“Khẩu trang y tế” xuống đường

04/11/2013 - 19:45

PNO - PN - Trên nhiều tuyến đường tại TP.HCM, khẩu trang (KT) được bày bán tràn lan, giá từ 25.000-40.000đ/hộp 50 cái. Theo lời người bán, đây là các loại KT y tế. Thực tế có đúng như vậy? Cơ quan nào kiểm soát sản phẩm này?

edf40wrjww2tblPage:Content

“Khau trang y te” xuong duong

“Khẩu trang y tế” chất lượng kém

Với bảng hiệu ghi “KT y tế giá cực sốc, chỉ 25.000đ/hộp 50 cái”, nhiều ngày qua, ở các ngã đường Ba Tháng Hai, Bạch Đằng, Hoàng Minh Giám, Điện Biên Phủ, Võ Thị Sáu… đã “mọc” lên nhiều điểm bán KT. Các trang rao vặt, mua hàng theo nhóm… cũng rao bán khá sôi nổi, giá chỉ còn 15.000đ/hộp 50 cái.

Chỉ trong một giờ, Cảnh (trên đường Ba Tháng Hai, Q.10) đã bán được hơn 30 hộp, loại 25.000đ/hộp 50 cái. Quan sát, chúng tôi nhận thấy, trên vỏ hộp của sản phẩm ghi toàn tiếng Anh theo kiểu chung chung “Face Mask, Malaysia”, nhưng bên góc hộp lại ghi “made in Vietnam”. Cảnh cho biết: “Loại 40.000đ xài tốt hơn, còn hàng giá rẻ, làm tại Trung Quốc hay Malaysia em không biết, đầu mối giao sao em bán vậy”. Hai loại KT giá 40.000-50.000đ/hộp có nhãn hiệu Medical và Medivid ghi thông tin “KT ba lớp lọc hiệu quả 99% vi khuẩn, ngăn bụi bẩn, không khí độc hại…” nhưng không có số lô, ngày sản xuất, hạn sử dụng như KT được bán trong nhà thuốc.

Một số điểm bán lề đường còn giới thiệu loại “KT y tế” có thêm lớp than hoạt tính, giá 50.000đ/hộp. Nhiều người đã không ngần ngại mua vì… “KT có than hoạt tính lọc được vi khuẩn”.

Chúng tôi thử mua các loại KT nói trên. Hầu hết các sản phẩm đều có ba lớp và kiểu dáng, màu sắc giống hệt KT y tế được bán ở các nhà thuốc. Nhiều chiếc KT chưa dùng đã đứt quai đeo vì được khâu rất sơ sài. Đặc biệt, loại KT 25.000 đồng/hộp và loại KT hoạt tính có mùi rất khó chịu, khi cắt ra lớp trong cùng chỉ là lớp giấy (như giấy vệ sinh), gặp nước là rã ra.

Trong khi đó, loại KT y tế bán trong nhà thuốc (giá 40.000- 45.000đ/hộp; bán lẻ 1.000-2.000đ/cái) thì lớp giấy bên trong không thấm nước. Và điểm khác biệt là trên mỗi KT y tế đều có in nhãn hiệu, thanh nẹp, quai đeo chắc chắn.

Dò hỏi, chúng tôi được biết có một đầu mối - tên Thành, đứng ra nhận hàng trăm thùng “KT y tế” rồi giao cho nhiều sinh viên đi bán. Chúng tôi gọi số 0988…, đầu mối tên Thành cho biết “do các nhà thuốc bán chậm quá nên đưa ra ngoài và chiết khấu 20% trên giá đang bán lẻ”. Chúng tôi tìm hiểu thì các nhà thuốc đều khẳng định không bán các loại KT này. Nhân viên nhà thuốc trên đường Hai Bà Trưng, Q.1 cho biết: “KT của các nhà sản xuất uy tín đều đã qua khâu tiệt trùng và kiểm định chất lượng, còn KT bán ngoài đường khó có thể biết chất lượng ra sao”.

Dù luôn khẳng định là hàng Việt Nam sản xuất, nhưng khi chúng tôi thắc mắc “sao thấy nhãn ghi Malaysia?” thì Thành cúp máy.

“Khau trang y te” xuong duong

Chất liệu không rõ nguồn gốc, chưa được xử lý vô trùng, những chiếc khẩu trang y tế bày bán ở vỉa hè là ổ chứa vi khuẩn, gây hại sức khỏe người sử dụng

Không ai quản?

ThS-BS Lê Huỳnh Mai - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp BV Tai Mũi Họng TP.HCM, cảnh báo: KT bày bán ở vỉa hè được may từ chất liệu không rõ nguồn gốc, chưa được xử lý vô trùng, có thể là ổ chứa vi khuẩn, đe dọa sức khỏe người sử dụng.

ThS-BS Mai lưu ý: “KT than hoạt tính có mùi hôi là do cơ sở sản xuất sử dụng keo để phun cố định các hạt than hoạt tính. Chính những hạt keo khi bao quanh các hạt than sẽ làm lớp than mất tác dụng”. Còn KT diệt khuẩn có nhiều kích cỡ khác nhau, ôm gọn được vùng mũi miệng, ngăn được các tác nhân gây bệnh có kích cỡ 1-10µm. Loại này được nhân viên y tế và người chăm sóc bệnh nhân sử dụng; chỉ dùng một lần và tiêu hủy theo chế độ rác thải y tế độc hại.

KT y tế được coi là vật tư y tế nên việc nhập khẩu, sản xuất phải theo đúng quy định của Nhà nước. Ngành y tế quản lý nhóm hàng này. Hiện nay nhiều loại KT được cho là KT y tế được bán ở nhiều nơi nhưng không ai kiểm soát, dẫn đến sự nhập nhằng, trà trộn KT không rõ nguồn gốc. Ông Bùi Minh Trạng - Chánh Thanh tra Sở Y tế TP.HCM, cho biết: “KT trong bệnh viện là vật tư tiêu hao nhưng khi ra thị trường là hàng hóa thông thường. Việc mua bán, sử dụng không thuộc sự quản lý, kiểm soát của Thanh tra Sở”.

Trong khi đó, theo ông Phan Hoàn Kiếm - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM: “KT y tế do ngành y tế quản lý, nếu cơ quan y tế chủ động vào cuộc thì QLTT sẵn sàng phối hợp để kiểm tra, kiểm soát”.

 Nguyễn Cẩm

Từ khóa Khẩu trang y tế
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI