Kính gửi chị Hạnh Dung,
Em kết hôn được 4 năm, có một con trai. Vợ chồng em đang sống chung với nhà nội và chắc sẽ còn sống chung lâu dài vì chưa có điều kiện ra riêng. Chuyện đó cũng bình thường nếu gia đình bên nội không xảy ra chuyện. Ba chồng em làm ăn thua lỗ, mang nợ không thể trả được nên ông trốn đâu không rõ. Nhiều người tới nhà đòi nợ, làm áp lực rất lớn.
|
Ảnh minh họa |
Má chồng em cũng có cơ sở buôn bán. Vì muốn bảo vệ nguồn kinh tế của gia đình nên má em cũng phải tránh. Chuyện tiền bạc, nợ nần đã đau đầu, nay còn phát sinh thêm chuyện khác. Có người đàn bà tới nhà gặp má chồng em xưng là vợ nhỏ của ba chồng em, nói bà ta đưa tiền cho ba mượn, ba hứa ly hôn để cưới bà ta, bây giờ bà ta mất hết…
Bấy lâu nay, em cũng biết giữa ba má chồng có chuyện bất hòa nhưng nhà chồng em phần ai nấy sống, tiền ai nấy giữ. Nay ba đi đâu không rõ, còn má hễ về nhà là kiếm chuyện chửi xéo, kể tội ba. Vợ chồng em đi làm về là khóa trái cửa ở trong phòng. Vậy mà nhiều bữa còn có cả nhóm người tới đập cửa, cự cãi ầm ĩ, ném đồ dơ vô nhà.
Chưa xong chuyện, giờ chồng em lại nghỉ việc vì công ty hết hợp đồng, không ký tiếp. Làm sao em có thể một mình gánh tất cả chuyện này, trong khi trong nhà chồng em thân ai nấy lo? Em muốn ra riêng nhưng chồng em đang thất nghiệp…
Thu Thủy (TP.HCM)
Em Thu Thủy thân mến,
“Họa vô đơn chí, phúc bất trùng lai”, người xưa nói vậy. Có những giai đoạn, rủi ro dồn dập kéo đến nhưng thường thì rồi mọi chuyện sẽ qua, sau cơn mưa trời lại sáng. Em phải giữ cái nhìn tích cực, giữ hy vọng để sống. Mình còn con và đời mình còn dài.
Chuyện giữa ba má chồng em, ba má sẽ phải giải quyết. Chuyện làm ăn thua lỗ, ví như đến mức phải bán nhà để trả, cũng phải chấp nhận. Em đừng đặt cho mình trách nhiệm phải giữ ngôi nhà. Em nên tìm cách nói chuyện với má, xem má có biết được món nợ là như thế nào, có hướng nào để trang trải... Trường hợp nội bộ gia đình không thể giải quyết thì nhờ luật sư tư vấn. Hai ông bà không tiếp tục sống với nhau thì sẽ phải ly hôn, chia tài sản rồi phần nợ nần của ai, người đó có trách nhiệm trả.
|
Ảnh minh họa |
Lúc này, em tính chuyện ra riêng có thể chưa phù hợp lắm. Nếu bây giờ vợ chồng em dứt áo ra riêng, có thể gia đình sẽ tan nát hết. Mình chọn cách ở lại trong nhà nhưng đừng thụ động. Vợ chồng em hãy tích cực tìm cách giúp ba má tháo gỡ chuyện này, ví dụ như tìm hiểu thông tin các khoản nợ nần, làm cầu nối để ba má trò chuyện với nhau cùng tìm cách giải quyết.
Em hãy đặt gia đình nhỏ của mình lên trên hết. Chồng em đang thất nghiệp, cần tích cực tìm việc làm để đảm bảo kinh tế gia đình. Nguyên nhân sâu xa nhất làm cho gia đình chồng em khủng hoảng cũng vì mối quan hệ giữa các thành viên đã lỏng lẻo, gia đình chỉ còn cái vỏ rỗng ruột. Em đừng để gia đình nhỏ của em đi tiếp vào vết xe đổ ấy. Muốn vậy, vợ chồng em cần trò chuyện, chia sẻ với nhau nhiều hơn.
Em nói chuyện với chồng về những khó khăn, những dự định của mình, rồi vợ chồng giúp nhau cùng vượt qua khúc quanh này. Hãy cố gắng tìm một giải pháp khả thi. Khi đã có giải pháp, em sẽ thấy mình có động lực để làm việc và sống một cách bình tĩnh, vững vàng hơn.
Hạnh Dung
NẾU TÔI LÀ NGƯỜI TRONG CUỘC
Phạm Bích Châu (Q.Gò Vấp, TP.HCM): Không nên sĩ diện, âm thầm chịu đựng
Mong bạn bình tĩnh để cùng chồng giải quyết việc này. Theo tôi, nếu việc của nhà chồng nặng nề mà chính xác là ba chồng gây nợ thì chỉ ông là người chịu trách nhiệm trực tiếp.
Cho nên trong trường hợp này, mẹ con bạn nên tạm lánh nơi khác, về nhà bạn hoặc thuê phòng trọ, tránh gây hoảng sợ cho con. Tôi có người quen cũng rơi vào trường hợp nợ nần, bị đòi nợ liên tục khiến bạn quẫn trí, nên việc đầu tiên là bạn phải ra khỏi vùng bất an đó, rồi mới tính tiếp được. Chồng bạn nên ở lại bảo vệ mẹ chồng, nếu cần thiết.ôi đoán là vụ việc sẽ kéo dài và gay cấn. Bạn không nên sĩ diện, âm thầm chịu đựng.
Chị Kim Xuyến (Q.10, TP.HCM): Hãy sắp xếp thứ tự ưu tiên trong cuộc sống
Tôi nghĩ rằng thứ bạn cần giữ và vẫn sống vì nó hằng ngày là gia đình nhỏ của bạn. Bạn không có trọng trách gìn giữ chèo chống gia đình chồng. Vậy nên, hãy dùng hết sự mạnh mẽ và quyết tâm thuyết phục chồng bạn sắp xếp ra ở riêng và chuẩn bị cho cuộc “khủng hoảng kinh tế” ác liệt trước mắt.
Thời nào cũng khó dung hòa hiếu - tình. Bạn buộc lòng phải chọn một trong hai. Cuộc sống vẫn tiếp diễn. Lại hối hả, lại choàng gánh công việc, trách nhiệm... Đầu óc phải bớt căng mới có thể sống và nghĩ được. Bạn nên bắt đầu học cách... lăn xả và bươn chải. Tôi cảm thấy thứ quan trọng nhất bạn cần lúc này là sự quyết tâm.
Bạn nên hoạch định giờ giấc sinh hoạt, công việc; hoạch định lại chi tiêu, tạm thời cắt giảm các khoản không cần thiết. Hãy lăn xả kiếm tiền và tiết kiệm. Hãy tạm thời “bỏ qua” hoặc “tạm quên” chuyện gia đình chồng để vận hành cuộc sống ba người sao cho ổn định.
Bạn có thể bắt đầu bằng các công việc cụ thể như: tìm chỗ trọ cho gia đình nhỏ của bạn, tạm thời không cần nấu nướng dọn dẹp mà dành thời gian nghỉ ngơi hoặc... tranh thủ kiếm tiền. Vợ chồng bạn nên đồng lòng cùng... chiến đấu. Mong bạn hiểu tình hình của mình để sắp xếp thứ tự ưu tiên trong cuộc sống hằng ngày.
|