - cho hay khi giá xăng tăng, chi phí dành cho việc vận chuyển, phân phối hàng hóa của công ty tăng 40%. Tuy nhiên, vào ngày 10/3, công ty quyết định tăng 10 - 20% thu nhập cho gần 200 lao động.
“Đây cũng là một trong nhiều chính sách giữ chân người lao động của công ty” - ông Phong khẳng định. Ngoài ra, thực hiện phương châm “cùng làm, cùng hưởng”, Công ty Thiên Phú còn có nhiều chính sách thúc đẩy sáng tạo, tạo không khí làm việc hăng say như thưởng cho nhân viên làm tốt theo ngày đối với bộ phận công nợ; cũng như có quỹ dự phòng nhằm hỗ trợ người lao động trong trường hợp cấp bách…
Ông Trần Văn Dũng - Giám đốc Công ty Đầu tư Phát triển Địa ốc Trường Phát (H.Nhà Bè, TPHCM) - cho biết, từ tháng Hai, công ty đã quyết định hỗ trợ chi phí cơm trưa thêm 300.000 đồng/người/tháng; đồng thời tăng 500.000 đồng/người/tháng chi phí xăng xe cho người lao động. “Chúng tôi hy vọng với sự hỗ trợ này sẽ phần nào bớt gánh nặng cho gần 200 nhân viên” - ông Dũng nói.
Theo ông Nguyễn Thành Đô - Trưởng ban Chính sách pháp luật, Liên đoàn Lao động TPHCM - chương trình Phúc lợi đoàn viên, người lao động tự do triển khai từ năm 2017 trợ giá cho người lao động được mua các mặt hàng thực phẩm thiết yếu, thời trang… ở mức giảm từ 10 - 30%. Hiện tại, liên đoàn tiếp tục đẩy mạnh chương trình thông qua làm việc với các đối tác để có thêm sự hỗ trợ cũng như mở rộng các điểm phúc lợi đoàn viên trong khuôn viên doanh nghiệp, ngoài doanh nghiệp; như tuần tới, Liên đoàn Lao động Q.Gò Vấp sẽ ra mắt thêm điểm phúc lợi đoàn viên.
Liên đoàn Lao động TPHCM còn phối hợp một số bệnh viện tổ chức khám sức khỏe cho người lao động, đặc biệt là bệnh nghề nghiệp. Nếu có bệnh, người lao động sẽ được hưởng chế độ. Ngoài ra, liên đoàn còn có chương trình kết nối đoàn viên giúp người lao động tiệm cận nhất các điểm phúc lợi, nắm rõ các thông tin phúc lợi dành cho mình. Vào tháng Năm, chương trình Ngày hội công nhân xây dựng nghĩa tình sẽ được tổ chức đồng loạt từ cấp thành phố đến các quận, huyện, khu chế xuất, khu công nghiệp… đưa hàng Việt Nam chất lượng cao đến người lao động với giá ưu đãi nhất.
Liên đoàn Lao động TPHCM luôn nỗ lực góp phần giúp người lao động giảm bớt khó khăn. Song chúng tôi cũng mong các cơ quan, đơn vị có chính sách điều chỉnh lương để người lao động nâng cao thu nhập.
Đối với người lao động tự do, hộ nghèo, gia đình khó khăn, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM cho biết, Trung tâm An sinh TPHCM (ra mắt ngày 15/8/2021) vẫn luôn đồng hành. Người dân cần hỗ trợ có thể truy cập ứng dụng An sinh và gửi yêu cầu cần hỗ trợ để được xác minh. Hoặc liên hệ qua các kênh như tổng đài 1022, đường dây nóng của hệ thống Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM và cấp quận, huyện.
|
Bà Hà Thị N. bên mớ ve chai trước căn nhà tạm |
Cần đồng bộ nhiều giải pháp chống bão giá Để giải bài toán đời sống người dân trước bão giá, theo tôi, cần sự triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Một là giải pháp an sinh xã hội, chung tay chăm lo cho người dân thuộc nhóm khó khăn, yếu thế mà chúng ta đã từng làm rất tốt trong thời kỳ dịch bệnh căng thẳng. Cụ thể, các hội, đoàn cần nâng cao vai trò hơn nữa thông qua tổ chức nhiều chương trình như hướng dẫn chi tiêu khoa học, vận động miễn giảm tiền nhà trọ, hội viên tiết kiệm nuôi heo đất để giúp đỡ hội viên khó khăn hơn, tạo quỹ cho hội viên vay vốn làm ăn… Song song, vận động các doanh nghiệp, mạnh thường quân tham gia chương trình bình ổn giá; phối hợp tổ chức các chương trình từ thiện như phiên chợ 0 đồng, phiên chợ giảm giá phục vụ cho lao động khó khăn. Cùng với đó, ngành lao động tăng cường kênh kết nối, giới thiệu việc làm để người dân được tiếp cận công việc nhanh nhất, tránh phải qua môi giới với chi phí cao. Ngành vận tải thúc đẩy các phương tiện công cộng, kêu gọi người dân tham gia vận chuyển bằng phương tiện công để tiết giảm chi phí. Ở góc độ Nhà nước, cần rà soát lại tất cả chính sách an sinh xã hội, kích cầu kinh tế để kịp thời triển khai sâu rộng đến người dân, doanh nghiệp. Đơn cử như chính sách về vay vốn xóa đói giảm nghèo, cho vay tiêu dùng, hỗ trợ phí sinh hoạt cho người khó khăn. Đồng thời tăng tốc, thúc đẩy các chính sách về nhà ở xã hội, nới rộng thời hạn vay thuê, mua nhà ở xã hội. HĐND TPHCM đã ban hành nghị quyết về chính sách miễn giảm học phí cho học sinh, theo tôi là kịp thời và phù hợp với tình hình khó khăn chung của người dân thành phố. HĐND TPHCM sẽ tiếp tục rà soát, kiến nghị các đơn vị liên quan tháo gỡ các khó khăn pháp lý trong các chương trình an sinh xã hội như chương trình giảm nghèo bền vững của TPHCM giai đoạn 2021 - 2025 để nhanh chóng bố trí vốn đến tay các hộ nghèo phát triển kinh tế, có việc làm và thu nhập ổn định; tránh trường hợp vì khó khăn, người dân phải đi vay nóng, tín dụng đen lãi suất cao. Ông Cao Thanh Bình (Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TPHCM)
|
Tuyết Dân