Bà Nguyễn Thị Ngọc Bích - Chủ tịch Hội LHPN TP.HCM trò chuyện, thăm hỏi nhà văn Trần Thị Trà My
|
|
Sáng nay (ngày 4/4/2017), hội trường 4A của trường ĐH Tôn Đức Thắng (TP.HCM) đã tràn đầy cảm xúc lắng đọng, những giọt nước mắt thay nhau rơi khi những người tham dự xem lại những đoạn clip của 11 nhân vật khát vọng sống.
Không chùn bước trước nghịch cảnh, nỗi đau, mang theo khát khao cháy bỏng được sống hạnh phúc, được là người có ích, những con người ấy đã đương đầu và nỗ lực vượt qua thử thách. Sức mạnh của tình yêu, ý chí, niềm tin, lòng dũng cảm của họ đã tạo nên sự cộng hưởng to lớn trong cộng đồng, lan tỏa vẻ đẹp của những trái tim cao cả.
Họ là những con người bình dị mà kiên cường, đã biến mỗi phút giây được sống thành điều kỳ diệu.
|
Khi một người đang phấn đấu sẽ có một người luôn sẻ chia, từ đó ngọn lửa khát vọng sống sẽ mãi lan tỏa để xã hội đẹp hơn |
Sinh viên Đinh Văn Thịnh (SN 1994, quê Nam Định) luôn vượt qua nỗi đau từ bệnh dị tật xương bẩm sinh để đến trường, vượt qua nỗi ám ảnh từ lời trêu chọc của bạn bè, ước mơ lập trình của Thịnh đang đươm hoa kết trái tại khoa Công nghệ Thông tin của Trường ĐH Tôn Đức Thắng, nơi mà em được bạn bè giúp đỡ hết sức mình trong những ngày đến trường.
"Một năm nay tôi chưa được về nhà, bố cũng không có điều kiện vào thăm tôi, nhưng mỗi lần bố gọi, tôi vẫn nói với bố rằng tôi vẫn ổn. Ổn để học, để thành tài bởi vì còn nhìn, nghe, thấy và có thể học được kiến thức. Tôi khiếm khuyết nhưng tôi đã được hơn nhiều người rồi. Cuộc sống không cho mình một cơ thể hoàn hảo nhưng một tương lai hoàn hảo là do mình quyết định. Tôi tự hào vì được là chính mình", Thịnh chia sẻ.
|
Sinh viên Đinh Văn Thịnh với cơ thể teo tóp nhưng tinh thần thì to lớn, Thịnh đã vượt qua nghịch cảnh để ngày ngày thực hiện ước mơ của mình |
Với Trần Thị Huyền Trang là một sự khủng hoảng khi chứng kiến nỗi đau bệnh tật của mẹ, Trang khóc rất nhiều mỗi lần thấy mẹ đau đớn.
Một ngày, ba mẹ Trang mất, chị em Trang phải chuyển về ở với bác. Thực hiện trăn trối của mẹ trước khi qua đời, Trang luôn cố gắng để trở thành bác sĩ.
Trang nhớ lại: "Thời gian mẹ mất tôi rất suy sụp, tôi rất ích kỷ, tôi nghĩ mẹ mất, bố bỗng hóa điên dại, có khi bố cầm dao đòi giết hai chị em. Tôi không biết cầu cứu ai, tôi thèm sự quan tâm của người thân. Tôi cứ sợ không được đến trường nữa vì phải đi làm nuôi em. Tôi bơ vơ nghĩ rằng mình không thể thực hiện ước mơ của mẹ. Tôi không thể nói với ai, tôi tự ti, sợ người ta cười hoàn cảnh gia đình".
Thế nhưng khóc xong, Trang ra khỏi vỏ ốc của mình, tìm về tình thương của họ hàng thân thuộc.
Trang vươn lên trở thành sinh viên xuất sắc 6 năm liền, mơ ước của Trang lớn hơn nữa, Trang đang ngày đêm phấn đấu để trở thành bác sĩ nội trú rồi trở về quê hương phục vụ bà con nơi đây.
|
Hiện Tuấn đã tự tin để đến với con chữ, "em luôn phấn đấu để không làm gia đình và mọi người giúp đỡ em thất vọng" |
Sinh ra là một con người lành mạnh nhưng một ngày Lê Trung Tuấn nhặt được một "viên đá" em cầm lên chơi, không may "viên đá" phát nổ, bỗng chốc Tuấn trở thành người tàn tật.
Em mất hai bàn tay, chân trái ảnh hưởng nặng nề nhưng khát khao đến trường ngày một lớn, Tuấn lấy ống nhựa khoét 2 lỗ cố định cây viết bi, em ngồi tập viết trong đau đớn.
Đến hôm nay Tuấn có quyền tự hào khi mình có thể viết tròn trịa những con chữ, gặp lại bạn bè.
|
Ngoài ra, bé Minh Anh với nghị lực đến trường, đi học, bé luôn cười rạng rỡ khi nhìn thấy sách báo, truyện tranh. Minh Anh rất tình cảm, em luôn tặng kẹo cho mọi người, đi thành phố em thích nhưng cứ nhắc các bạn ở quê nhà "ở đây đẹp, vui nhưng không có bạn. Con nhớ các bạn, con nhớ bạn Hà Anh lắm. Về nhà con sẽ kể cho bạn Hà Anh nghe con được đi thành phố" |
|
20 năm trói buộc trong một căn nhà, với những tiếng ú ớ không thành lời, bao nhiêu cảm xúc, khát khao, nhà văn Trần Thị Trà My đều gửi vào những trang sách của mình. Với những bài viết đầy nghị lực, chị đã truyền cảm hứng cho đọc giả của mình. |
Như bà Lê Huyền Ái Mỹ, TBT Báo Phụ nữ TP.HCM nói rằng, không một trang giấy nào có thể nói hết một nhân vật, một đời người và những khát khao, nghị lực vươn lên như một ngọn lửa, theo thời gian những ngọn lửa cứ tiếp nối nhau tạo thành một khát vọng sống cho đời. Và họ có quyền được nhìn thấy, truyền lửa cho mỗi chúng ta
Trong chương trình ngày hôm nay, bà Lê Huyền Ái Mỹ, TBT Báo Phụ nữ TP.HCM cho biết: "Những nhân vật trong chương trình Khát vọng sống ngày hôm nay được sinh ra với biết bao nỗi đau nhưng họ đã nỗ lực từng ngày để vượt qua tất cả, sống một cuộc đời thật ý nghĩa.
Không chỉ vậy, họ cũng chính là người đã truyền lửa khát vọng cho mỗi chúng ta. Giá trị sống là hướng đến tình người, hướng đến sự sẻ chia trong cuộc sống. Nhân vật khát khao và chúng ta: những bác sĩ, những mạnh thường quân, những thương hiệu, đã cùng nhau tạo thành cánh tay nối dài để hướng đến sự sẻ chia và tiếp sức.
Báo Phụ nữ TP.HCM hiện diện ở đây như một nhịp cầu để kết nối mọi người, để khát vọng sống sẽ mãi là ngọn lửa sống tốt, sống bao dung và sống đầy nghị lực. Mong các bạn sinh viên mang theo ý chí, tinh thần vượt khó của những chiến binh hôm nay vào con đường phía trước của mình".
|
Hơn 150 sinh viên của trường ĐH Tôn Đức Thắng đã rơi nước mắt, đó là những giọt nước mắt khâm phục. Vì họ biết, nhân vật ngày hôm nay là một động lực, là người truyền lửa để các bạn sinh viên tiếp tục phấn đấu, yêu thương và chia sẻ |
|
Tiến sĩ Võ Hoàng Duy, Phó hiệu trưởng trường ĐH Tôn Đức Thắng: “Bạn có thể sống tốt, sống đẹp, có thể thực hiện những ước vọng của mình dù bất kỳ hoàn cảnh nào. Tôi hy vọng chương trình sẽ tiếp thêm nghị lực, niềm tin không chỉ đến 150 sinh viên trong hội trường mà là tất cả sinh viên Tôn Đức Thắng. Tôi hy vọng các em sẽ truyền tải thông tin đến các bạn, các em cố gắng học tập tốt hơn nữa để góp phần phát triển xã hội không chỉ lúc ra trường mà ngay hôm nay" |
|
Bà Nguyễn Thị Ngọc Bích, Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ TP.HCM và bà Lê Huyền Ái Mỹ gửi những bó hoa tươi thắm đến các bác sĩ, mạnh thường quân và đại diện các thương hiệu đã cùng Báo Phụ nữ TP.HCM thực hiện chương trình Khát vọng sống ngày hôm nay. "Giá trị sống hướng đến tình người, hướng đến sự sẻ chia trong đời sống chính là những lợi nhuận cao nhất mà báo Phụ nữ hiện diện ở đây như một nhịp cầu để kết nối mọi người để khát vọng sống sẽ mãi là ngọn lửa sống tốt, sống bao dung và sống đầy nghị lực" |
Đây là lần thứ 2 báo Phụ nữ tổ chức chương trình Khát vọng sống. Một lần nữa, ngọn lửa nghị lực được thắp sáng.
Để vượt qua hành trình đó, ngoài điểm tựa chính là tình thương gia đình, còn là một tinh thần trách nhiệm xã hội cao cả của các vị bác sĩ, thương hiệu, mạnh thường quân.
Họ chỉ nghĩ đó là công việc giản đơn mỗi ngày nhưng đó là lòng tốt, sự tử tế của mỗi con người đối với cuộc sống này. Chúng ta hiện diện ở đây không có khoảng cách, chúng ta ở đây là tình người. Không chỉ 11 nhân vật ở đây mới có khát vọng, mà tất cả chúng ta đều có những khát khao để tạo thành khát vọng sống.
Phạm An