Khẩu trang, từ định kiến trở thành biểu tượng thời trang

26/03/2020 - 15:55

PNO - Giữa tháng 2/2020, khi The Woolmark Prize đưa những chiếc khẩu trang lên sàn diễn London Fashion Week, có lẽ họ không ngờ xu hướng “khẩu trang” lại trở thành dự báo khủng khiếp cho một cơn đại dịch mới khiến cả thế giới chao đảo, châu Âu rơi vào khủng hoảng.

Từ đời sống lên sàn diễn 

Từ năm 2003 đến nay, dù thế giới đã trải qua một vài trận dịch như SARS, MERS hay H1N1 nhưng chưa khi nào loài người chứng kiến một cơn đại dịch có tốc độ lây lan khủng khiếp như COVID-19, làm đóng băng mọi hoạt động, từ sinh hoạt thường ngày cho đến sản xuất. Ngành thời trang dĩ nhiên cũng nằm trong số đó.

Có lẽ, lịch sử ngành thời trang sẽ ghi nhớ và ghi dấu ấn ngày mà các nhà mốt danh tiếng, những tập đoàn chuyên sản xuất hàng xa xỉ như LVMH (sở hữu Dior, Givenchy, Louis Vuitton và 70 thương hiệu cao cấp khác), Kering (sở hữu Gucci, Yves Saint Laurent, Alexander McQueen cùng hàng loạt thương hiệu cao cấp)… thay vì tạo ra những bộ cánh đắt đỏ, những món trang sức lấp lánh, những chiếc lọ ướp hương… là nỗi thèm thuồng của biết bao phụ nữ trên thế giới, lại bắt tay vào sản xuất nước rửa tay khô, đồ bảo hộ và khẩu trang y tế như một động thái thiết thực nhất hỗ trợ chính phủ bên cạnh số tiền quyên góp cho công tác nghiên cứu vắc-xin lên đến vài tỷ USD.

Trở lại câu chuyện những chiếc khẩu trang - mà trong suy nghĩ của người phương Tây - vốn dĩ là biểu tượng của bệnh tật, của sự không khỏe mạnh. Chúng đại diện cho “nỗi sợ hãi mơ hồ, mong muốn lẩn tránh, bất lực trong việc bảo vệ bản thân và khao khát làm điều gì đó để không trở nên thụ động”. Đó là lý do người mang khẩu trang ở phương Tây thường phải hứng chịu sự kỳ thị, thậm chí là phân biệt chủng tộc. Ở khía cạnh tích cực nhất, chúng biến hóa thành những chiếc khăn che mặt chủ yếu vì khói, bụi sa mạc trong các bộ phim phiêu lưu hoặc khoa học viễn tưởng mà thôi.


Riêng với người châu Á - châu lục năng động và dĩ nhiên, nhiều ô nhiễm - khẩu trang trở thành vật bất ly thân của người già, trẻ nhỏ, phụ nữ lẫn thanh niên mỗi khi di chuyển. Độc đáo nhất trong những món hàng khẩu trang bình dân phải kể đến sáng tạo của người Việt Nam khi kết hợp giữa khẩu trang (vải) và nón thành một sản phẩm vừa có thể trùm kín từ đầu xuống cổ, vừa có thể che chắn trọn gương mặt, chỉ trừ đôi mắt.

Ở Hồng Kông, khẩu trang (đặc biệt là khẩu trang đen) trở thành một tuyên bố chính trị và là thứ để ngụy trang khỏi tai mắt của các máy quay giám sát. Chúng trở nên phổ biến đến độ chính phủ phải nỗ lực để cấm mọi người đeo. Động thái này đưa khẩu trang thành biểu tượng của sự nổi dậy.

ó lẽ vậy nên cuộc “cách mạng” những chiếc khẩu trang trên sàn diễn thời trang bắt đầu từ châu Á trước tiên, cụ thể là tại Trung Quốc.

Năm 2014, Masha Maand Yin Peng đã biến tấu khẩu trang thành phụ kiện xa xỉ lên sàn diễn, khiến các tín đồ thời trang “điên cuồng” săn lùng. Nhanh chóng nhận thấy xu thế này, ngay trong năm đó, Yoox - đối tác bán lẻ trực tuyến toàn cầu cho thời trang xa xỉ của ông trùm người Italia - Federico Marchetti, bắt tay hợp tác với các nhà thiết kế (NTK) Trung Quốc như Qiu Hao, Xander Zhou, Sankuanz cho ra mắt dòng sản phẩm khẩu trang cao cấp. Năm 2015, Masha Ma đã mang đến Tuần lễ thời trang quốc tế Paris những chiếc khẩu trang đính đá Sawarovski.

Biểu tượng yêu cầu tôn trọng sự khác biệt

Góp phần phổ biến phụ kiện khẩu trang tại thị trường Âu - Mỹ, công đầu tiên phải kể đến các ngôi sao nhạc Pop. Ariana Grande trong hai lần phát hành album vào năm 2014 và 2019, đã bán kèm album với những chiếc khẩu trang thời trang, như một điểm nhấn cho sự khác biệt (thay vì bán áo thun, băng đô như các ngôi sao vẫn làm) và cổ vũ cho hành động chống lại việc phán xét ngoại hình, gương mặt người khác.

BTS, nhóm nhạc Hàn làm mưa làm gió tại các nước Âu Mỹ, cũng đeo và quảng cáo cho các dòng khẩu trang hàng hiệu.Hai rapper người Mỹ Ayleo và Mateo Bowles (Ayo & Teo) bắt đầu đeo khẩu trang khi mọi người chế nhạo nét mặt họ nhưng chúng nhanh chóng trở thành phụ kiện đặc trưng của họ.

Rapper Future và con gái đeo khẩu trang đính đá quý đến lễ trao giải BET 2017 (giải thưởng được tổ chức hằng năm nhằm tôn vinh các nghệ sĩ người Mỹ gốc Phi và các nhóm thiểu số khác) như một cách quảng bá cho ca khúc Mask Off. Zoe Dupree, nhà tạo mẫu cho Young Thug (rapper, ca sĩ và nhạc sĩ người Mỹ) đặt tên cho phong cách này là “thời trang cao cấp chống khói bụi”. Nhưng rõ ràng, với Future, 2 Chainz, Travis Scott, Ayo & Teo và Young Thug… khẩu trang đã vượt qua giới hạn chống khói bụi để trở thành một biểu tượng cổ vũ những nhóm người thiểu số.

Quy luật tất yếu, có cầu ắt có cung, các nhà mốt không bỏ lỡ cơ hội kiếm tiền. Các thương hiệu như: Off-White, Palm Angels, Bathing Ape, Fendi hay Chanel đã tung ra các sản phẩm khẩu trang thiết kế bằng lụa, in logo, biểu tượng trứ danh của các hãng hoặc đính đá.

Các hãng nhỏ hơn như A Bathing Ape, Heron Preston, Maison Margiela và Gareth Pugh… cũng không nằm ngoài cuộc chơi. Gucci thậm chí làm riêng cho Billie Eilish (ca sĩ kiêm nhạc sĩ người Mỹ) một chiếc khẩu trang “ton sur ton” với trang phục để cô diện trong lễ Grammy 2019. Cách ăn mặc này như Billie chia sẻ, là một phần thông điệp cô muốn nhắn gửi: “Cơ thể này là của riêng tôi và chỉ dành cho mắt tôi chiêm ngưỡng mà thôi. Các bạn không có quyền chê bai”.

Một số hãng sản xuất khẩu trang chuyên biệt đã xuất hiện tại Âu, Mỹ trong những năm gần đây để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, bao gồm Vogmask ở San Francisco, công ty khẩu trang Cambridge ở Anh và AusAir ở Úc. Năm 2016, NTK Manish Arora đã kết hợp cùng hãng khẩu trang hoạt tính Vogmask cho ra mắt dòng sản phẩm mới tại thị trường Ấn Độ, vốn đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí trầm trọng.

Airinum - thương hiệu khẩu trang đến từ Thụy Điển thì hợp tác với hãng thời trang nam Nemen đến từ Italia. Theo Marie Serre, NTK người Pháp, khẩu trang đang dần thay đổi công năng của chúng từ phía người dùng. Nhưng phải qua đại dịch này, chúng mới có thể “thong thả” trở lại vị trí đó hơn là một nỗi khát khao sở hữu đến từ nỗi sợ hãi mơ hồ. 

Thư Hiên 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI