Khép lại hành trình gian nan sang Pháp đòi con của người phụ nữ Việt

02/09/2018 - 14:00

PNO - Nỗ lực đòi lại con gái suốt 4 năm qua, chị Huyền được tòa án hai nước Pháp và Việt Nam tuyên thắng kiện. Người mẹ đơn thân từng ngày trông ngóng bản án được thi hành để có thể ôm con gái vào lòng, nâng niu…

Trung tuần tháng 8, chị Nguyễn Thị Thanh Huyền (33 tuổi, quê Khánh Hòa) có mặt tại TAND Cấp cao tại TP.HCM từ sớm. Trong trang phục gọn gàng, người phụ nữ không giấu được vẻ âu lo, chị nói: “Tôi mong lần này tòa sẽ đưa ra phán quyết cuối cùng, để mẹ con tôi sớm đoàn tụ”.

Gian nan đòi con từ người tình Pháp

Theo nội dung vụ án, năm 2013, chị Huyền có tình cảm với doanh nhân người Pháp Ste’phane Azais (43 tuổi, quốc tịch Pháp). Sau một thời gian sống chung, chị mang thai. Thế nhưng, Azais chỉ muốn con gái mang quốc tịch của bố mà không muốn kết hôn với Huyền.

Khep lai hanh trinh gian nan sang Phap doi con cua nguoi phu nu Viet
Chị Huyền (phải) và luật sư

Cho rằng không được tôn trọng và yêu thương, chị Huyền quyết định chia tay chồng hờ vào tháng thứ 6 của thai kỳ. Thế nhưng, khi cháu bé mới được 3 tháng tuổi, Azais đã lén cướp đi đứa con của chị.

Người mẹ trẻ đã gõ cửa chính quyền địa phương, các cơ quan an ninh và tòa án nhờ can thiệp nhưng bất thành. Đến đầu năm 2015, ông Azais đưa cháu bé về Pháp rồi giao cho mẹ mình chăm sóc.

Đau đớn và hoang mang tột cùng, chị Huyền bỏ công việc ở Việt Nam để bắt đầu hành trình sang Pháp đòi con. Tất cả số tiền tiết kiệm được, chị phải dùng để chi trả cho việc kiện tụng. Chị thuê trọ gần nơi anh này ở suốt 3 tháng, gửi đơn kiện ra tòa án đòi quyền nuôi con.

Sau thời gian dài một mình lặn lội đòi con, hồi tháng 6/2016 Tòa sơ thẩm, thẩm quyền rộng Albi (trụ sở tại Tòa án Tư pháp ở Albi) buộc ông Azais phải trả con gái cho chị Huyền.

Tuy nhiên, ông này không thực thi phán quyết dù đã mang con gái quay lại Việt Nam và sống tại phường Thảo Điền, quận 2. Chị Huyền nhiều lần tìm đến nhà bạn trai cũ để gặp con nhưng không được, nên yêu cầu TAND TP.HCM cho thi hành phán quyết của tòa Pháp tại Việt Nam.

"Vài tuần sau khi từ Pháp về, ông ấy gửi cho tôi một email, hẹn ngày giờ đến gặp con. Tôi mừng đến nghẹt thở, đếm từng giây từng phút. Nhưng khi đến nơi căn nhà vẫn khoá cửa, tìm đủ mọi cách cũng không thể liên lạc được với người bên trong. Sau đó ông ấy gửi thêm email, thông báo con tôi vẫn an toàn", giọng chị nghèn nghẹn.

Cuối tháng 5 năm ngoái, Tòa Gia đình và Người chưa thành niên (TAND TP HCM) chấp nhận toàn bộ yêu cầu của chị Huyền. Nhưng sau đó người đàn ông Pháp đã làm đơn kháng cáo toàn bộ quyết định trên.

Trong năm nay, tòa phúc thẩm 3 lần mở phiên họp xét công nhận và cho thi hành bản án của tòa án Pháp nhưng đều hoãn vì phiên dịch viên tham gia phiên tòa không đúng theo thủ tục của Luật Tố tụng dân sự 2015.

Khép lại “cuộc chiến”

Tại phiên phúc thẩm lần này, để đề phòng phía ông Azais hoặc tòa án không mời phiên dịch, chị Huyền đã đưa phiên dịch viên của mình đến tòa. Trước HĐXX, ông Azais yêu cầu kiểm tra nội dung bản án sơ thẩm có phù hợp với pháp luật Việt Nam không và đã thực sự công bằng với ông chưa.

Vị chủ tọa nghiêm giọng giải thích: “Đương sự phải chứng minh, chỉ ra các điểm thể hiện bản án trái pháp luật, còn về nội dung bản án thì chỉ tòa án Pháp mới có quyền xem xét”.

Khep lai hanh trinh gian nan sang Phap doi con cua nguoi phu nu Viet
Người mẹ mong mỏi từng ngày để gặp lại con

Người đàn ông Pháp bỗng nhiên chỉ tay về phía chị Huyền, cho rằng con gái mình sẽ gặp nguy hiểm nếu ở với mẹ.  Ông này sau đó yêu cầu được trình lên các đoạn ghi âm để chứng minh điều mình nói. Thế nhưng, HĐXX không chấp thuận, bởi: “Ghi âm này không liên quan đến phạm vi giải quyết của phiên họp hôm nay. Ông chỉ cần chứng minh bản án có trái công ước quốc tế hay luật Việt Nam không, nếu nó không trái luật thì phải được công nhận”.

Đến lượt mình, chị Huyền nói bằng giọng tha thiết, nghẹn ngào: “Tôi rất sốt ruột vì bản án đã có hiệu lực 2 năm qua ở Pháp, nhưng không thể thi hành tại Việt Nam vì vẫn chưa được tòa Việt Nam công nhận. Nếu vụ việc kéo dài, tôi sợ con mình sẽ quên mất mẹ…”.

Lắng nghe lời trình bày của hai bên và căn cứ vào hồ sơ, tòa phúc thẩm nhận định bản án của tòa án Pháp phù hợp với pháp luật Việt Nam, đồng thời Việt Nam và Pháp đã ký Hiệp định tương trợ về các vấn đề dân sự năm 1999. Từ đó, HĐXX buộc ông Azais lập tức giao trả con và hộ chiếu của bé gái cho chị Huyền.

Theo yêu cầu của người mẹ, người đàn ông Pháp được đến thăm con vào tất cả các thứ 7 hàng tuần (từ 9 đến 18g) tại nơi đăng ký thường trú và một năm một lần tại Pháp - với điều kiện ông Azais phải thanh toán chi phí đi lại.

Nghe tòa tuyên án, chị Huyền không giấu được sự vui mừng tột độ, chị quay sang ôm chặt vị luật sư của mình. "Vậy là mọi nỗ lực của tôi giờ đã gặt hái được quả chín. Tôi mong sao bản án đã được công nhận ở cả Pháp và Việt Nam sớm được thi hành để mẹ con tôi được sống hạnh phúc bên nhau", người mẹ nghẹn giọng chia sẻ. 

Thiên Phú

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI