Khéo nói

15/06/2014 - 15:08

PNO - PN - Giáo dục là chuyện của mọi nhà, mọi người. Vì vậy, những câu chuyện giáo dục, chuyện những người thầy, luôn được mọi nhà mọi người quan tâm, theo dõi, bình luận.

edf40wrjww2tblPage:Content

Người ta không chỉ bàn chơi cho vui, mà bàn với tâm trạng đó là chuyện ít nhiều có liên quan đến mình. Trong tuần, có chuyện hai thầy hiệu trưởng bị kỷ luật oan, mất chức, lý do gần giống nhau: một chính sách của ngành giáo dục bị hiểu sai, vận dụng sai, dẫn đến việc kết tội oan hai nhà giáo. Hai thầy vừa được giải oan, còn cái chỗ mơ hồ trong chính sách ấy được sửa hay chưa thì không thấy nói, cái việc ai đó vận dụng sai chính sách, kết luận sai vụ việc cũng không thấy nói.

Kheo noi

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội sáng 11/6. Ảnh: Nhật Minh (VnExpress.net).

Song song đó, ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo khi trả lời chất vấn của Quốc hội, giải trình về dự án 34.000 tỷ đồng, đã cho rằng “đây là con số chưa có bàn bạc, chưa có thống nhất”, rằng do khi đi họp “anh em bị khớp”, “một đồng chí cấp vụ ngồi ghế sau trao lên tờ giấy”… nói chung việc dẫn đến con số này, làm cho dư luận ồn ào bức xúc, được Bộ trưởng mô tả là do “nói không khéo, không đầy đủ”. Cái án kỷ luật của thầy hiệu trưởng thứ nhất là vì khoản phụ cấp 112 triệu đồng/22 tháng, cái án kỷ luật thầy hiệu trưởng thứ hai là vì khoản phụ cấp 33 triệu đồng. May mà con số 34.000 tỷ đồng chưa thành sự thật!

Còn nhớ, một lần trả lời trong chương trình truyền hình Dân hỏi Bộ trưởng trả lời, Bộ trưởng đã nhận trách nhiệm về con số 34.000 tỷ của đề án này. Chuyện xảy ra cách đây non tháng. Cũng trong lần ấy, Bộ trưởng nói sẽ có một lộ trình hợp lý để đi đến một đề án thực sự giải quyết được những tồn tại của nền giáo dục nước nhà.

Thời gian qua nhanh, nhưng con số 34.000 tỷ đồng không dễ nguội, không dễ phai mờ khỏi tâm trí của dư luận. Có lẽ cũng vì chưa có một con số nào khác để thay thế. Nay giải thích thêm cho con số này, còn có việc “anh em bị khớp”, như thể chuyện học trò lên lớp trả bài “bị khớp” trước thầy cô nên trả lời sai! Xin nói ngay, khái niệm “anh em” không dễ hiểu chút nào đâu, bởi đó là những chuyên viên, những cái đầu ưu tú được giao cho việc nghiên cứu hoạch định chiến lược, chính sách của ngành, liên quan đến tiền tỷ quốc gia, đâu phải là tay mơ nào non kinh nghiệm.

Trong thực tế, có những chính khách khi đăng đàn diễn thuyết cũng thật khéo nói, nhưng cái khéo không được sự đồng cảm của dư luận. Dư luận không cần những lời khôn khéo, mà cần những giải pháp thực sự tháo gỡ được vấn đề, thực sự làm người ta tin, người ta yên lòng. Mô tả thực trạng dạy học ngoại ngữ hiện nay “không giống ai” là đứng ở góc nhìn của người dân mà mô tả, nhưng từ góc độ nhà quản lý, cái cần là giải pháp, mà giải pháp trong trường hợp này vẫn không mấy rõ ràng. Một đại biểu Quốc hội nói: “Dư luận cho rằng Bộ trưởng đã không kiểm soát được tình hình trong việc trình đề án đổi mới sách giáo khoa với kinh phí 34.000 tỷ đồng”. Vấn đề được nêu ra chất vấn đã rõ, đó là trách nhiệm của người đứng đầu một ngành, chứ không phải chuyện thanh minh cho một sự lỡ lời nào đó.

Trở lại chuyện hai thầy hiệu trưởng ở các xã nghèo thuộc các huyện Cầu Kè, huyện Châu Thành vừa mới được giải oan: một chữ, một câu trong văn bản chính sách có thể quyết định sinh mạng chính trị của bao người, có thể ảnh hưởng đến hàng trăm vạn con người khác. Xin các nhà làm chính sách hãy thận trọng và thẳng thắn, đừng “khéo nói” để thuyết minh cho sự thông qua những chính sách, những quy định nào đó, mà không trên cơ sở những vấn đề được đặt ra từ thực tế cuộc sống.

Tôi là phụ nữ, hằng ngày chở con đi học ở trường, học thêm ở trung tâm, tháng tháng đóng học phí, mỗi học kỳ đều đi họp phụ huynh. Tôi nghĩ, dư luận trông đợi ở Bộ trưởng những giải pháp cụ thể. Những chuyển động trong một hệ thống lớn như giáo dục phổ thông không thể chỉ cần một ít tiền, không thể chỉ sau một thời gian ngắn mà thay đổi ngay được.

Chúng tôi hiểu điều đó. Cần tiền, cần rất nhiều tiền cùng với hệ thống chính sách chặt chẽ để thay đổi. 34.000 tỷ chưa lớn. Bức xúc của dư luận không nằm ở con số mà nằm ở hệ thống chính sách, hệ thống giải pháp chưa tương xứng, chưa rõ ràng.

Vậy nên, có lẽ không cần phải bỏ quá nhiều công sức để thanh minh, mà cần rất nhiều công sức để thực sự đưa ra giải pháp, để thay đổi mọi chuyện theo chiều hướng tốt hơn. Khi niềm tin được đặt làm nền tảng, chắn chắn là dù con số nào đi nữa, dư luận cũng sẽ bình tĩnh lắng nghe, bởi chính họ chứ không ai khác sẽ lao động, đóng góp làm nên con số ấy.

 LẬP PHƯƠNG

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI