Khi ba biết thương thì tóc nội đã nhiều sợi bạc

08/03/2020 - 13:23

PNO - Có cây nào cao mà không bám chặt lấy đất thật sâu thật rộng? Có con sóng nào mơ đến khơi xa khi không khởi nguồn từ một bến bờ nhỏ bé? Nếu không yêu thương những người đã in dấu mình lên từng ngón tay sợi tóc giọng nói giấc ngủ của con, liệu rồi con còn có thể yêu thương ai xa lạ?

Đây không phải là lần đầu ba nghe con trả lời với mẹ, khi mẹ bảo con hãy bưng cho bà nội ly nước cam mẹ vừa làm. “Sao bà nội không tự bưng được hả mẹ?”. Mẹ lúi húi trong bếp nên chưa nói chuyện cặn kẽ với con.

Trong bữa cơm tối có đầy đủ mọi người, ba cũng không tiện nói với con. Bây giờ thì mình có thời gian rồi đây. Chúng ta sẽ nói chuyện với nhau như khi mình nói về xe, về robot như những người đàn ông, con trai nhỉ?

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trước khi nói về bà nội, ba sẽ kể cho con nghe về mẹ và con. Thú thật, rất nhiều lần nhìn con và mẹ, ba nhủ thầm một lời cám ơn. Con biết ba muốn cám ơn gì không? Ba cám ơn con và mẹ đã đến trong đời ba. Cám ơn con đến với ba mẹ để hành trình sinh con ra và nuôi con lớn lên của mẹ khiến ba hình dung rõ hơn bao giờ hết thời gian bà nội nuôi lớn ba - điều mà ba chỉ nghe qua lời kể của bà.

Và ba cũng như con bây giờ, chúng ta không thể cảm nhận hết nếu chúng ta chưa thật sự nhìn thấy và trải qua.

Ba đã thấy mẹ mang thai con gần một năm trời, gầy mướt xanh xao nặng nhọc. Ba đã thấy ánh mắt sợ hãi của mẹ khi buông tay ba để vào phòng sinh con một mình. Ba đã thấy sự mệt mỏi tận cùng, hoang mang tột độ của mẹ trong những đêm thức trắng với con. Ba cũng đã thấy mẹ ngồi thu lại bé như một chiếc gối ôm trước cửa phòng cấp cứu khi con phải gây mê khâu vết thương ở hai bàn tay do nghịch té… 

Biết bao nhiêu điều ba thấy nhưng con làm sao thấy! Con làm sao thấy khi con sốt mẹ bế trên tay đứng xếp hàng chờ đến lượt khám, con nôn mửa lên mẹ từ tóc đến chân? Còn làm sao thấy mẹ vã mồ hôi trong bếp nấu chén cháo cả giờ đồng hồ để rồi con nhất định ngậm miệng không ăn hoặc vừa ăn xong thì nôn ra hết?

Con làm sao thấy những khi mọc răng hay chích ngừa về con cứ đeo trên vai mẹ rên rỉ ư ư như một chú chó con tội nghiệp. Con không ngủ và mẹ phải vác con trên vai - là mẹ thôi, con không chịu ai, kể cả ba. Mẹ hát cho con từ “cánh cò bay lả” đến “sông sâu cá lội bặt tăm” suốt đêm không hề chợp mắt…

Con làm sao thấy hả con?

Mỗi lần như thế, ba nghĩ đến bà nội hay bà ngoại con. Ừ thì ba cũng từng như con và bà nội cũng đã như mẹ để nuôi ba lớn như thế này phải không? Ba thương con, ba thương mẹ và ba mới thật sự biết thương bà nội. Khi ba biết thương thì tóc bà đã nhiều sợi bạc.

Liệu bà còn sống được bao lâu với mình nữa đây con? Liệu ba còn có bao nhiêu thời gian để mỗi lần đi làm về nhìn thấy bà ngồi đọc báo trên chiếc bàn con con thân thuộc? Liệu mẹ còn chạy qua nấu ăn cho ngoại được bao năm khi chân ngoại giờ không thể bước ra khỏi bậu cửa?

Con hãy nhìn bà nội. Ngày xưa có lẽ tóc bà cũng dài và đẹp như tóc mẹ con bây giờ. Ngày xưa mắt bà có lẽ cũng sáng tròn như mắt mẹ con bây giờ. Ngày xưa có lẽ bà cũng không hay nhắc lại một chuyện mãi như bây giờ… 

Tất cả những ngày xưa ấy bà đã chuyển nó một phần cho ba, rồi ba chuyển nó vào con. Vậy nên, một ly nước cam cho bà, một câu chào bà buổi sáng, ôm cho bà chăn mền mới giặt, nhắc bà uống thuốc đúng giờ là một phần việc con cần thiết phải làm, đúng không con? 

Mẹ và ba vừa mới xem clip một bà cụ bị chính con dâu và con trai mình đánh đập vì bà đã lớn tuổi, mọi hành vi vệ sinh không kiểm soát được. Mẹ con xem xong bảo với ba rằng, mẹ đau lòng quá. Ba biết mẹ đang khóc. 

Mẹ con là người nhạy cảm, chắc chắn mẹ đang nhớ đến ngoại giờ ở cùng cậu và mợ. Hẳn mẹ đang nghĩ đến những bước chân chênh chao của ngoại. Không biết bao lâu nữa ngoại sẽ, có thể, rồi cũng chỉ nằm một chỗ, mặc tã như con ngày bé, như bà cụ tội nghiệp trong clip… 

Ba hiểu cuộc sống muôn hình vạn trạng, như cầu vồng hai cha con mình có lần nhìn ngắm sau cơn mưa. Cầu vồng nào đâu chỉ có một màu. Cuộc đời có người này người khác, buồn vui, hạnh phúc, đau lòng tất cả đều có đủ. Nếu mang nỗi lo sợ và hoài nghi để mà sống thì liệu chúng ta có ngày nào được vui? 

Ba mẹ luôn dạy con trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải mỉm cười và tin vào những điều tốt đẹp sẽ trường cửu trên đời. Vậy thì hà cớ gì ba mẹ lại không lạc quan về chính con - kết quả của tình yêu thương và sự dạy dỗ của ba mẹ? 

Ba biết ba là người đầy thiếu sót. Ba hay trễ giờ đón con. Lúc ba mê xem đá bóng hay những bộ phim hành động, bà nội kể chuyện rồi hỏi gì đó ba cứ ậm ừ cho qua. Ba biết ba lười nhất chuyện phụ mẹ phơi đồ hay rửa chén. Lần nào dạy con học, ba cũng gào thét… 

Ba đang cố gắng mỗi ngày để làm tất cả những việc đó thật nhẹ nhàng như uống cốc cà phê buổi sáng. Bởi ba biết mỗi hành động lời nói của ba sẽ in hằn mãi vào con hơn ngàn lần lời dạy bảo. Bởi tận đáy lòng, ba chỉ mong con trai ba lớn lên thành một người biết nghĩ, biết yêu thương, trước nhất là yêu thương những người ruột rà của mình. 

Có cây nào cao mà không bám chặt lấy đất thật sâu thật rộng? Có con sóng nào mơ đến khơi xa khi không khởi nguồn từ một bến bờ nhỏ bé? Nếu không yêu thương những người đã in dấu mình lên từng ngón tay sợi tóc giọng nói giấc ngủ của con, liệu rồi con còn có thể yêu thương ai xa lạ? 

Có điều gì tuyệt vời hơn được yêu và nhận được yêu thương hả con?

Triệu Vẽ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI