Khi bà Merkel nổi giận

28/10/2013 - 14:33

PNO - PN - “Chúng ta cần lòng tin thật sự giữa đồng minh và các đối tác với nhau. Lòng tin đó phải được thiết lập trở lại”, Thủ tướng Đức Angela Merkel nói tại cuộc họp thượng đỉnh khối EU vào cuối tuần qua. Bà Merkel nói nhẹ mà...

edf40wrjww2tblPage:Content

Bà Merkel không nổi giận sao được, khi tờ Spiegel, tờ báo uy tín nhất nước Đức, tiết lộ cơ quan an ninh Mỹ (NSA) không phải gần đây mới theo dõi điện thoại của bà mà đã làm việc đó hơn 10 năm qua. Theo Spiegel, chiếc điện thoại di động hiệu Nokia của bà Merkel được đưa vào danh sách nghe lén của NSA từ năm 2002 với bí số “GE Chancellor Merkel”. Việc nghe lén vẫn còn tiếp diễn khi Tổng thống Barack Obama viếng thăm Berlin hồi tháng Sáu vừa qua.

Khi ba Merkel noi gian

Khi Tổng thống Obama gặp bà Merkel hồi tháng Sáu, điện thoại của bà Merkel được cho là vẫn bị nghe lén (ảnh minh họa: Spiegel)

Ngay khi biết mình bị NSA giám sát, Merkel trực tiếp điện thoại cho ông Obama với chỉ một câu hỏi “Có phải ông đã ra lệnh nghe lén tôi không?”. Theo Spiegel, ông Obama khẳng định là “không” với lý giải “nếu biết điều đó xảy ra tôi đã ra lệnh ngưng ngay”. Ông Obama cũng xin lỗi bà Merkel về việc này.

Vụ tình báo Mỹ nghe lén ở nhiều nước châu Âu được xem như là một “quả bom ngoại giao” làm xấu đi mối quan hệ giữa Mỹ và các nước. Nhiều nước đã triệu đại sứ Mỹ để bày tỏ sự phản đối. Dù các vị đại sứ Mỹ có phân trần thế nào thì cũng không thể chối cãi được việc NSA đã thực hiện điều này từ lâu. Nước Đức còn phản ứng mạnh hơn, khi Ngoại trưởng Đức Guido Westerwelle không chỉ triệu tập đại sứ Mỹ John Emerson mà đích thân người đứng đầu cơ quan tình báo Đức sẽ đến Washington trong tuần này, để tìm hiểu sự việc.

Khi ba Merkel noi gian

Thủ tướng Đức Angela Merkel (ảnh: Telegraph)

Rõ ràng, việc bà Merkel bị nghe lén đã gây nguy hại đến an ninh quốc gia Đức và nước này sẽ làm mọi cách để việc đó không tái diễn. Tin đồn về việc tình báo Mỹ thu thập thông tin bằng cách nghe lén đã có từ vài tháng trước, nhưng lúc đó (vào thời điểm trước cuộc bầu cử Quốc hội ở Đức) phía Mỹ vẫn đảm bảo rằng họ luôn tuân thủ luật pháp Đức trong việc thu thập thông tin tình báo.

Cũng theo tài liệu mà Spiegel thu thập được, một chi nhánh của NSA đặt tại đại sứ quán Mỹ ở Berlin với những trang thiết bị hiện đại nhằm mục đích thu thập thông tin từ các cơ quan trực thuộc chính phủ Đức thông qua việc nghe lén điện thoại. Không chỉ thế, hơn 80 cơ sở loại này đã được NSA thiết lập trên khắp thế giới, trong đó có Paris, Madrid, Rome, Prague, Geneva, Frankfurt… nhằm nghe lén điện thoại. Cả người phát ngôn của bà Merkel lẫn người phát ngôn Nhà Trắng đều từ chối bình luận về tiết lộ động trời này.

Thái độ của bà Merkel rất rõ ràng. Việc nghe lén điện thoại của các nhà lãnh đạo các nước khác là không thể chấp nhận được. Bà đã yêu cầu nước Mỹ đi đến một thỏa thuận với các nước bên kia Đại Tây Dương về trách nhiệm và thái độ hành xử trong việc thu thập thông tin tình báo vào trước cuối năm nay. Bà Merkel nói rõ: “Tôi muốn thấy ông Obama hành động thật sự chứ không phải chỉ là những lời nói suông”. Thái độ kiên quyết của bà Merkel cùng phản ứng quyết liệt của các nước đã khiến Tổng thống Obama phải yêu cầu NSA rà soát lại cách thu thập thông tin tình báo của mình. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ chính thức thừa nhận vụ “nghe lén” này đã làm suy yếu quan hệ của Mỹ và một số đồng minh, đồng thời cho biết Mỹ đã xem xét lại hoạt động tình báo nhằm tránh những căng thẳng với các đồng minh ở châu Âu.

 THIỆN NGA (Theo Spiegel)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI