Khát khao nâng cao giá trị hạt muối Cần Giờ

02/10/2023 - 06:55

PNO - Khát khao đó đã khiến chị Nguyễn Thị Bạch Tuyết - chủ cơ sở sản xuất muối Ngọc Long Thiềng Liềng (ấp Thiềng Liềng, xã Thạnh An, huyện Cần Giờ) - trăn trở, tìm hướng đi và cho ra đời dự án “Muối thảo dược Cần Giờ”.

Dự án được trao giải Nhì tại vòng chung kết cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa” năm 2023 vùng miền Nam và là dự án duy nhất của TPHCM lọt vào vòng chung kết cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp toàn quốc năm 2023.

“Muối thảo dược Cần Giờ” được giới thiệu, quảng bá tại hội chợ giới thiệu sản phẩm khởi nghiệp Ocop của phụ nữ khu vực miền Nam được tổ chức tại tỉnh Bến Tre từ ngày 13-15/9 vừa qua
“Muối thảo dược Cần Giờ” được giới thiệu, quảng bá tại hội chợ giới thiệu sản phẩm khởi nghiệp Ocop của phụ nữ khu vực miền Nam được tổ chức tại tỉnh Bến Tre từ ngày 13-15/9 vừa qua

Thêm trải nghiệm cho du khách

Đến tham quan ấp đảo Thiềng Liềng, du khách khó có thể từ chối trải nghiệm những dịch vụ của hộ Năm Tuyết. Có rất nhiều lý do khiến du khách ghé lại nơi đây. Thứ nhất, hộ Năm Tuyết nằm ở vị trí khá đẹp với không gian nhà vườn rộng rãi, mát mẻ được đầu tư, chăm chút cẩn thận.

Ngồi trên những chiếc ghế mây tre hướng tầm mắt về phía trước, du khách có thể cảm nhận đầy đủ cuộc sống vất vả của diêm dân bởi cánh đồng muối trải rộng dài trước mắt. Thứ hai, đến với hộ Năm Tuyết, du khách sẽ được trải nghiệm dịch vụ “ngâm chân thư giãn”.

Có thể nói, ngoài ăn uống, lưu trú, thì đây là dịch vụ thư giãn duy nhất trong chuỗi dịch vụ du lịch cộng đồng ở Thiềng Liềng. Bên cạnh đó, ở đây, du khách có thể lựa chọn các sản phẩm từ muối mang về làm quà tặng người thân. 

Người đã mang đến cho du khách những trải nghiệm khác biệt ấy là chị Nguyễn Thị Bạch Tuyết. 

Xuất thân là thợ làm tóc, quê ở Đồng Nai, từ khi lấy chồng, về làm dâu ấp đảo Thiềng Liềng, cuộc sống của chị Tuyết gắn liền với hạt muối. Và giống như đa phần người dân nơi đây, hạt muối làm ra chỉ để bán thô cho thương lái.

Toàn huyện Cần Giờ có hơn 1.542ha đất sản xuất muối với sản lượng là 87.527 tấn vào năm 2023. Riêng ấp Thiềng Liềng có khoảng 80ha được quy hoạch sản xuất muối với 80% hộ dân sống bằng nghề làm muối. Tuy nhiên, nghề này bấp bênh bởi thời tiết thất thường, giá muối không ổn định, nên cuộc sống của người làm muối cũng bấp bênh theo.

Thêm vào đó, công việc làm muối nặng nhọc khiến nhiều chị em tuổi 40 trở đi không kham nổi; 6 tháng mùa mưa, diêm dân thất nghiệp… Lo cho nghề muối dần bị mai một, chị Tuyết nghĩ nhiều đến việc làm sao để có thêm đầu ra cho hạt muối, tạo thêm việc làm từ hạt muối.

“Nếu nâng cao được giá trị của hạt muối bằng nhiều sản phẩm đa dạng thì không chỉ giải quyết được việc làm cho chị em, giúp đời sống diêm dân được cải thiện, mà còn phát huy và gìn giữ được nghề truyền thống của cha ông” - chị Tuyết chia sẻ. 

Trăn trở đó luôn thôi thúc chị. Năm 2019, khi các đoàn công tác về ấp Thiềng Liềng khảo sát làm mô hình du lịch cộng đồng, ý tưởng nâng cao giá trị hạt muối lại càng rõ hơn khi chị Tuyết đặt vấn đề với các chuyên gia: “Khách đến Thiềng Liềng có gì để trải nghiệm, có gì để mang về làm quà tặng? Nếu không tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương thì du lịch cộng đồng cũng sẽ khó phát triển”.

Ý nghĩ đó khiến chị cùng người nhà bắt đầu mày mò làm muối ớt, muối tiêu. Rồi từ muối ăn, họ đã nâng tầm lên thành sản phẩm chăm sóc sức khỏe là muối thảo dược.

Dịch COVID-19 khiến mọi thứ phải tạm dừng. Cuối năm 2022, khi Sở Du lịch TPHCM thành lập Hợp tác xã Thương mại dịch vụ du lịch cộng đồng ở Thiềng Liềng, chị Tuyết mới mạnh dạn bắt tay thực hiện ý tưởng. Cơ sở sản xuất muối Ngọc Long Thiềng Liềng ra đời từ đó.

Chị Nguyễn Thị Bạch Tuyết giới thiệu sản phẩm “Muối thảo dược Cần Giờ” với du khách
Chị Nguyễn Thị Bạch Tuyết giới thiệu sản phẩm “Muối thảo dược Cần Giờ” với du khách

Nâng cao giá trị, đưa hạt muối vươn xa

Hiện tại, thị trường “Muối thảo dược Cần Giờ” nhắm tới là khách hàng du lịch tại các khu vực sinh thái, khách quan tâm đến giải độc chân, thư giãn tại nhà, tại spa, chăm sóc sức khỏe chủ động…

Chị Tuyết cho biết, từ đầu năm 2023, khi điểm đến du lịch cộng đồng Thiềng Liềng ra mắt đến nay, đã có gần 1.500 khách du lịch trải nghiệm sản phẩm và mua về gần 2.000 túi muối thảo dược. Trung bình, sau khi trải nghiệm, hơn 50% khách hàng đã mua về sử dụng và làm quà biếu cho người thân bởi tính hiệu quả, giảm đau.

Lợi nhuận mà sản phẩm này mang lại cho cơ sở là hơn 30%, đồng thời tạo việc làm ổn định cho 10 chị em. Kết quả đó khiến chị Tuyết tin tưởng dự án sẽ thành công. Tuy nhiên, hành trình đi đến thành công sẽ không dễ dàng. Khó khăn lớn nhất hiện nay là chi phí vận chuyển sản phẩm còn rất cao. Chưa kể các chi phí cho tem, hũ, bao bì giá thành cũng khá cao. 

Và để sản phẩm vươn xa, được nhiều người biết đến, chị Tuyết quyết định đưa dự án tham gia cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp. Chị hy vọng, đây là cơ hội để quảng bá thương hiệu, để sản phẩm được chuyển giao cho các tỉnh, thành sản xuất muối trên cả nước, từ đó, mang lại giá trị cao cho muối Việt và khẳng định vị trí của muối Việt trên thế giới.

Chị khẳng định, sự kết hợp giữa muối Cần Giờ và dược liệu tạo thành sản phẩm muối ngâm chân thay cho cách sử dụng muối ăn như bấy lâu nay rất được người tiêu dùng yêu thích. 

“Trong tương lai, huyện Cần Giờ sẽ là thành phố du lịch sinh thái, sản phẩm rất dễ tiếp cận được nguồn du khách từ các nơi đổ về, kể cả khách nước ngoài. Nếu được hỗ trợ công nghệ, trang thiết bị máy móc, cơ sở sẽ cho ra đời thêm nhiều sản phẩm chất lượng hơn nữa để hạt muối ngày càng được phát triển bền vững” - chị Tuyết tin tưởng.

Còn chúng tôi hy vọng, việc lọt vào vòng chung kết cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa” của “Muối thảo dược Cần Giờ” sẽ là khởi đầu cho hành trình xa hơn của hạt muối Cần Giờ. 

2.024 dự án tham gia cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp năm 2023

Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp năm 2023 với chủ đề "Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa" đã thu hút 2.024 dự án, vượt xa con số 1.549 dự án của năm 2021.

Theo bà Trần Lan Phương - Phó chủ tịch Hội LHPN Việt Nam - con số trên chứng minh ý chí quyết tâm, nỗ lực của hội viên, phụ nữ trong phong trào quốc gia khởi nghiệp. Đây là sức sống mới, là tiềm năng cần được cổ vũ, phát huy, tiếp sức để các ý tưởng trở thành hiện thực, giúp phụ nữ trở thành nữ chủ doanh nghiệp phát triển bền vững trong tương lai và tạo việc làm cho nhiều lao động, trong đó phần lớn là lao động nữ.

“Đặc biệt hơn, các đề án khởi nghiệp năm nay được hình thành từ nguồn tài nguyên bản địa của địa phương, với mục tiêu giảm thiểu tác động tiêu cực lên môi trường, thúc đẩy giá trị văn hóa, truyền thống, tạo ra các sản phẩm, dịch vụ độc đáo, có giá trị thương mại cao, đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu” - bà Trần Lan Phương nhận định.

Vòng chung kết cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa” năm 2023 sẽ diễn ra vào tháng Mười sắp tới. Cuộc thi được tổ chức nhằm mục đích tìm kiếm, lựa chọn, trao giải và hỗ trợ ươm tạo, nâng cao năng lực cho phụ nữ, các tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp mới thành lập do phụ nữ làm chủ, tham gia quản lý có các ý tưởng, dự án khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh xuất sắc.

Từ đó giữ gìn, phát huy và nâng cao giá trị tài nguyên bản địa, góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội và chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030.

 

Thu Lê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI