Nhận diện bệnh
Trước hết, chúng ta cần biết vấn đề mình đang gặp nghiêm trọng đến mức nào với chính mình và người xung quanh. Để xác định tính nghiêm trọng, bạn chú ý đến mức độ gây hại và việc thực hiện các chức năng của bản thân.
Theo thang GAF (Global Assessment of Functioning) được mô tả trong tiêu chuẩn phân loại bệnh DSM của Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ, mức độ đo bệnh từ nặng nhất (1-10 điểm) đến mức khỏe mạnh (91-100 điểm).
- Mức nặng nhất: Có hành vi gây nguy hiểm nghiêm trọng một cách dai dẳng đến bản thân hoặc người khác (chẳng hạn, lặp đi lặp lại hành vi bạo lực), hoặc không có khả năng duy trì các hành vi vệ sinh cá nhân, hoặc có những hành vi tự tử nghiêm trọng với ý thức rõ ràng.
- Mức khỏe mạnh: Chức năng hoàn thiện (tốt) trong mọi hoạt động, những vấn đề của cuộc sống hầu như không bao giờ rơi vào trường hợp mất kiểm soát, hoặc được nhìn thấy bởi người khác do anh/ chị ta có những phẩm chất/ năng lực tốt. Không có triệu chứng.
Tuy nhiên, sức khỏe tâm thần thường ít khi rơi vào hai trường hợp nặng nhất và khỏe mạnh nhất, mà thường ở mức giữa. Bạn cần chú ý vấn đề mình gặp phải: liệu mình có đang bị tổn thương hay không, liệu có đang đau khổ và muốn bỏ bê, buông xuôi hết mọi chuyện? Bạn có đang mệt mỏi vì ngày nào cũng phải căng thẳng gồng gánh giải quyết các vấn đề cuộc sống?
Về cơ bản, khi mình nhận diện được vấn đề của mình thì đã là một bước cực kỳ quan trọng để giải quyết. Nhiều người nghĩ chuyện đó giao phó cho chuyên gia, nhưng thật ra, chính bản thân mỗi người mới có thể biết chính xác vấn đề mình đang gặp là gì và nghiêm trọng đến mức nào.
Tự cứu mình
Tự giúp mình thông qua việc điều chỉnh sinh hoạt và thói quen. Rất nhiều vấn đề bắt nguồn từ sự mất cân bằng ăn uống, ngủ nghỉ. Nếu bạn thiếu ngủ, sẽ dễ trở nên cáu giận và không bình an, nếu bạn ăn uống thả ga hoặc không chú ý đến chất lượng, hoặc không điều độ, cũng có thể gây ra nhiều tác động. Khi quá đói thì khó có thể tập trung hoặc thiếu năng lượng.
Thay đổi bao gồm điều chỉnh lại lịch trình hằng ngày, phân bố thời gian hợp lý cho các hoạt động, tăng cường các hoạt động mang tính thư giãn và thể dục. Ví dụ bắt đầu ngày mới hoặc kết thúc một ngày bằng một bài thể dục, hoặc bằng một vài hoạt động thư giãn với bạn bè…
Tiếp theo là sự chú tâm đến các mối quan hệ gần gũi. Khi không thể có được một mối quan hệ tốt với vợ/chồng, với cha mẹ, con cái hoặc đồng nghiệp… đều có thể dẫn đến sự mệt mỏi chán chường và căng thẳng. Nhiều người cứ chấp nhận sống trái với cảm xúc của bản thân, làm cho tình hình ngày càng trở nên nghiêm trọng và sau đó bệnh tình bùng phát không kiểm soát được.
Thường có hai chuyện không tích cực liên quan đến các mối quan hệ: hoặc là quá gắn chặt, hoặc là quá tách rời. Những ai có mối quan hệ quá gắn chặt thì hoặc là trở nên lệ thuộc hoặc trở nên quá kiểm soát. Nếu người phụ nữ thấy mình quá lệ thuộc vào ai đó thì phải thay đổi để khỏe mạnh. Không phải thay đổi một hai ngày là được, hoặc cũng không phải tuyên bố thay đổi là được, mà phải là một kế hoạch thay đổi.
Thường thì là bắt đầu bằng việc tự nhận diện những thế mạnh của bản thân, phát triển những thế mạnh đó, tìm cho ra mục tiêu và nhu cầu, sở thích của bản thân… Trường hợp quá kiểm soát thì ngược lại, cần biết rằng việc quá kiểm soát thường gây hại nhiều hơn, và làm cho bản thân dễ liên quan đến áp lực và sử dụng bạo lực.
Những ai có mối quan hệ quá tách rời thì thường không bận tâm đến mọi chuyện xảy ra với người thân. Chính sự quá tách rời đó càng ngày càng làm cho đối tượng bị mất đi chỗ dựa và nguồn tái tạo sức lao động. Có những người trở nên bơ vơ cô độc ngay trong chính gia đình và không thể giao tiếp với người thân của mình. Trường hợp này cần đổi theo hướng quan tâm đến nhu cầu của người thân, nghe xem họ cần điều gì, họ muốn gì…
Sau cùng, việc tự giúp liên quan đến chuyện bản thân đánh giá về mình. Tuyệt đối hạn chế chỉ trích hay đánh giá tiêu cực bản thân, vì điều đó không giải quyết được vấn đề. Cần suy nghĩ về điều mình quan tâm, đang muốn giải quyết và tích cực tìm hướng giải quyết thay vì ngồi than thở trách móc, đánh giá bản thân tệ hại.
Cầu cứu sự giúp đỡ
Nếu chúng ta thấy vấn đề mình đang gặp là nghiêm trọng thì hãy nghĩ ngay đến việc đến bệnh viện tâm thần hoặc gặp bác sĩ tâm thần để nhận được sự trợ giúp. Nếu vấn đề không nghiêm trọng quá mức, nghĩa là mình vẫn đang cố gắng để duy trì được các sinh hoạt và công việc hằng ngày thì liên hệ với các chuyên gia tâm lý là hợp lý và thuận tiện hơn.
Điều cần lưu tâm là tuyệt đối không tự chẩn đoán vấn đề của mình. Tôi biết khá nhiều người lên mạng và tìm thấy mình có những triệu chứng của chứng bệnh tâm thần nào đó rồi kết luận mình có bệnh đó. Nguy hiểm hơn, họ tự tìm cách chữa trị theo hướng dẫn trên mạng hoặc hướng dẫn của một cuốn sách.
Chẩn đoán là một việc cần được tuân thủ nghiêm ngặt và có những nguyên tắc mà chỉ những người được đào tạo đàng hoàng mới có thể làm tốt. Theo lẽ thường thì chỉ các bác sĩ và một số chuyên gia tâm lý được đào tạo với chức năng chẩn đoán mới có thể làm điều đó. Còn những người khác không được quyền chẩn đoán, thậm chí có biết thì cũng không có chức năng chẩn đoán.
Ở Việt Nam hay có trường hợp bản thân một người tự chẩn đoán rồi đến gặp bác sĩ hoặc chuyên gia nói cái bệnh của mình và yêu cầu chữa trị. Bác sĩ hoặc chuyên gia vì bận quá hoặc vì thiếu trách nhiệm nên cũng chẳng bận tâm đến chuyện xem xét lại chẩn đoán đó. Điều này là cực kỳ nguy hại.
Dù là tự giúp mình hay tìm sự trợ giúp, tất cả đều chỉ tốt khi chính mình có hành động cụ thể. Như để thay đổi lối sinh hoạt thì phải điều chỉnh lịch hoạt động, điều chỉnh và tăng cường các hoạt động thể dục, ăn uống, giấc ngủ… Để điều chỉnh mối quan hệ thì hoặc là giảm đi sự lệ thuộc, tăng cường khả năng ra quyết định, hoặc quan tâm hơn đến người thân...
Ngô Minh Uy (Trung tâm tâm lý chuyên nghiệp WELink)