Khẩu trang mà biết… nói năng

11/02/2020 - 20:49

PNO - Thực tế, mệnh lệnh “phi thị trường” từ Chính phủ đã biến người bán khẩu trang thành tội đồ.

Ai cũng biết khẩu trang không là “tất cả”, dù trước mắt, chắc chắn nó cũng góp phần ngăn dịch bệnh đang hồi cấp bách. Ai cũng biết, người dân vẫn có thể sử dụng khẩu trang vải bình thường để mang trong sinh hoạt hằng ngày, khẩu trang y tế chỉ cần thiết khi ở trong môi trường nguy cơ lây nhiễm cao như bệnh viện. Và ai cũng biết, với người dân, tính mạng là vô giá nên cái gì chắc ăn hơn như là khẩu trang y tế thì họ sẽ không suy nghĩ bao nhiêu tiền. Thực tế, nhiều người đã mua cả loại N95 mới an tâm, mặc cho loại khẩu trang này khá đắt (80.000-120.000 đồng/cái)…

Khẩu trang 35.000 đồng/chiếc ở cảng hàng không Nội Bài. Ảnh chụp màn hình
Khẩu trang 35.000 đồng/chiếc ở cảng hàng không Nội Bài - Ảnh chụp màn hình

Trong cơn sốt khẩu trang, không thể trách và cấm người kinh doanh làm điều có lợi cho mình. Vừa có lệnh cấm bán tăng giá kèm những chế tài được Chính phủ ban ra, lập tức khẩu trang trở thành mặt hàng khan hiếm trên thị trường. Phản ứng không “tích cực” bung hàng, không tích cực tìm nguồn hàng, thậm chí găm hàng, là phản ứng bình thường của quy luật bán buôn. Họ có quan điểm rõ ràng: Khi nhu cầu tăng cao hơn cung ứng, bán bằng giá lúc không sốt để làm gì? Bán kiểu đó chỉ tổ béo các đối tượng đầu cơ “cò con” đem ra lề đường bán lại với giá cao cũng rứa, ai kiểm soát nổi? Bán giá ngang bằng hồi “bể yên sóng lặng” chỉ khiến người dân tràn vào mua đông, tăng nguy cơ lây nhiễm trong cơn đại dịch v.v…

Thị trường luôn có lý lẽ của nó, đôi lúc rất “man rợ” nên cần được điều chỉnh. Thế nhưng, thay vì cấm đoán như vừa qua, Chính phủ nên “siết phù hợp” hơn, bằng cách ấn định mức giá trần. Có thể cho 200 nghìn, hoặc lên đến 500 nghìn đồng/hộp 50 cái, nhưng tuyết đối, hễ ai bán vượt mức trần phải xử lý nghiêm. Mệnh lệnh hành chính không phù hợp buộc giới kinh doanh “bán như bình thường” đã cho thấy hậu hoạ.

Một khía cạnh khác, khi phần lớn nguyên liệu sản xuất khẩu trang chủ yếu nhập từ Trung Quốc, rốn dịch, buộc xảy ra tình trạng tăng giá, khan hiếm nguyên liệu, dẫn đến giá thành sản phẩm cũng tăng theo. Như vậy, song song động tác “siết phù hợp”, Chính phủ cần huy động lực lượng sản xuất nhằm chủ động nguồn cung, hỗ trợ tối đa sản xuất trong nước để có thể bảo đảm chặt chẽ nguồn hàng đáp ứng nhu cầu người dân.

Nói cách khác, ai cũng nhận thấy việc Chính phủ đưa ra chủ trương ngăn chặn việc đầu cơ tăng giá khẩu trang là rất đúng đắn và cần thiết. Tuy nhiên, việc này chỉ phát huy tác dụng khi Chính phủ chủ động và kiểm soát được nguồn cung. Còn làm như hiện nay, đang hứng chịu tác dụng ngược.

Hơn hết, trong tình hình hiện nay, điều quan trọng nhất là phải bảo đảm công tác phòng chống dịch và bảo vệ tính mạng người dân. Không làm được điều này, cái giá phải trả sẽ không ước định được bằng một số tiền nào cả. Dù không phải là tất cả, biện pháp tối thiểu vẫn là có đủ khẩu trang đáp ứng nhu cầu nhân dân.

Đưa ra mệnh lệnh xung đột với thị trường rõ ràng dễ gây phương hại và xáo trộn đời sống, vốn đã, đang và sẽ rất biến động trong cơn ác mộng corona chưa biết đến bao giờ mới kết thúc.

Đoàn Vệ Quốc

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(2)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI