Khát khao giữ gìn bản sắc văn hóa với “Khát vọng Sen”

14/10/2024 - 08:03

PNO - Tối 13/10, tại trung tâm hội nghị - triển lãm tỉnh Bình Dương, nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen (TPHCM) đã dự thi Liên hoan Ca múa nhạc dân tộc toàn quốc 2024 (đợt 2) với vở nhạc vũ kịch “Khát vọng Sen”.

Khát vọng Sen lấy cảm hứng từ chính lao động sáng tạo của những người nghệ sĩ múa, đặc biệt là những nghệ sĩ múa dân gian vẫn luôn nỗ lực giữ lửa đam mê giữa vòng xoáy thời đại.

Vở diễn mở ra với điệu múa sen rất quen thuộc
Khát vọng Sen mở ra với điệu múa sen rất quen thuộc.

Vở diễn kể câu chuyện về tình yêu đẹp của Sen – một diễn viên chuyên ngành múa dân gian và Việt – chàng nghệ sĩ múa lớn lên ở trời Tây. Cả 2 cùng nhau trải qua những cảm xúc ngọt ngào của tình yêu cuồng nhiệt, nhưng cùng với đó là những trăn trở, nỗi niềm khi lý tưởng và hoàn cảnh sống khác xa nhau.

Khát vọng Sen còn là hành trình tìm về nguồn cội của Việt.
Khát vọng Sen còn kể về hành trình tìm về nguồn cội của Việt.
Tình yêu của Sen và Việt còn là sự hòa điệu giữa những tâm hồn nghệ sĩ.
Tình yêu của Sen và Việt còn là sự hòa điệu giữa những tâm hồn nghệ sĩ khát khao tận hưởng mọi khoảnh khắc cuộc sống.
Lớp diễn thể hiện đặc trưng của đường phố Sài Gòn - TPHCM thu hút khán giả xem vở.

Sen có niềm đam mê mãnh liệt với nghệ thuật múa dân gian được người cha thương yêu dạy dỗ, trao truyền. Việt cũng được mẹ uốn nắn từng nhịp ballet thuở ấu thơ và mong muốn đưa người yêu cùng phát triển ở nước ngoài. Cả Sen và Việt sẽ lựa chọn như thế nào để vẫn giữ lửa đam mê và vẹn nguyên một tình yêu?

Liệu tình yêu và sự thấu hiểu có giúp Sen và Việt về lại bên nhau?
Liệu tình yêu và sự thấu hiểu có giúp Sen và Việt về lại bên nhau?
Lớp diễn kết vở Khát vọng Sen.

Khát vọng Sen có đội ngũ chế tác hùng hậu, gồm: kịch bản văn học của nghệ sĩ nhân dân (NSND) Thanh Thúy - NSND Công Nhạc, NSND Trần Ngọc Giàu - Nguyễn Lương Tuấn đạo diễn, nhạc sĩ Đặng Tiến Đạt chỉ huy dàn nhạc…

Phần âm nhạc có sự góp sức của các nhạc sĩ: Nguyễn Đức Trịnh, Vũ Quang Trung, Nguyễn Đức, Đặng Tiến Đạt (Đạt Kìm), Lâm Trần Quang, Vũ Bá Nha, Đức Tân, Nguyễn Minh Phát, Lê Anh Tuấn.

Phần song tấu tranh - sáo của nghệ sĩ Võ Thị Ánh Nguyệt và Đinh Nhật Minh
Phần hồi tưởng về cha và mẹ của Sen và Việt được thể hiện qua màn song tấu tranh - sáo của đôi nghệ sĩ Võ Thị Ánh Nguyệt - Đinh Nhật Minh cùng tốp múa nam nữ.

Phần biên đạo có sự phối hợp của: nghệ sĩ ưu tú Tạ Thùy Chi, Phạm Thế Chung, Vũ Minh Tân, Trần Văn Tuấn, Huỳnh Đoan Trinh, Võ Thị Kim Thơ, Đoàn Văn Lý, Trần Quốc Bảo, Phan Khánh Toàn, Nguyễn Khôi Nguyên, Nguyễn Thị Thảo Nhi.

Vở diễn có sự tham gia của khoảng 50 diễn viên, nhạc công, ca sĩ là lực lượng biểu diễn chủ lực của nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen với phần lớn còn rất trẻ.

Các diễn viên trẻ được tin tưởng
Vở diễn tạo cơ hội rèn nghề cho nhiều diễn viên trẻ.

“Sức trẻ này cũng là đặc điểm nổi bật của đoàn TPHCM tại Liên hoan Ca múa nhạc dân tộc toàn quốc năm nay, cũng thể hiện tinh thần tác phẩm là khát khao bảo vệ, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc của thế hệ trẻ. Đây là lực lượng kế thừa đang được tích cực bồi dưỡng.

Sau liên hoan, Sở và nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen cũng sẽ tính toán để nâng cấp, tổ chức lại Khát vọng Sen hướng đến phục vụ hoạt động du lịch” – NSND Thanh Thúy, phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM cho biết.

NSND Thanh Thúy (thứ hai từ trái sang)
NSND Thanh Thúy (thứ ba từ trái sang) chúc mừng các nghệ sĩ hoàn thành chương trình thi.

Liên hoan Ca Múa Nhạc toàn quốc - 2024 (đợt 2) do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao Cục Nghệ thuật biểu diễn chủ trì, phối hợp với Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương tổ chức tại tỉnh Bình Dương từ ngày 29/9 đến 15/10. Liên hoan quy tụ gần 1.500 nghệ sĩ đến từ 24 đơn vị ca múa nhạc chuyên nghiệp trên toàn quốc.

Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen là đơn vị thi diễn cuối cùng. Lễ tổng kết và trao giải sẽ diễn ra vào tối 15/10.

Đông A

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI