Có một ngày dành riêng cho cha và có một ngày dành riêng cho một nghề đặc biệt. Hãy cùng lắng nghe tâm tư của những người cha làm nghề đặc biệt trong dịp có hai ngày đặc biệt: ngày của Cha (Chủ nhật thứ 3 của tháng Sáu) và ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6.
Nhà báo Đức Hiển - Báo Pháp luật TP.HCM: Sợ mình quên làm bạn với con
Đôi khi tôi tự hỏi mình và đồng nghiệp có bao nhiêu thời gian cho con, rồi giật mình thấy: rất ít. Từ khi làm phóng viên, mỗi tháng tôi có hai mươi ngày vắng mặt ở nhà. Sau này làm tòa soạn, tôi vẫn thường về trễ bữa cơm chiều. Những khi có công việc cần xử lý hay trực xuất bản, tôi trở về sau nửa đêm, khi tụi nhóc đã ngủ và sáng hôm sau chỉ kịp chào chúng khi chúng đến trường.
Tôi đi công tác, thằng em thường gọi điện dặn bố mua quà. Đôi khi tôi nói thật: “Chỗ bố đi công tác chẳng có quà gì để mua cả”. Tôi quên mất rằng, việc đòi quà, đôi khi chỉ là muốn nhận sự quan tâm chiều chuộng từ bố. Bạn tôi, có thời gian ba năm làm trưởng đại diện văn phòng một tờ báo ở Lâm Đồng. Tháng về nhà một lần, anh ấy thường lên xe đi chuyến khuya khi hai con đã ngủ. Thằng nhỏ dậy không thấy ba, khóc rấm rứt. Sự thất thường về giờ giấc công việc, khiến một số ông bố là nhà báo không kịp dõi theo khi tụi nhóc đang tuổi lớn.
Nói thật là tôi sợ điều đó. Có bố làm nhà báo cũng vui. Là khi mình có mặt trong những sự kiện nóng. Là khi nó khoe với bạn bè hoặc trả lời ai đó hỏi thăm, bố đang đi công tác nơi này nơi nọ. Thằng lớn hay vào mạng đọc báo, thỉnh thoảng đọc bài của bố đã biết hỏi han, đôi khi tranh luận về những điều bố viết bằng cách nghĩ của nó. Có lẽ, khi con trở thành độc giả, nhà báo - bố sẽ cẩn trọng hơn nữa trước con chữ của mình.
Có một điều các nhà báo dặn nhau mà thường quên, vì cả lý do nghề nghiệp lẫn sự chủ quan: thời gian để thực sự làm bạn với con không nhiều. Mà trẻ con, mình lơ là một chút sẽ không kịp đồng hành với tâm trạng và suy nghĩ của chúng. Thằng lớn đã thích nói chuyện với bạn nhiều hơn bố mẹ, chỉ thằng nhỏ còn vô tư. Một ngày nào đó, chúng sẽ vui vẻ hoặc buồn bã bởi một cô bé khác, nhưng không bộc lộ điều đó với mình. Khi đó, mình đã không còn là bạn của con nữa. Chúng có thể thân mẹ hơn, nhưng không phải bao giờ cũng tâm sự với mẹ những câu chuyện của đàn ông con trai.
Tôi không bao giờ nghĩ nhà báo phải hy sinh nhiều hơn những nghề khác. Sự thất thường về thời gian, nỗi vất vả nhọc nhằn của nghề nghiệp khiến chúng ta có thể thiệt thòi hơn một số ông bố làm nghề khác, nhưng cũng chưa là gì so với những ông bố là bộ đội xa nhà, hay những người phải xa gia đình vì sinh kế. Dù không đều đặn mỗi ngày, thi thoảng nên một lần đưa đón con đi học hay vào bếp tự nấu cho chúng một bữa ăn. Tôi cũng nhắc bản thân đừng cho phép mình dựa dẫm vào điều đó để quên làm bạn với con. Đôi khi nhìn con, tôi ân hận: nó khác nhiều so với tháng trước. Công việc cuốn mình vào hết sự kiện này đến sự kiện khác, nên những điều đã tự dặn lòng, thảng hoặc tôi vẫn quên.
Có lần trên lớp báo chí, một em sinh viên hỏi rằng có phải đã là nhà báo yêu nghề thì phải chấp nhận hy sinh thời gian dành cho con cái? Tôi nói thật rằng không nên hy sinh như thế, không ai có thể yêu nghề bằng cách đánh đổi cả. Làm sao có thể tin một nhà báo sẵn lòng dấn thân cho những điều cao cả vì tình yêu dành cho độc giả, nếu anh ta không biết cách yêu thương ngay cả con mình?
Nhà báo Dương Tiêu - báo Đại đoàn kết: Chỉ cần bố về ăn cơm với con mỗi tối
Một đồng nghiệp nam của tôi từng viết: “Người ta làm nhiều khảo sát xã hội bạn ăn bao nhiêu calo mỗi bữa, thói quen sử dụng facebook bao nhiêu giờ mỗi ngày. Nhưng không có ai hỏi bạn ở bên con bao lâu mỗi tuần?”. Và nếu bạn làm báo, câu hỏi này dường như có trọng lượng hơn rất nhiều.
1. Cách đây hai năm, bài viết với chủ đề “Thư gửi ông già Noel” của con gái tôi được cô giáo chọn cùng một vài bài của các bạn khác để đăng lên phụ san của một tờ báo. Báo đăng, con tôi mang về cho tôi như một bất ngờ. Quả là bất ngờ. Khác với bạn bè cùng lớp, món quà con gái nhờ ông già Noel tặng chỉ là “bố con về ăn cơm với con mỗi tối”. Công việc làm báo mà cụ thể hơn là công việc của một thư ký tòa soạn đã cuốn tôi ra khỏi nhà từ sáng sớm và chỉ trở về vào lúc thành phố đã lên đèn.
|
Ngày khai giảng, lễ bế giảng, tất cả những gì tôi có thể làm cho con là mua một quả bóng bay và cái hôn vội ngoài cổng trường. Sau đó thì tôi phải tất tả chạy lên cơ quan để cùng đồng nghiệp tường thuật trực tiếp không khí “ngày hội đưa con đến trường” khắp nơi trên cả nước hay chí ít cũng là tổng hợp tin tức về lễ bế giảng. Nếu không phải là tôi thì cũng là một anh, chị thư ký tòa soạn khác phải làm công việc đó mà thôi. Mỗi chúng tôi đều có gia đình, đều có những đứa con rất cần cha, mẹ có mặt trong thời khắc đó.
2. Cũng có khi tôi được ngồi ăn cơm với gia đình. Tôi nhớ, lần gần đây nhất là hôm chúng tôi vừa thực hiện loạt bài về những con “yêu râu xanh” trong trường học. Tôi đã tra hỏi (vâng, đúng với nghĩa đen từ này) về mọi hoạt động của cả cậu con trai và cô con gái đang học tiểu học. Đến mức các con phát hoảng. Và tôi cũng phát hoảng, tất nhiên là sau đó. Hình như nỗi lo sợ từ những dòng thông tin khổng lồ đã khiến tôi trở nên quá lo lắng đến mức thô lỗ ngay cả với con mình.
Còn anh bạn tôi lại kể chuyện, anh từng truy vấn con trai đến lúc nó căng thẳng khóc nức nở về cái gọi là sự trung thực khi bạn nó mất một món đồ chơi mà cậu bé rất thích. Cuối cùng, đó không phải một “vụ án”. Mà chỉ là con khủng long đi lạc đâu đó xuống khe giường rồi được tìm thấy trong ngày hôm sau. Anh bạn chỉ là phóng viên mảng văn hóa hay đưa tin thi người đẹp với tổ chức lễ hội chứ không chuyên trách mục “cướp - giết - hiếp”.
Khác với những nghề nghiệp khác, chúng tôi không thể bỏ công việc sau tám giờ vàng ngọc ở bên trong cánh cổng cơ quan để thanh thản về với gia đình. Thường là ôm tài liệu về nhà đọc, nghiên cứu. Những vụ án oan. Những mảnh đời cơ cực. Những câu chuyện buồn trong xã hội. Hàng núi công việc đã tạo ra những “năng lượng tiêu cực”.
Tôi cũng từng ngồi lặng lẽ hàng giờ trong góc làm việc ở nhà để suy nghĩ về số phận một con người khác đang sống ở một tỉnh xa. Cách đó mấy mét, cậu con trai đang lúng túng với món đồ chơi lego. Nhưng tôi không thể đứng lên. Cảm giác uất nghẹn khiến tôi dường như rã rời chân tay. Và không chỉ một lần như vậy. Dường như, cái “năng lượng tiêu cực” đã có lúc chiếm toàn bộ con-người-làm-báo của tôi. Và cách tốt nhất mà tôi có thể chọn là không tiếp xúc với con. Để không truyền cái năng lượng đó cho con.
3.Nhưng dù sao chúng tôi vẫn phải sống, “sống chung với lũ” như cách những thư ký tòa soạn chúng tôi hay đùa. Mùa hè này, tôi đã đặt vé máy bay giá rẻ cho cả nhà đi Đà Nẵng. Phần thưởng “chuyến thăm Bà Nà Hill” dành cho cậu con trai trước khi nhập học THCS. Chuyến đi tôi đã lập kế hoạch từ đầu năm để đặt vé cũng như sắp xếp công việc và xin nghỉ phép năm. Một chuyến đi để tôi tự làm mới mình, tạm xa những “hỷ nộ ái ố” trong công việc.
Một chuyến đi để tôi hoàn thành bổn phận làm cha, để tôi gần gũi với gia đình, với hai con của mình hơn. Tôi tin thế.
Một tuần trước khi đi, sau khi anh phó tổng biên tập ký đơn xin nghỉ phép của tôi và chúc chuyến đi vui vẻ, đã cười cười và nói: "Cậu đến đó tranh thủ viết một bài về du lịch miền Trung sau thảm họa cá chết cho số phụ trương cuối tháng này nhé!".
Ơ…!