“Khéo kê” sẽ đẹp!

12/04/2021 - 18:58

PNO - Tôi nghĩ, cặp vợ chồng có vẻ so le này đã gặp nhau ở một điểm nào đó nên dù có khác biệt nhiều vẫn sống hòa hợp. Phải là thương nhau lắm mới không tính toán so đo, bỏ qua được khiếm khuyết của nhau.

Cứ mờ sáng, khách đã thấy anh ngồi ở cái lều bên đường, vừa tráng vừa cuốn bánh vừa chạy bàn. Đến 9, 10 giờ sáng, bán hết hàng, anh dọn dẹp bàn ghế, bếp núc, nồi niêu, xoong chảo lỉnh kỉnh vào căn nhà cách đó hơn trăm mét.

Anh rửa một đống chén đĩa, đi chợ mua rau giá dành cho buổi mai. Nghỉ chốc lát, anh đi xay bột, nấu cơm, đón con, tắm rửa, cho ăn. Chiều tối, cô vợ đi làm về là việc nhà đã xong. 8 giờ tối, cả nhà yên giấc để 3 giờ sáng trở dậy bắt đầu ngày mới. Đều đặn như vậy đã nhiều năm nay.

Ảnh mang tính minh họa. SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa. SHUTTERSTOCK

Đó là vợ chồng chủ hàng bánh cuốn ở xã Trung Chánh, H.Hóc Môn, TP.HCM. Cô vợ tên Trương Như Uyên hiền lành, xinh xắn, học Đại học Kinh tế, đang làm kế toán cho một công ty ở Q.3, TP.HCM.

Anh chồng quê miền Tây học chưa hết cấp II. Anh đi phụ việc cho một cơ sở may của người họ hàng, giúp cha mẹ nuôi năm đứa em. Hai người quen nhau qua bạn bè giới thiệu rồi nên vợ nên chồng. Công việc ở cơ sở may với đồng lương không bao nhiêu, anh về học nghề mẹ vợ để làm bánh cuốn rồi sống vững với nghề gần 10 năm nay.

Trời không phụ người chịu khó, anh làm khéo, bánh ngon, ngày nào bán hết ngày đó. Cô vợ còn đặt hàng từ quê Bình Phước nào là sầu riêng, chôm chôm, bơ, nhãn, thịt heo mọi, gà thả vườn xuống bán trong xóm và cho đồng nghiệp của cô.

Thứ Bảy, Chủ nhật, ai đặt 5-10kg hành phi gửi cho thân nhân nước ngoài, cô cũng làm. Mỗi sáng cô thức sớm chiên chả giò phụ bán một lát. Sau đó, cô đưa con đi học, rồi đi làm. 

Cũng phấn son trang điểm, đầm váy, áo dài, giày cao gót như ai, nhưng cô không ngại, vẫn hồn nhiên trong veo bên anh chồng quanh năm áo thun, quần cộc của mình.

Thỉnh thoảng, lễ lạt hay đội tuyển bóng đá Việt Nam thắng trận, anh cùng mấy người chung xóm hùn tiền mua con dê, con gà lôi… rồi nhậu nhẹt, ca hát “tưng bừng hoa lá”, cô cũng cười cười, không nói gì. 

Gần 10 năm ở sát bên nhà họ nhưng chưa lần nào tôi nghe hai người to tiếng hay phàn nàn nhau. Người ta hay khen: “Chú Tân có phước quá! Vợ xinh đẹp, giỏi giang, lại hiền lành, có nết nữa!”. Cô cười nhẹ tênh: “Ảnh cũng hiền mà”. Đôi lúc chồng khó chịu, cự cãi, cô làm thinh và đi chỗ khác; chồng thấy vậy cũng thôi.

Cô học cao, có chỗ đứng trong xã hội, thu nhập tốt mà muốn đổi chiếc xe mới cũng chờ chồng đồng ý mới dám mua. Vậy nhưng nhà chồng có việc là cô luôn có mặt.

Gần đây mẹ chồng mất đột ngột, không còn ai chăm sóc bố chồng bị tai biến nằm một chỗ nhiều năm nay. Mấy anh em bàn nhau một người phải nghỉ việc về nuôi bố. Mấy người còn lại sẽ gánh chi phí. Cô nói mình có điều kiện hơn thì chịu hai phần ba, các em còn ở nhà mướn chỉ phải góp một phần ba thôi.

Có lần tôi hỏi: “Vào sinh nhật, chồng có tặng hoa cho vợ không?”. Cô cười: “Ảnh không biết gì mấy chuyện đó đâu! Hai đứa lo làm tối mắt tối mũi không để ý quà cáp gì hết. Vợ chồng cần thiệt thà với nhau là được”.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Hồi mới cưới nhau, vợ chồng còn ở nhà trọ, rồi họ mua được nhà nhỏ, bây giờ là căn nhà lớn cao hai tầng. Tin tưởng nhau, một lòng một dạ, người ta có động lực để làm việc không biết mệt. Từ đó người ta có tất cả. 

Theo suy nghĩ của tôi, cặp vợ chồng có vẻ so le này đã gặp nhau ở một điểm nào đó nên dù có khác biệt nhiều vẫn sống hòa hợp. Phải là thương nhau lắm mới không tính toán so đo, bỏ qua được khiếm khuyết của nhau.

Và cô vợ chắc chắn có tấm lòng rộng mở, tốt bụng mới vẽ nên một cảnh gia đình đẹp và hoàn hảo đến ai nhìn vào cũng phải trầm trồ, thán phục. 

Tôi nghĩ, phải chi ai cũng sống tốt, dễ chịu như cô và anh, thì chắc không có bạo lực gia đình, xã hội yên ổn, người người sẽ hạnh phúc. Cho nên, vợ chồng lệch, nếu khéo kê chẳng những đã bằng, mà còn đẹp lung linh nữa. 

Cẩm Phúc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI