Khi âm nhạc là “phép màu”

07/09/2021 - 15:17

PNO - Không chỉ đơn thuần là sản phẩm giải trí, âm nhạc còn được xem là giải pháp hữu hiệu giúp các bệnh nhân thoát khỏi chứng tự kỷ, hồi phục nhanh chóng sau phẫu thuật và đột quỵ.

Gần đây, đài truyền hình Mexico đã phát sóng câu chuyện cảm động về một cậu bé tên Arturito mắc chứng tự kỷ, động kinh và các chứng bệnh khác đã được chữa lành qua bài hát Epiphany của thành viên Jin (BTS).

Mẹ của cậu bé đến giờ vẫn xúc động khi chia sẻ về chứng bệnh của con trai: “Arturito từng bị khủng hoảng phổ tự kỷ nghiêm trọng, chỉ cần bất kỳ tiếng ồn nào cũng đủ khiến bé sợ hãi và lo lắng; bé bịt tai, tự cắn và tự làm bản thân mình đau. Và một ngày, điều kỳ diệu đã xảy ra, Arturito bắt đầu hát theo bài hát Epiphany”.

Cậu bé tự kỷ vui vẻ khi xem Jin (BTS) trình diễn ca khúc Epiphany
Cậu bé tự kỷ vui vẻ khi xem Jin (BTS) trình diễn ca khúc Epiphany.

Từ khi biết đến ca khúc, cậu bé có phần ổn định tâm lý hơn, thậm chí khi xem MV, Arturito còn chạm và hôn vào màn hình khi thấy khuôn mặt của nam idol Jin, trong khi miệng thì liên tục hát theo lời ca khúc. Kể từ đó, cậu bé trở thành người hâm mộ nhiệt thành của riêng thành viên Jin và nhóm nhạc BTS.

Thông qua các nền tảng mạng xã hội, mẹ của Arturito đã chia sẻ câu chuyện của chính con trai mình với mong muốn góp phần truyền tải nhận thức về chứng tự kỷ và cách âm nhạc có thể biến đổi cuộc sống của các bệnh nhân. Với cô, âm nhạc như một “phép màu” giúp con trai mình trở nên thoải mái và bớt khép mình hơn với thế giới xung quanh.

Đây không phải là lần đầu tiên âm nhạc cho thấy tác dụng trong việc chữa lành những tổn thương và bệnh tật. Trong những năm gần đây, các chuyên gia cũng đã nhiều lần chỉ ra âm nhạc và não bộ có những liên kết với nhau, việc nghe các bài hát có thể giúp ích cho những bệnh nhân bị rối loạn giấc ngủ, đột quỵ và mắc các chứng bệnh khác.

Minh chứng rõ nét khi nghệ sĩ guitar cổ điển Andrew Schulman cho biết âm nhạc đã giúp ông hồi phục sau cơn hôn mê. Ngoài ta, việc chơi guitar còn giúp cơ thể ông ổn định huyết áp và nhịp tim sau phẫu thuật.

Nhạc sĩ và nhà trị liệu nghệ thuật người Pháp Claire Oppert chơi nhạc cho một bệnh nhân tại khoa chăm sóc đặc biệt của bệnh viện Sainte Perine vào ngày 11/7 ở Paris.
Nhạc sĩ và nhà trị liệu nghệ thuật người Pháp Claire Oppert chơi nhạc cho một bệnh nhân tại khoa chăm sóc đặc biệt của bệnh viện Sainte Perine, Paris.

Thậm chí, nhiều bệnh nhân còn được các bác sĩ khuyến khích chơi nhạc cụ trong quá trình phẫu thuật não, để đảm bảo ca phẫu thuật diễn ra tốt đẹp và không để lại các di chứng đáng tiếc.

Trong năm 2020, video nghệ sĩ Dagmar Turner đang chơi violin trong khi Tiến sỹ chuyên khoa phẫu thuật thần kinh Keyoumars Ashkan cùng ê-kip đang cắt bỏ khối u não của cô tại Bệnh viện Đại học King, nước Anh nhanh chóng gây sốt.

Theo đó, các bác sĩ phẫu thuật đã yêu cầu Turner (53 tuổi) chơi violin để đảm bảo rằng khả năng chơi nhạc của nữ nghệ sĩ không bị tổn hại trong quá trình cắt bỏ khối u. Kết quả, ca phẫu thuật đã diễn ra thành công khi loại bỏ được 90% khối u não mà không ảnh hưởng tới khả năng âm nhạc của cô Turner.

Video: Dagmar Turner chơi violin trong lúc phẫu thuật

 

 Chung Thu Hương 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI