Không thể đi đứng bình thường, phải gõ phím bằng một ngón tay, nhưng cô đã có khá nhiều tác phẩm được giới trẻ yêu thích. 'Mỗi phụ nữ đều xứng đáng và đều cần phải dũng cảm để có hạnh phúc, bởi mỗi người là một nốt nhạc của cuộc đời' - là thông điệp Trà My gửi gắm qua tác phẩm Yêu trên từng ngón tay.
Tác giả đã từng có 20 năm bức bối trong căn nhà của mình bởi những tiếng ú ớ không thành lời. Mãi đến năm 21 tuổi, cô gái ấy mới có thể nói được, nhưng vẫn chưa trơn tru. Được sự dạy bảo tận tình và kiên trì của mẹ, em gái, cô gái nhỏ chưa từng được đến trường quyết tâm học chữ và tập viết. Vì viết không được nhanh và chuẩn xác, nên thời gian sáng tác mỗi tác phẩm kéo dài rất lâu. Nhưng cô không bỏ cuộc, vì 'viết văn đến với tôi như hơi thở; những bí bách bấy lâu được giải tỏa, hạnh phúc tìm đến theo từng con chữ…'.
Trà My tự nhận mình là người hạnh phúc, vì đã biết quên đi số phận nghiệt ngã của mình để cố gắng sống, trải nghiệm và viết. Khó ai có thể hình dung một cô gái trẻ có đôi chân bị liệt, hai tay run run, yếu ớt, giọng nói khó nhọc, lại có thể viết báo, viết văn, viết kịch bản, rồi đóng phim. Năm 2013, Trà My được bình chọn là một trong 12 gương mặt người khuyết tật tài năng của Việt Nam. Khó ai có thể tường tận nỗi khổ của một đứa trẻ đêm nào cũng đợi cả nhà đi ngủ để khóc một mình.
Có lẽ My sẽ sống mãi trong những ngày bi quan, buồn chán nếu không được cha thức tỉnh. Ông luôn đối xử với cô như một đứa trẻ bình thường. Mỗi lần ngã, ông buộc con gái phải tự mình đứng dậy. Chính nhờ tình thương nghiêm khắc ấy, năm 21 tuổi, khi bắt đầu tự lo được cho bản thân, cô đã rời vùng quê Quảng Trị vào tận Sài Gòn lập nghiệp.
Trà My luôn tạo cho mọi người cảm giác cô không phải là người khuyết tật mà là người bình thường làm được những điều phi thường. Phải chăng vì cô luôn đến với cuộc đời bằng tâm thế: 'Hãy nhìn đời bằng đôi mắt của người hạnh phúc. Đã từ rất lâu rồi, tôi không coi mình là người khuyết tật…'.
Phóng viên: Trên trang facebook cá nhân, chị tự xưng là 'thiên thần sáu chân', cho thấy chị có vẻ rất hài lòng với cuộc sống. Có phải Trà My là một phụ nữ lạc quan, yêu đời?
- Đúng vậy, tôi không trốn chạy, không mặc cảm tự ti và cũng chẳng oán trách số phận. Tôi tin tất cả chỉ là thử thách, và tôi tin mỗi người sinh ra đều có sứ mệnh của riêng mình. Chẳng ai sinh ra mà hoàn hảo cả. Khiếm khuyết cũng là cách nhắc nhở chúng ta phải hoàn thiện mình mỗi ngày. Đời người khi sinh ra hay lúc chết đi, chỉ có hai bàn tay trắng. Thứ để lại cho đời lại là thái độ của chúng ta đối diện với thử thách mà đời đã sắp đặt cho ta thôi. Cuộc sống sẽ vui hơn khi bước qua những biến cố.
Trong 'ngôi nhà' trên mạng ảo, người đọc dễ hình dung một cuộc sống sôi nổi của nhà văn Trà My ngoài đời. Có vẻ chị thích hướng ngoại, quảng giao, có nhiều bạn?
- Rất nhiều và đủ thành phần của xã hội này. Từ chị bán hoa quả ngồi ở vỉa hè cho đến chính khách, doanh nhân, đại gia chìm, đại gia nổi, tôi đều xem họ là bạn, vì mỗi người bạn là một người thầy vĩ đại.
Vậy Trà My là týp người như thế nào?
- 'Dễ dãi' và 'bừa bãi' trước các mối quan hệ. Nhưng thật ra bên trong, tôi luôn có một sự sàng lọc nhất định và luôn nhớ nguyên tắc 'không ai thành công mà chỉ có một mình'. Tôi sống theo phong cách hơi Tây (cười).
Quan niệm sống của chị?
- Ai sinh ra cũng có cuộc chiến của riêng mình cả. Cuộc đời là một cuộc chiến và mỗi người là một chiến binh.
Trà My đã là người phụ nữ nỗ lực vượt qua những thử thách, khó khăn trong cuộc sống. Có bao giờ chị cảm thấy đuối sức, chán nản, mệt mỏi, muốn buông xuôi?
- Thường xuyên. Đôi khi tôi muốn tự vẫn cho xong, nhưng sau tất cả, vẫn quay lại và cảm ơn cuộc đời đã thử thách nội lực của mình. Trải nghiệm rồi chiêm nghiệm, thấy vui mà (cười thật tươi).
Vậy viết đối với chị là để thỏa mãn bản thân trước những sự kiện ăm ắp của cuộc sống hay là để bù đắp sự cô đơn?
- Thôi thì cứ thực tế tí nhé. Viết là một nghề mưu sinh. Tôi đã qua rồi cái thời bù đắp cô đơn hay viết để giết thời gian. Mình nghiêm túc với nghề thì nghề sẽ nuôi sống mình. Trải qua gần 15 năm với nghề viết lách, tôi đã có nhiều thay đổi trong tư duy và nghiêm túc xem nó là thứ đang nuôi sống mình hàng ngày. Ở nước ngoài, nghề viết là nghề hái ra tiền, sống phong lưu sau khi đã có vài cuốn sách được xuất bản. Và tôi tin trong tương lai, Việt Nam mình cũng vậy.
Cơ duyên nào đưa đẩy Trà My đến với văn chương?
- 16 tuổi, tôi mới biết được rằng mình không thể thực hiện ước mơ trở thành bác sĩ tâm lý, nên chuyển qua nghề viết văn và quyết bằng mọi giá không được từ bỏ dù có gian khổ cỡ nào. Nghề cày chữ lao lực lắm, nên ít có nhà văn nào thọ cao đâu. Viết xong một cuốn sách là tôi phải mất một thời gian để tái tạo năng lượng.
Một ngày bình thường của Trà My diễn ra thế nào nhỉ?
- Sáng đến công ty, chiều gặp gỡ bạn bè hoặc đi xem phim một mình, tối đọc sách, cày chữ, còn những ngày mệt thì sẽ đặt tất cả qua một bên và đi du lịch. Tôi mê chơi, vì có chơi mới sáng tạo được. Tôi không thích cái gì cứ lặp đi lặp lại hết ngày này qua tháng nọ, vì sẽ không sáng tạo được gì.
Ước mơ của nhà văn Trà My là gì?
- Nhiều lắm, nhưng thôi. Cuộc đời cần hành động thay vì cứ ngồi mơ mộng hay sợ hãi.
Chia tay người phụ nữ nhỏ nhắn nhưng luôn đầy ắp nghị lực và khát vọng sống, trong tôi cứ nhớ mãi những lời tâm sự của chị: 'Với tôi, mọi khó khăn trong cuộc sống cũng chỉ để thử thách, nên tôi xem đó là chuyện bình thường. Mọi thứ do mình lựa chọn thì cứ thế mà vượt qua, chứ chẳng có gì gọi là mạnh mẽ hay nghị lực cả. Có lẽ tôi sống theo tư duy của phương Tây là cần kỹ năng và cần tìm giải pháp; lúc nào bí quá, sẽ tìm sự trợ giúp. Vậy nên, tôi rất coi trọng các mối quan hệ xã hội. Ngoài ra, tôi tin vào chính mình và luôn bám sát mục tiêu đã đề ra'.
Thật vậy, có tận mắt chứng kiến những khó khăn, vất vả mà Trà My phải đối mặt và nếm trải, mới thấu hiểu phần nào những lời chia sẻ của chị. Có lẽ không chỉ riêng tôi, mà hầu như ai quen biết Trà My cũng cảm thấy lo lắng, ái ngại cho chị. Vậy mà ngược lại, Trà My còn trấn an tôi.
Chị tâm sự: 'Từ năm 19 tuổi, tôi đã đi làm trang trải cuộc sống và mua sắm vài vật dụng cho gia đình. Thuở nhỏ, nhìn cảnh ba mẹ phải đi xin đồ đạc cũ về xài, tôi xót lắm. Cả năm, tôi chỉ được mua một bộ áo quần và một đôi dép mới, còn lại toàn xin đồ cũ. Một mình ba tôi đi làm nuôi mọi người, mà lo cho ba đứa em ăn học cũng đủ bạc mặt rồi. Còn mẹ thì phải ở nhà chăm tôi. Tôi vẫn nhớ như in những bữa cơm của cả nhà chỉ toàn là bí đao với đậu hủ, họa hoằn mới mua được một lạng tôm về chia ra nấu cho hai bữa. Chính vì vậy mà tôi quyết tâm phải sống không ăn bám gia đình.
Hôm nay thì mọi thứ tạm ổn hơn một tí, do các em đã đi làm. Còn tôi ở Sài Gòn, thu nhập cũng không lấy gì là dư dả vì đó là “mặt bằng” chung của những người viết văn. Tôi sống không phải bằng nhuận bút viết sách, mà bằng nghề copywriter. Lúc trước, tôi làm cả ngày nhưng giờ chuyển qua làm bán thời gian để khỏi phải đi lại nhiều, mà lại có thời giờ viết lách. Để có được như ngày nay là nhờ những người bạn tử tế. Nếu không có họ, chắc tôi không thể tồn tại được ở mảnh đất này suốt 10 năm nay. Cho nên, cuốn sách thứ tư của tôi sẽ có tựa đề là Tin vào điều tử tế'.
Khánh Thủy
(thực hiện)
Trà My từng đoạt giải ba cuộc thi viết truyện ngắn do Trường Cao đẳng Sư phạm tỉnh Quảng Trị tổ chức năm 2006 với truyện ngắn Mặc cảm; giải khuyến khích cuộc thi Biết chữ cho cuộc sống tốt đẹp hơn do Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) phối hợp cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức năm 2009.
Những tập sách đã in của cô: Giấc mơ đôi chân thiên thần (20 truyện ngắn); Chúng ta chính là mùa xuân (39 bài tản văn); Yêu trên từng ngón tay (11 truyện ngắn).
Dự kiến trong năm nay, cuốn tản văn Tin vào điều tử tế sẽ ra mắt độc giả sau gần hai năm viết và mất gần một năm chỉnh sửa.
Ngoài viết văn, viết báo và làm copywriter, cô còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, là thành viên của Ban công tác xã hội Búp sen hồng dành cho thanh niên trẻ tại Quảng Trị, là đại sứ niềm tin của Hành trình xuyên Việt năm 2011 từ Làng Sen đến Bến Nhà Rồng do tổ chức Hành trình xanh phát động, là đại sứ thiện chí của Hành trình trên đất phù sa năm 2012 do tổ chức Tương lai xanh và Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM tổ chức.