Khát vọng “Dạ Lan” của đóa xương rồng

13/02/2024 - 19:07

PNO - Tôi cảm giác bên trong giọng nói rất nhẹ nhàng kia là khát vọng “Dạ Lan thứ hai” âm ỉ như bếp than hồng. Nghe tôi chia sẻ điều đó, chị cười: “Tôi không “định hình” được vậy đâu. Song tôi luôn mong đến một ngày gia đình Việt nào cũng có tuýp kem đánh răng được sản xuất tại Việt Nam, bằng bàn tay khối óc của người Việt Nam, từ chính các loại cây trồng mọc trên dải đất này”.

Cuộc sống nhiệm màu

Một lần tình cờ, một chuyên gia kiến tạo, đồng hành với những doanh - nông trẻ, cho tôi xem hình ảnh người phụ nữ trong tà áo dài, rạng ngời giữa hội chợ quốc tế Trung Quốc. Chuyên gia ấy nói: Bạn từng làm giúp việc. Hôm nay, bạn mang mỹ phẩm Việt do mình sản xuất từ dược liệu ra giới thiệu với quốc tế. 

Chị Nguyễn Thị Dung - nhà sáng lập hệ sinh thái thực phẩm, mỹ phẩm dược liệu
Chị Nguyễn Thị Dung - nhà sáng lập hệ sinh thái thực phẩm, mỹ phẩm dược liệu

Thông tin ấy đã thôi thúc tôi từ Hà Nội vào Đà Nẵng gặp chị Nguyễn Thị Dung - người sáng lập Công ty TNHH Sản phẩm thiên nhiên Adeva Naturals - dù cả tháng Mười miền Trung mưa lũ liên miên. Cơn mưa thê thiết cuối thu như kéo thêm ký ức từ thuở cơ hàn, gắn với vùng quê nghèo Tiên Phước, Quảng Nam của chị. Đất trung du cằn sỏi đá, chưa qua nắng hạn đã đến mưa dầm; làm nông không đủ kéo co từng bữa cơm, manh áo, nào dám mơ chi tới chuyện học hành. Dung vẫn nhớ, lứa của chị (sinh năm 1988), cả thôn chỉ có chị và một bạn nữa học trung học phổ thông, còn lại đều học hết lớp Năm rồi nghỉ. Từ ngày ấy, cô bé Dung đã một buổi đến trường, một buổi đi làm mướn lấy tiền đóng học, thuê trọ dưới thị trấn Tiên Kỳ.

Chiếc ba lô xếp gọn rời phòng trọ năm 2006 của Dung cũng chính là chiếc ba lô ngay sau đó gói ghém khát khao học lên cao nữa của cô gái nghèo. Chị không muốn ước mơ của mình trở thành gánh quá nặng của mẹ cha, nên rời quê vào miền Nam. “Ở Vũng Tàu, tôi được nhận làm giúp việc nhưng có thể vừa làm vừa học kế toán dưới sự yêu thương, giúp đỡ của ông bà mục sư. Ở đó, dù mới quen biết thôi nhưng tôi đã được các anh chị, cô chú cưu mang, hỗ trợ rất nhiều” - Dung xúc động kể.

Từ trái nhàu trên đất mẹ

Ngày học xong, Dung ngược ra Đà Nẵng tìm việc với suy nghĩ giản đơn là được gần nhà. Sau vài năm đều đều với công việc văn phòng, chị xây dựng gia đình. Có tếu táo, có bùi ngùi, chị nhớ: “Đám cưới thời ăn chưa no, lo chưa tới. 2 đứa chạy khắp nơi mới mượn được 2 triệu đồng, đặt thiệp cưới mất 700.000 đồng, còn 1,4 triệu đồng để sắm nhẫn cưới. May rồi cũng kiếm được cặp nhẫn hơn 1,3 triệu đồng. Cưới xong, 2 đứa ở trong gian phòng trọ có giá rẻ nhất Đà Nẵng lúc bấy giờ - 350.000 đồng/tháng…”.

Nhàu là nguyên liệu chủ đạo trong mỹ phẩm và thực phẩm của Adeva
Nhàu là nguyên liệu chủ đạo trong mỹ phẩm và thực phẩm của Adeva

Là kế toán của một đơn vị chuyên về marketing trực tuyến, ngoài chuyên môn, chị cũng tập làm nhân viên kinh doanh, đi gặp gỡ khách hàng, rồi tập bán hàng online để có thêm đồng ra đồng vào nuôi con nhỏ. Từ những mối duyên và cũng là nỗ lực ấy, Dung cộng tác bán hàng với một doanh nghiệp Hàn Quốc tại Đà Nẵng. Chị rất ngạc nhiên khi biết các sản phẩm của họ được chế biến từ trái nhàu. Ngoài khuôn viên họ trồng nhàu, trong công ty là hình ảnh trái nhàu cùng công dụng của nó (bằng chữ Hàn) được dán khắp nơi. Trong khi ở quê chị, nhắc đến trái nhàu là bà con chun mũi, nhăn mặt: “thúi hoắc”, “nhà tôi mọc nhiều lắm, phải chặt bỏ”… Cảnh trái ngược ấy thôi thúc chị tìm đọc tài liệu cả tiếng Việt và tiếng Anh về cây nhàu, trái nhàu. Càng đọc, chị càng hiểu vì sao người Hàn lại chuộng nhàu; cũng càng xót xa cho thân phận trái nhàu quê mẹ, và tiếc vì bà con chưa biết đến giá trị sức khỏe lẫn kinh tế mà nhàu mang lại.

Sau 2 năm “thực chiến” với các sản phẩm từ trái nhàu, chị Dung quyết định mở xưởng. Người dân ở quê nhà Tiên Phước được chị vận động trồng nhàu. Một số hợp tác xã ở huyện Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam) cũng liên kết trồng nhàu cho chị. Và trà nhàu, bột nhàu, nước cốt trái nhàu... của chị đã xuất bán cho người Hàn.

Chọn nông nghiệp chế biến công nghệ cao đã khó, chọn làm mỹ phẩm từ nhàu còn khó hơn, song Dung bảo, lối ấy hẹp, ít người đi. Vì đại đa số trên thị trường, các sản phẩm khởi nghiệp từ trái nhàu đều là trà, bột hoặc nước cốt. Vậy là mặt nạ trái nhàu, kem dưỡng da trái nhàu, kem chống nắng trái nhàu… ra đời theo tiêu chuẩn của Hàn Quốc. Ngạc nhiên là, một phần không nhỏ khách hàng chọn chúng lại là du khách Hàn Quốc và Trung Quốc, những nơi có nền công nghiệp mỹ phẩm và công nghệ chế biến dược liệu hàng đầu thế giới.

Phải “lớn” để bà con có việc làm

Sau 3 năm, dòng mỹ phẩm từ dược liệu của chị Dung đã có lượng khách hàng ổn định, trung thành. Từ dăm bảy lần chuyển nhà trọ, vợ chồng chị Dung cũng có được ngôi nhà riêng ở thành phố Đà Nẵng và xưởng sản xuất ở huyện Hòa Vang. Chị bảo, nếu chỉ riêng với gia đình, thì vợ chồng chị duy trì sản xuất mỹ phẩm, thực phẩm, gia công xà bông… như hiện nay là đủ sống. Nhưng phía sau còn là nhân viên, là các thành viên trong hợp tác xã sản xuất thực phẩm từ trái nhàu, hợp tác xã trồng dược liệu hữu cơ ở Quảng Nam, chưa kể những nông hộ trồng nhàu khác. Nếu chị không “lớn” thì làm sao tạo được nhiều công ăn việc làm cho bà con, làm sao cây cỏ trên đất này trả lại được cho con người những giá trị xứng đáng?

2 năm trước, người Hàn Quốc đưa công thức và thuê công ty của chị gia công kem đánh răng từ dược liệu. Dùng thử kem đánh răng của họ, thấy khó chịu cả về mùi lẫn vị nên chị quyết định sang Thái Lan tìm loại kem đánh răng dược liệu vừa sạch, thơm, vừa dễ chịu của người Thái. “Xem thành phần - thì thấy tất cả đều có ở nhà mình” - chị Dung kể.

Phải mất 1 năm nghiên cứu tìm công thức, thử nghiệm tái hồi, dòng kem đánh răng thuần dược liệu của chị Dung mới có thể đưa ra thị trường. Chị xác định, đây là sản phẩm tiền đề để mở rộng sản xuất và hợp tác. Chị cũng luôn khát khao mỗi gia đình Việt đều có 1 tuýp kem đánh răng từ thảo dược Việt, do người Việt sản xuất. “Nhưng nếu hỏi tôi mong muốn sản phẩm nào được tiêu thụ nhiều nhất thì đó lại là xà bông dược liệu, sản xuất bằng phương pháp nguội truyền thống. Bởi sản phẩm này mang nhiều tính thủ công nên cần nhiều người làm. Tiêu thụ tốt thì công nhân mới tăng thêm thu nhập” - chị Dung tâm sự. Hiện xưởng của chị có thể sản xuất 1.000 bánh xà bông mỗi ngày.

Hôm diễn ra hội thảo “Thực trạng quản lý mỹ phẩm và định hướng quản lý mỹ phẩm trong thời gian tới” do Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) tổ chức, ở sảnh khách sạn lớn nhất thành phố Huế, gian trưng bày sản phẩm của Adeva lọt thỏm giữa các gian hàng mỹ phẩm nổi tiếng thế giới. Các gian hàng đa quốc gia bày biện rất đẹp, mà Adeva chỉ có rổ nhàu là đặc trưng cùng nhà sáng lập đậm chất doanh - nông. Chị Dung thẳng thắn nhận Adeva của chị rất khó sánh được với các tập đoàn đa quốc gia về nhiều điều kiện, nhưng việc hiểu từng nhành cây ngọn cỏ mọc trên đất Việt nói chung, trên dải đất miền Trung nắng mưa thất thường nói riêng, thì chị rất tự tin. 

Nhiều người nói, chị “lao vô” mỹ phẩm thì sao có thể cạnh tranh với hàng Thái, Hàn, Trung... Khởi nghiệp sản xuất mỹ phẩm thảo dược chưa bao giờ là dễ dàng, nhưng nếu không đi, thì làm sao biết được trên con đường ấy có những dư vị ngọt ngào” - chị bảo. 

Ngọc Minh Tâm

Ảnh do nhân vật cung cấp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI