Khát khao lớn nhất của cha mẹ già là... được trò chuyện với con

03/11/2018 - 06:00

PNO - Suy cho cùng, mưu cầu lớn nhất của con người từ xưa đến nay nào phải là vật chất mà chỉ là một chữ “tình” không hơn không kém.

Bỏ tôi ở đầu hẻm, chồng không quên nói với theo: “Em cố gắng nhanh nhé. Bà bắt được em chắc đến khuya không cho về”. Lò dò đi trong con hẻm loằng ngoằng đến nhà bà mà đầu cứ ong ong câu nói của chồng, lòng dâng lên nỗi niềm ái ngại và thương yêu đến lạ.

Khat khao lon nhat cua cha me gia la... duoc tro chuyen voi con
Suy cho cùng, mưu cầu lớn nhất của con người từ xưa đến nay nào phải là vật chất mà chỉ là một chữ “tình” không hơn không kém. Ảnh minh họa

Bà là mẹ chồng của em gái tôi. Vì em ở xa, nên thi thoảng dịp lễ, tết tôi hay đến thăm và biếu bà chút quà. Lần nào đến cũng không dứt ra về sớm được. Bao nhiêu chuyện, như ly nước đầy chực tràn, có dịp là trào ra. Phải chăng đã lâu lắm rồi không có ai ngồi để nghe bà nói?

Mấy lần ngồi với bà, tôi bỗng dưng nghĩ đến mẹ mình và cả mẹ chồng. Hai bà mẹ tôi cũng thế, rất thèm có người để nói. Có dịp là mải miết những chuyện xưa cũ, rồi chuyện hàng xóm mới mua con chim sáo, cái chân khua lạo xạo như con gì cắn trong đó, thằng bé con nhà ai khóc đêm nghe tội quá...

Những chuyện ngày xửa ngày xưa và vặt vãnh ấy liệu mấy ai trong chúng ta đủ yêu thương, thấu hiểu để kiên nhẫn ngồi nghe? Phải chăng chúng ta nghĩ sắm ti vi hiện đại, có cáp internet, tủ lạnh đầy đủ đồ ăn, bỏ vào túi bà ít tiền, hoặc mua tour đi du lịch là bà đã đủ đầy sung sướng, coi như ta đã viết gần tròn chữ hiếu rồi?

Suy cho cùng, mưu cầu lớn nhất của con người từ xưa đến nay nào phải là vật chất mà chỉ là một chữ “tình” không hơn không kém.

Chẳng phải ở đô thị đèn ngọn xanh ngọn đỏ, biết bao người đã từng thương nhớ khôn nguôi những đêm trăng treo vành vạnh nơi bụi tre sau hè đó sao? Chẳng phải trong ê hề món ngon vật lạ biết bao người nhớ quay quắt một củ khoai lùi nóng hổi vào những ngày mưa lạnh buốt đó sao? Đó không chỉ tâm lý thường hay ngóng vọng về những gì đã mất của con người, mà bởi lẽ những cái ngỡ như giản dị bình thường ấy thấm đẫm ân tình không sao quên được: tình quê, tình bạn, tình thân... 

Một chữ “tình” thôi nhưng liệu ta đi hoài có trọn?

“Một năm, hai đứa về có hai lần à con. Bác nhớ lắm nhưng biết làm sao giờ”. Tôi thấy mắt bà lấp lánh như có nước. Bà chỉ có hai đứa cháu, một tay bà chăm bẵm ngót nghét mười năm. Tôi đã từng thấy bàn tay nhăn nheo băm từng miếng thịt nấu cháo cho cháu. Tôi từng thấy bà đưa nôi, hát ru cháu giọng khản đặc.

Con trai và con dâu bà ly hôn. Hai đứa cháu bị cha mẹ lôi vào cuộc chiến thù hận, tranh chấp tài sản... Các con về ở với mẹ. Trẻ con mau quên, đi học rồi bạn bè, một năm về thăm nội hai lần trong chốc lát. Lâu dần, như cây xanh bị bỏ quên không tưới tắm chẳng khác gì người xa lạ. Tựa có cây dằm vô hình xuyên vào tim, quên thì thôi, nhớ con thương cháu rồi thương mình, bà khóc. Vậy là huyết áp lên, người xây xẩm, bần thần: “đi đâu mà vui, ăn cái gì mà ngon nữa cháu”. 

Chào bà ra về mà lòng tôi cứ quẩn quanh về nỗi lòng của cha mẹ già. Có khi nào mình đã sai rồi không, khi tôi nắm tay bà nói một câu hệt như từng nói với mẹ mình: “Đừng nghĩ đến chuyện gì cả bác nhé. Con cháu có cuộc đời của chúng. Bà khỏe vui là được”. Liệu người ta có làm thế được không khi kia là con này là cháu? Là núm ruột, là tình thương, máu chảy mà ruột không đau, không mềm sao? Người ta liệu có thể vui một niềm vui lẻ loi không? Có thể khỏe mạnh được không khi tâm trí lo lắng xót xa?

Có lần tôi đọc đâu đó một câu mà nhiều người bây giờ hay đem ra coi như là phương châm sống: hãy sống vì mình, đừng quan tâm đến suy nghĩ của bất kỳ ai. Câu ấy không sai, bởi lẽ nó khích lệ cách sống có bản lĩnh, dám chịu trách nhiệm với đời mình, quyết liệt tìm hạnh phúc cho bản thân, không vì ai mà cam chịu. Thế nhưng cũng chưa hẳn đúng. Vì tự ái nhất thời của mình làm tổn thương đến tình cảm bà cháu, làm mất đi ký ức tình thâm quý giá của con liệu có đúng? Cái gì cảm giác không dùng nữa, không hợp nữa là vứt đi? Tình thân máu mủ ruột rà muốn là vứt sao? Tổn hại đến trẻ con, đau lòng cha mẹ, những người đã dốc gần cạn sức cho một cuộc đời dài, có lẽ là những thứ chúng ta nên cân nhắc nhất trong đời mình. 

Vì chữ “tình” mà hàn gắn những tổn thương để sống. Mình trẻ, đôi chân hãy còn khỏe lắm, tiếng nói hãy còn to lắm, bàn tay hãy còn nắm được nhiều thứ lắm. Còn người già thì yếu lắm, chân họ không bước xa hơn bậu cửa. Nên mình phải vì tình với người chứ không hẳn chỉ vì mình mà sống. Bởi lẽ đời này có lẽ sống nào đẹp hơn là sống biết nghĩ cho người. 

Triệu Vẽ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI