|
Ảnh minh họa |
Nhóm bạn thời trung học của tôi có quy ước: mỗi khi nhóm gặp nhau không ai kèm theo chồng hay vợ, vì theo ý mọi người, có những “người lạ” ấy vào mất vui đi. 60 tuổi hơn cả rồi, sướng khổ vui buồn vợ chồng nào cũng đã từng, đủ làm nên sự tin tưởng nhau.
Học cùng với nhau từ lớp 6 đến 12 nên câu chuyện giữa chúng tôi phong phú lắm. Có những câu chuyện mà chỉ người trong cuộc mới biết để gây cười, nếu có chồng hay vợ của ai đó, họ không hiểu được chuyện có gì đâu mà nhóm người này cười dữ vậy. Do đó, quy ước bất thành văn này khiến mọi người rất thoải mái.
Mà thật ra, các bà vợ hay các ông chồng cũng không muốn tham dự với chúng tôi làm gì. Tất nhiên mọi người đều quen nhau nhưng để nói chuyện thân thiết, kể chuyện ngày xưa thì họ không thể tham gia được. Những đề tài về con cái, học hành, thường không mang ra trong những buổi gặp nhau vì mọi người thống nhất rằng, nhóm không ai có hoàn cảnh giống ai, người có con thành đạt thì cũng có người có con không thành đạt hay người không có con.
Chuyện kể theo dạng tâm sự thì ai cũng có người tin tưởng riêng để thổ lộ. Những điều buồn quá hay vui quá đôi khi không phù hợp, dễ khiến bạn mình chạnh lòng. Chúng tôi tuy không can dự sâu vào đời sống riêng tế nhị của bạn nhưng mỗi khi bạn nào gặp khó khăn, đau ốm, mọi người đều sẵn lòng chia sẻ.
Tôi để ý, những lần gặp nhau ăn uống, có chút bia thì câu chuyện thường là nói chung với nhau, tất cả mọi người tham gia. Tất nhiên là những câu chuyện vui vẻ. Còn khi gặp nhau trong một chầu cà phê chẳng hạn thì lại thường “tách nhóm” nói chuyện riêng với nhau. Có thể là hai người, hoặc ba người. Có chuyện gì đó vui vui, cả nhóm mới cùng tham gia.
Tôi hay liên tưởng về cái nghĩa “trà tam, rượu tứ” trong trường hợp này. Trong bàn cà phê mười người chẳng hạn thì ít nhất phải thành ba nhóm. Có thể một phần do không gian trà thường yên tĩnh, nhẹ nhàng nên câu chuyện ít khi ồn ào.
Tôi hay nhìn bạn bè nói chuyện riêng với nhau và hình dung ngày xưa trong lớp học. Một thời đi học ai chẳng có lúc bị thầy cô mắng vì cái tội nói chuyện riêng trong lớp?
Và đây là lúc những câu chuyện “riêng tư” nhất được thổ lộ. Vì thật ra bất cứ ai cũng có lúc muốn “tâm sự”, có thể là khoe mà cũng có thể là nỗi niềm sâu lắng cần được nói ra cho vơi bớt.
Phần đông, phụ nữ nói về người phối ngẫu thường là “kể tội”. Có thể là giận lẫy hay trách cứ. Nhưng khi nói ra, người nghe cảm thấy, không phải kết tội mà như một sự kể lể yêu thương. Có người kể về chồng luôn là những điều tốt đẹp mà anh ấy đã dành cho mình. Họ thật sự là người hạnh phúc và họ đang tận hưởng niềm hạnh phúc mà không phải ai cũng có được.
Đi qua nhiều năm tháng trong cuộc đời, nhìn lại cuộc hôn nhân của mình, người phụ nữ cảm thấy nhẹ nhàng và biết ơn. Và họ kể lên những câu chuyện thương yêu mà người bạn đời dành cho họ ngần ấy năm.
Có những cuộc hôn nhân, tuy không sóng gió nhưng đôi khi mỏi mệt vì người phối ngẫu không hợp nhau. Nói câu trước, câu sau dễ thành bất đồng ý kiến cãi nhau. Khi còn trẻ thì còn tranh luận, nhưng khi về già đa phần vợ chồng nào cũng biết nhịn nhau. Tuy là nhịn, nhưng không phải đã ý hợp tâm đầu. Họ sống vì bổn phận, con cái và quan trọng là chẳng có lý do gì để chia tay nhau, chỉ cần mỗi người nhịn một chút. Bạn bè tôi đều thuộc hai dạng đó.
Trong cuộc sống thường thấy, ít phụ nữ nào kể tốt về người chồng của mình. Có thể anh chồng ấy có những tật mà người vợ không thích như hút thuốc lá, nhậu nhẹt, nhác việc nhà… nhưng không loại trừ việc người vợ muốn tự đề cao mình. Ý là, trong gia đình một tay chị quán xuyến, nặng nề hơn: “có chồng cũng như không”.
Những ràng buộc hôn nhân khiến không thể giải quyết bằng cách chia tay. Và như thế, người vợ phải trải qua những năm tháng lầm lũi đi một mình, không ai chia sẻ. Lâu rồi thành quen nếp, coi như đó là bổn phận của mình…
Những cuộc hôn nhân mỏi mệt đó lấy đâu ra một câu khen chồng?
Cũng có người cho rằng, có những phụ nữ rất khôn khéo, tuy không hài lòng về cuộc hôn nhân của mình nhưng lúc nào họ cũng khen chồng trước mặt mọi người. Có thể vì chị muốn cho mọi người thấy rằng, gia đình chị vẫn có một đội hình đẹp. Thậm chí, người chồng có “tòm tem” bên ngoài, vẫn không thấy chị thốt lên lời trách cứ chồng trước mặt người khác. Người cho là chị này có kiểu giữ chồng khôn khéo, nhưng cũng có người cho là chị… làm màu, không thật!
Dù cho là rơi vào tình huống nào, chỉ khi người vợ thật lòng khen chồng trước mặt mọi người, nhất là bạn bè thân thiết, mới hiểu được đó thật sự là cuộc hôn nhân hạnh phúc. Một người vợ thật có phước.
Câu hỏi đặt ra là: bạn đã từng khen chồng mình chưa?
Đào Thị Thanh Tuyền