Khi anh không bằng gã… hàng xóm

03/10/2018 - 06:00

PNO - Anh biết mình cũng chỉ là gã đàn ông trung bình, không quá giỏi, không quá giàu. Anh không phải kẻ hèn, nhưng lại sợ nhất câu nói: “Anh ơi, chồng của bạn em…”.

Cuối tháng, trời tối mịt anh mới đi làm về, vừa đặt cặp xuống, vợ đã hỏi: “Anh nhận lương rồi phải không? Đưa em mấy triệu, mai đi siêu thị mua ít đồ nhé”.

Anh vừa cởi áo sơ mi vừa nói: “Ừ, anh biết rồi. Anh chưa rút tiền, em cứ cầm thẻ ATM nhé”.

Vợ anh vừa nêm nếm nồi canh trên bếp, vừa mỉa mai: “Cầm cả thẻ cơ đấy! Thẻ anh có tháng nào vào được trên chục triệu đâu. Mấy anh trong công ty em tháng nào cũng mang về cho vợ hai ba chục mà vẫn còn dư thêm mấy triệu tiêu vặt kìa”.

Anh lặng im. Tối đó, ăn cơm xong anh đi ngủ sớm, quay mặt vào tường.

Anh biết mình cũng chỉ là gã đàn ông trung bình. Từ khi mới ra trường, đi làm rồi cưới vợ, anh chẳng có gì xuất sắc. Vẻ ngoài tầm trung, tính tình đơn giản nên anh không chải chuốt gì. Đàn ông như anh chẳng có mấy nỗi sợ trên đời. Thế nhưng điều khiến anh sợ nhất là bị vợ mình so sánh với những người đàn ông khác. Nghe thì cay đắng, nhưng chuyện đó chưa bao giờ dừng lại, dù đã nhiều lần anh góp ý với vợ.

Khi anh khong bang ga… hang xom
Điều anh sợ nhất là bị vợ mình so sánh với những người đàn ông khác - Ảnh minh họa

Đôi khi chỉ là câu chuyện vợ kể, câu bâng quơ vợ nói nhưng cũng khiến anh chạnh lòng xen lẫn áp lực. Hôm thì vợ khoe: “Này anh, cái Thư bạn thân em ấy, nó mới được chồng mua cho con xe bốn bánh. Con nhỏ trông thế mà sướng. Ngày xưa nó cùng em đi học, còn xin chép bài, xin đồ ăn của em. Có ai ngờ lấy chồng xong đổi đời nhanh thế. Nghe nói chồng nó làm chủ hai ba cái cửa hàng vật liệu xây dựng, thế thì mua một chứ mua mười con xe hơi còn được, anh nhỉ”.

Lại có hôm, vợ ngồi vào bàn trang điểm, thẫn thờ. Anh tưởng vợ buồn vì chuyện nhan sắc nên cũng tế nhị xoa bóp, hỏi han. Ai dè vợ bâng quơ: “Anh ơi, bạn em nó được người yêu mua cho bộ mỹ phẩm của Pháp, xách tay về. Một bộ ấy cả mười mấy triệu. Tối nay nó còn được dẫn đi nghe nhạc phòng trà”.

Anh biết ý, thủ thỉ: Mai anh dẫn vợ đi mua thỏi son mới nhé, rồi nếu em thích thì mình đi cà phê, đi nghe nhạc.

Tưởng thế thì vợ vui, ai dè cô ấy càng giận: “Cái gì anh cũng đợi nhắc mới làm, giá mà… Mà thôi, anh có bao giờ tự mua, tự tặng cái gì cho vợ, cho con đâu. Cái gì cũng phải nói mới làm, chẳng tinh ý như người ta gì cả”.

Vợ đùng đùng bỏ lên giường nằm. Anh buồn lắm. Áp lực từ cảm giác bị so sánh kinh khủng hơn nhiều thứ trên đời. Nhiều lúc anh không dám tin vào bản thân. Nghe vợ chì chiết, anh thấy mình thua kém người này người nọ mà không nhận ra những điểm mạnh của mình.

Khi anh khong bang ga… hang xom
Nhiều lúc anh không dám tin vào bản thân. - Ảnh minh họa

Áp lực anh đang chịu chẳng khác gì áp lực “con nhà người ta” một thời làm điên đảo cộng đồng mạng. Ai chẳng muốn mình tốt, mình hay, nhưng không phải cứ muốn là được. Mèo thích ăn cá, nhưng lại không biết bơi. Cá thích ăn giun, nhưng lại không thể lên bờ. Anh cũng thế thôi, là đàn ông, ai chẳng muốn làm cho vợ con mình đủ đầy, hạnh phúc. Nhưng anh chỉ là gã đàn ông trung bình, ngoài kia lại có bao người sáng giá, khiến vợ anh tối ngày so sánh, ganh đua.

Anh biết chồng của cô Thư bán vật liệu xây dựng mà vợ kể đang mắc nợ ngân hàng tiền tỉ, nhưng không thể nói cho cô ấy nghe, bởi vợ sẽ bảo anh không bằng người ta nên tìm cách dìm. Chưa hết, vợ anh còn so sánh chê bai chồng cả khi về bên nội bên ngoại hay sang hàng xóm. Có hôm, anh ở nhà trên nói chuyện với bố thì nghe vợ khen em chồng: “Chú nấu ăn ngon thế! Anh em mà sao chẳng giống nhau tí nào nhỉ. Anh chú chỉ biết mỗi chiên trứng, nấu mì. Có lần nấu mà cả nhà ăn không nổi, phải ra quán”.

Cứ thế, chị dâu và em chồng nói chuyện cười vui dưới bếp, chẳng biết mặt anh đang méo xệch đi.

Anh biết, nhiều khi cô ấy chỉ bông đùa, nói cho vui miệng chứ chẳng có ý gì. Nhưng áp lực “chồng nhà người ta”, "chồng bà hàng xóm”, “chồng của bạn em”, “các anh ở công ty em”… khiến anh nổi da gà mỗi khi nghĩ đến. Họ cũng chỉ là những người đàn ông bình thường như anh, cũng có điểm mạnh điểm yếu, liệu vợ có quá khắt khe khi chỉ nhìn thấy nhược điểm của chồng và ca ngợi điều của họ?

Giá cô ấy chịu hiểu, anh sẽ bớt đi vài phần áp lực.

T. Nguyên (Hải Phòng)

Có đến 42% nam giới cho biết áp lực lớn nhất của họ là làm người trụ cột trong gia đình. "Lo cho gia đình", "sợ mất việc", "áp lực bị so sánh"... tựu chung đều là nỗi lo mang tên "TRỤ CỘT". Dĩ nhiên, để là trụ cột cần phải đáp ứng được nhiều tiêu chí, từ khỏe mạnh đến có một công việc tốt, thu nhập cao, phẩm chất, bản lĩnh của người đàn ông thực sự... 

Áp lực, trách nhiệm khiến những người đàn ông oằn vai. Trong khi đó, cảm xúc vốn được xem như đặc quyền của phái yếu, còn phái mạnh phải luôn mạnh mẽ. Cách nghĩ này khiến cánh mày râu phải chối bỏ những cảm xúc “bẩm sinh” của con người, không được yếu mềm, không dám tìm kiếm sự giúp đỡ khi gặp khó khăn. Áp lực chồng chất đẩy người trụ cột vào trầm cảm và nhiều hệ lụy tâm sinh lý khó lường.

Báo Phụ  nữ TP.HCM mở diễn đàn "Áp lực đàn ông, phụ nữ biết không?" để là nơi giãi bày, chia sẻ những mệt mỏi, muộn phiền cũng là nơi phân tích sâu hơn những góc khuất bên trong các quý ông, để chị em phụ nữ hiểu hơn, cảm thông, sẻ chia hơn với người đàn ông mang gánh lo toan đang ở cạnh mình.

Bài vở tham gia diễn đàn, bạn đọc gửi về email:  tinhyeuhonnhan@baophunu.org.v

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI