“Khát” nhân viên y tế học đường

28/01/2022 - 17:34

PNO - Giải bài toán “khát” nhân viên y tế học đường, nhiều trường đã sử dụng cộng tác viên, văn thư, thậm chí phó hiệu trưởng phải kiêm nhiệm.

Phó hiệu trưởng làm… nhân viên y tế

Từ khi học sinh trở lại trường vào giữa tháng 12/2021, Trường THPT Dương Văn Thì (TP. Thủ Đức) vẫn phải sử dụng cộng tác viên là sinh viên học y làm nhân viên y tế học đường.

Hiệu trưởng Nguyễn Thị Thanh Trúc chia sẻ, do dịch bệnh kéo dài nên nhân viên y tế của trường đã nghỉ về quê. Khi học sinh đi học lại dù nhà trường đã tìm kiếm nhiều nhưng không thể tuyển được người mới.

Nhiều trường đang kiêm nhiệm nhân viên y tế học đường
Nhiều trường đang thực hiện kiêm nhiệm nhân viên y tế học đường

“Toàn trường có 1.274 học sinh. Trong mỗi buổi học có khoảng gần 700 học sinh. Do là cộng tác viên nên họ không thể túc trực thường xuyên ở trường. Để kịp thời xử lý những tình huống xảy ra, đội ngũ giáo viên chủ nhiệm, nhân viên nhà trường vẫn luôn phải túc trực thường xuyên trong mỗi buổi học”, Hiệu trưởng Nguyễn Thị Thanh Trúc nói. 

Đội ngũ giáo viên nhà trường cũng đã được cử đi tập huấn về lấy mẫu xét nghiệm. Hơn nữa, khâu tập huấn xử lý tình huống có F0 trong trường cũng được nhà trường làm thường xuyên, nhuần nhuyễn cho đội ngũ. 

“Đến thời điểm này, sau một tháng rưỡi học sinh trở lại trường, mọi công tác phòng dịch đều được nhà trường làm tốt, các tình huống có F0 xuất hiện trong trường cũng được đội ngũ xử lý đúng quy trình, không hoang mang. Tuy nhiên, về lâu dài, vẫn phải cần có nhân viên y tế học đường chuyên trách, bởi không chỉ có phòng chống dịch mà còn là nhiều bệnh lây nhiễm và không lây nhiễm khác trong trường học…”, cô Nguyễn Thị Thanh Trúc bày tỏ. 

Đầu tháng 4/2021, nhân viên y tế học đường Trường mầm non Quận 11 về hưu. Công tác tuyển dụng gặp khó, trường đã giao nhân viên văn thư kiêm nhiệm thêm công tác y tế.

Hiệu trưởng Nguyễn Phi Phượng cho hay, nhân viên văn thư đã có thời gian dài hỗ trợ cho nhân viên y tế trong công việc, thường xuyên được cử đi tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ y tế. Nhưng do không có chứng chỉ về ngành y nên nhân viên này không được phép cho trẻ uống thuốc tại lớp mà chỉ ghi lại, phụ huynh sẽ là người cho uống, phần nào cũng gây khó khăn cho nhà trường khi trẻ đi học lại.

Tại Trường mầm non 14 (Q. Tân Bình), kế hoạch đón trẻ đi học lại sau tết đã gần như sẵn sàng. “Tuy nhiên, khó khăn hơn cả là nhà trường chưa có nhân viên y tế mà phó hiệu trưởng nhà trường đang kiêm nhiệm nhiệm vụ này”, Hiệu trưởng Phan Thị Ánh Hiệp cho hay.

Ngành y tế sẵn sàng phối hợp bồi dưỡng, “cầm tay chỉ việc”

Tại buổi khảo sát về việc dạy học trực tiếp tại Q.1 mới đây, Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Hữu Hưng cho biết, ngành y tế và ngành giáo dục đã có đề xuất HĐND TP có ý kiến về kiện toàn đội ngũ y tế học đường, vì đây là sự cần thiết trong việc chăm sóc sức khỏe của học sinh.

“Trong trường hợp nếu chưa kiện toàn được thì ngành y tế sẵn sàng phối hợp với ngành giáo dục để bồi dưỡng chuyên môn, “cầm tay chỉ việc…”, ông Hưng nói. 

Trước bài toán nhiều trường học đang phải kiêm nhiệm nhân viên y tế học đường, để việc đón học sinh trở lại trường đảm bảo an toàn phòng dịch cao nhất, theo ông Nguyễn Hữu Hưng, các trường cần xây dựng kế hoạch phòng chống dịch bám sát với tình hình của trường.

Song song đó, kiện toàn lại ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của trường; xây dựng cụ thể phương án xử lý khi có F0, F1 trong trường; chuẩn bị phòng cách ly, phòng dự trữ khi trong lớp có trường hợp F0. 

Ngành y tế sẵn sàng bồi dưỡng, cầm tay chỉ việc để kiện toàn lại đội ngũ nhân viên y tế học đường
Ngành y tế sẵn sàng bồi dưỡng để kiện toàn lại đội ngũ nhân viên y tế học đường

Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Dương Trí Dũng cũng lưu ý, thực hiện công tác phòng chống dịch trong trường học thì từng thành viên một nhiệm vụ, từ ban chỉ đạo phòng chống dịch, tổ an toàn COVID, cho đến giáo viên. Tuy nhiên, không làm thay vai trò của ngành y tế mà phải luôn phối hợp chặt chẽ với y tế địa phương, tránh trường hợp đưa ra nhận định, kết luận chuyên ngành y tế không đúng dẫn đến việc đưa ra hướng xử lý không phù hợp. 

“Quan trọng nhất là nhà trường phải giữ mối liên hệ thường xuyên với phụ huynh, kịp thời thông tin các hoạt động cụ thể trong trường, thông tin hai chiều các vấn đề phát sinh. Việc tập huấn tình huống phát sinh không chỉ đối với đội ngũ mà còn thông tin cụ thể với phụ huynh để phụ huynh hiểu, cùng phối hợp nhịp nhàng…”, ông Dương Trí Dũng nói

Én Bông

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI