Khi ba mẹ bị so sánh

12/12/2023 - 08:28

PNO - Con trai em thể hiện thái độ phản đối, khiến em dừng lại việc so sánh, làm em suy nghĩ tìm cách khác để trò chuyện và lắng nghe con,..

Kính gửi chị Hạnh Dung, 

Em và chồng cũ chia tay cách đây hơn 2 năm. Lúc đó, 2 con ở với em vì em giữ căn hộ còn chồng em chuyển ra ngoài. Em nghĩ mình đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để nuôi dạy con. Với em, các con là tất cả. Em dành toàn bộ thời gian, công sức để chăm sóc, nuôi dạy con nhưng tới nay thì em thấy có những khó khăn mà mình đã không thể lường trước.

Con trai lớn của em đang học lớp Chín. Tuổi dậy thì, con có những thay đổi, không còn nói chuyện với mẹ nhiều. Con cũng tự quyết định nhiều việc, đi chơi với nhiều nhóm bạn mà em không biết, hay về trễ. Em cố gắng hỏi chuyện, khuyên bảo nhưng con tỏ thái độ không nghe lời, không chia sẻ.

Hiện tại, kết quả học tập của con sa sút. Em rất lo lắng. Nếu con mất căn bản, bị hổng kiến thức thì rất khó thi vào trường cấp III như dự định. Em đã thu xếp công việc để tự mình đưa con đi học, đến lớp học thêm vì muốn hạn chế việc con đi chơi, bỏ lớp. Thế nhưng kết quả học tập của con vẫn vậy, chưa kể, con bức bối, cáu gắt với em nhiều hơn.

Em có quen mấy phụ huynh khác, thường nói chuyện để hiểu việc học của các con. Khi em khen một bạn trong lớp có điểm học tập tốt, ngoan và rất chăm học, con bất ngờ phản ứng mạnh với em. Con nói mẹ đừng so sánh con với bạn, mẹ nên tự so sánh ba mẹ với ba mẹ của bạn đó trước.

Em thực sự đau đầu về suy nghĩ này của con. Em cố gắng bình tĩnh hỏi: “Ý con là gì?” nhưng con im lặng, bỏ vô phòng đóng cửa lại. Tối đó, em không ngủ được, càng nghĩ càng buồn. Em nên làm gì?

Quỳnh Như (TPHCM)

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Em Quỳnh Như thân mến, 

Làm ba mẹ, chúng ta ý thức trách nhiệm của mình trong việc nuôi dạy con, chúng ta dồn hết tình yêu thương và khả năng của mình để chăm lo cho con. Tất cả những điều đó đều đi theo hướng từ ba mẹ (người lớn) xuống con cái (người nhỏ).

Chúng ta nghĩ mình đang làm điều tốt nên đôi khi không nhận ra mình đang áp đặt suy nghĩ của mình lên con cái. So sánh con mình với “con nhà người ta” là một biểu hiện. Việc so sánh thường nảy sinh một cách tự nhiên nhưng từ phía trẻ, đó là một cách đánh giá gây tổn thương sâu sắc.

Phản ứng của con em, xét từ góc độ này, là tích cực. Con trai em thể hiện thái độ phản đối, khiến em dừng lại việc so sánh, làm em suy nghĩ tìm cách khác để trò chuyện và lắng nghe con, như vậy sẽ tốt hơn nhiều so với việc con không nói gì, chỉ âm thầm đối phó với mẹ. 

Em nên tìm cơ hội để gần gũi hơn với con, ví dụ thưởng cho con nhân dịp nào đó, đưa con đi ăn kem, đi chơi riêng chỉ có 2 mẹ con và xin lỗi con về việc so sánh không thích hợp. Em nên bày tỏ sự tôn trọng con khi con bắt đầu lớn, bắt đầu tìm kiếm và thể hiện cái tôi. Em có thể nói chuyện theo cách muốn tìm hiểu suy nghĩ, sự khác biệt của con.

Trẻ ở tuổi này cũng có khao khát được nghe người khác nói về mình, chỉ ra những khía cạnh của tính cách cá nhân mà có thể trẻ còn đang mơ hồ. Những chia sẻ của em một cách thật lòng và tôn trọng sẽ được con tiếp nhận.

Ví dụ, về chuyện ba mẹ chia tay, em có thể kể với con về những sai lầm của mình, về cố gắng của em để sửa chữa sai lầm đó, không đổ lỗi cho chồng cũ, không đặt nặng trách nhiệm lên con.

Em hãy cố gắng nói chuyện với con như với một người bạn thân, nên chia sẻ những gì phù hợp với khả năng hiểu và suy nghĩ ở độ tuổi của con. Việc học, việc thi trong năm học này có thể là một phần của câu chuyện giữa 2 mẹ con, chứ không nên đặt ra như một thang đo, dễ làm con áp lực, mà chưa chắc đã đưa đến kết quả tốt.

Khi con cởi mở hơn, em có thể cùng con thiết kế lại mục tiêu cho phù hợp. Chúc mẹ con em tìm được tiếng nói chung, hiểu nhau hơn và cùng nhau đạt đến những mục tiêu mong muốn. 

Hạnh Dung

Nếu tôi là người trong cuộc

Kim Thoa (quận Tân Bình, TPHCM): Không có công thức chung cho việc nuôi dạy những đứa trẻ

Nói đến việc dạy con, tự dưng tôi thấy mình cũng có không ít nỗi niềm. Tôi nghĩ rằng không có công thức chung cho việc nuôi dạy những đứa trẻ. Ai cũng từng đi qua những ngày khó khăn như thế. Các con cũng khó khăn khi không thể nói ra hết những trúc trắc trong lòng, những thay đổi về tâm sinh lý…

Con trai bạn lớn lên mà không có ba ở cạnh bên. Tôi cũng là đứa trẻ như thế nên rất đồng cảm. Bây giờ, bạn cần tinh tế, tâm lý hơn khi trò chuyện cùng con. Hãy chú tâm quan sát để đồng hành cùng con, làm gương cho con. Sự siêng năng, tính kỷ luật… - thái độ sống tích cực của bạn - là những điều con sẽ học và ảnh hưởng.

Ở thời điểm chênh vênh của tuổi mới lớn này, mọi thứ đều rất mơ hồ. Chỉ cần mẹ con bạn cố thêm một vài năm nữa, con sẽ dần trưởng thành và hiểu chuyện hơn. 

Hằng Võ (Thái Nguyên): Con đang cần sự thương yêu, quan tâm, lắng nghe

Tôi chia sẻ cùng bạn sự khó khăn trong việc đồng hành cùng con lớn lên. Việc này là bình thường trong cuộc sống hằng ngày quanh chúng ta. Đứa trẻ nào lớn lên trong gia đình có ba mẹ chia tay mà không cảm thấy bất an, buồn bã. Chưa kể con bạn đang trong tuổi dậy thì - độ tuổi có rất nhiều xáo trộn về tâm sinh lý.

Thế nên, lời khuyên dành cho bạn vẫn là gần gũi con hết cỡ, lắng nghe và đồng cảm với con, cố gắng bình tĩnh khi con làm điều gì trái ý.

Lúc quyết định ly hôn, bạn có nói thật cho con biết, có lắng nghe tâm tư của con, có thỏa thuận với chồng về việc sẽ cùng nhau chăm sóc, dạy dỗ con…? Nếu chưa, ngay bây giờ bạn vẫn có thể bắt đầu. Nên nhớ, con bạn đang cần sự thương yêu, quan tâm, lắng nghe chứ không phải so sánh, ép uổng…

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn 

Chat với Hạnh Dung
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI