Khắp nơi rao bán nhà đất “ngộp”

05/01/2023 - 18:49

PNO - Lãi suất vay của ngân hàng tăng cao khiến giao dịch mua bán bất động sản đình trệ, chủ bất động sản như ngồi trên lửa.

Chủ "ngộp" ngân hàng

“Hàng ngộp cần bán gấp”, “Chủ thở oxy, giảm giá mạnh”, “Chủ ngộp ngân hàng, giảm giá sập sàn”… là những lời rao đang “phủ sóng” khắp mạng xã hội, các trang web rao vặt. 

Chị Ly - ở quận Tân Phú, TPHCM, đang rao bán gấp căn nhà phố 90m2 ở mặt tiền hẻm 6m đường Lũy Bán Bích gồm 1 trệt, 2 lầu với giá 8,5 tỉ đồng - nói: “Do nợ ngân hàng nên gia đình tôi cần bán nhà gấp. Giá này tôi đã giảm 1,5 tỉ đồng so với giá rao ban đầu nên không thể giảm thêm”. 

Cách nhà chị Ly khoảng 500m, một chủ nhà khác cũng đang rao bán căn nhà có diện tích 88m2 với giá 9 tỉ đồng, tặng toàn bộ nội thất. Chủ nhà này cho hay, do phải chịu áp lực trả lãi vay ngân hàng - giới đầu tư gọi là “ngộp” - nên đã giảm giá bán gần 1 tỉ đồng so với giá thị trường. 

Các chuyên gia bất động sản cho biết giá nhà đất khu vực trung tâm TPHCM chỉ thực sự giảm không quá 10%, người mua cần xem xét cẩn thận  các quảng cáo giảm giá sâu (trong ảnh: Rất nhiều tờ rao bán nhà đất giá rẻ được dán ở các cột điện khu vực trung tâm TPHCM) - ẢNH: B.T.
Các chuyên gia bất động sản cho biết giá nhà đất khu vực trung tâm TPHCM chỉ thực sự giảm không quá 10%, người mua cần xem xét cẩn thận các quảng cáo giảm giá sâu (trong ảnh: Rất nhiều tờ rao bán nhà đất giá rẻ được dán ở các cột điện khu vực trung tâm TPHCM) - ẢNH: B.T.

Anh Cường (quận Bình Tân, TPHCM) rao bán thửa đất 71m2 với giá 3,3 tỉ đồng. Giá này đã giảm 700 triệu đồng so với giá rao ban đầu. “Đất này vuông vức, có sổ hồng, giấy phép xây dựng đầy đủ, vị trí đẹp, đường lớn. Do vợ chồng tôi “ngộp” ngân hàng nên mới giảm giá như vậy”. 

Hầu như ở các phân khúc bất động sản đều xuất hiện tình trạng bán hàng “ngộp”. Đơn cử, thửa đất 3ha ở TP Long Khánh, tỉnh Đồng Nai đang được rao bán với giá 3,8 tỉ đồng. Nhân viên môi giới nói: “Do chủ nhà cần tiền thanh toán ngân hàng nên mới giảm giá sâu như vậy, tính ra giá chưa đến 1,3 triệu đồng/m2 trong khi giá thị trường ở khu vực này khoảng 1,5-1,8 triệu đồng/m2”.  

Theo Công ty Dịch vụ tư vấn bất động sản DKRA Việt Nam, gần đây, nhiều chủ đầu tư chấp nhận giảm giá bán căn hộ 40 - 50% nhưng vẫn khó bán ra. Ở phân khúc nhà phố, biệt thự, sức mua rất khiêm tốn, chỉ bằng 11% so với cùng kỳ năm trước. Mặt bằng giá thứ cấp tiếp tục đi ngang so với tháng trước, trên thị trường xuất hiện các giao dịch cắt lỗ từ 200-500 triệu đồng/căn nhưng vẫn không bán được.

Theo thống kê của chuyên trang Chợ Tốt Nhà, đang có khoảng 3 - 8% lượng nhà, đất ở TPHCM được bán giảm giá mạnh do chủ gặp khó khăn về tài chính. So với đầu năm 2022, lượng tin đăng bán nhà, đất “ngộp” tăng lên gần gấp đôi, nhiều nhất là ở huyện Củ Chi và quận Bình Thạnh, chiếm khoảng trên 10% lượng cung nhà, đất ở TPHCM. Tuy nhiên, dù được gắn mác là nhà “ngộp” nhưng giá bán trung bình theo vẫn rất cao, bình quân trên 90 triệu đồng/m2. Do đó, mức độ quan tâm của khách hàng vẫn rất thấp.

Người mua cần xem xét kỹ giá, tính pháp lý

Theo chuyên gia bất động sản Trần Khánh Quang, nhà đất được bán giảm giá chiếm khoảng 10 - 15% số nhà, đất được rao bán ở các vùng cách TPHCM khoảng 200km, chiếm 5% ở vùng ven TPHCM, chiếm khoảng 2 - 3% ở khu trung tâm TPHCM nhưng giá giảm tối đa chỉ khoảng 10%. Nhìn chung, việc chủ bất động sản bán hàng “ngộp” là do dòng tiền đang bị tắc, lãi suất vay tăng cao. Ai cũng muốn bán được nhanh nên phải giảm giá.

“Người mua bất động sản có giá giảm cần lưu ý là giá đó có phải giảm thật hay không, tính pháp lý và tính thanh khoản như thế nào. Cần xem xét chất lượng nhà, đất cẩn thận trước khi quyết định mua hay không” - ông Trần Khánh Quang nói. 

Ông Võ Hồng Thắng - Phó giám đốc nghiên cứu và phát triển, Công ty DKRA Việt Nam - cho hay, những dự án khu dân cư ở TPHCM, Bình Dương, Long An, Đồng Nai - nơi ít có tình trạng đầu cơ - tỉ lệ giảm giá chỉ khoảng 10 - 20% so với đầu năm. Các dự án mang tính đầu cơ cao ở TP Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng), thị xã Phú Mỹ (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), huyện Cẩm Mỹ (tỉnh Đồng Nai) có tỉ lệ giảm giá 50%. Ông nói: “Với dữ liệu hiện có, dự báo trong năm 2023, thị trường bất động sản tiếp tục khó khăn”. 

Chuyên gia kinh tế Trần Nguyên Đán - giảng viên Trường đại học Kinh tế TPHCM - nhận định: “Thị trường bất động sản xuất hiện tình trạng “ngộp” thật và giả “ngộp”. Tình trạng “ngộp” thật xảy ra với các sản phẩm nằm trong dự án, còn đất nền được rao bán “ngộp” chỉ là giả. Thời gian qua, giá bất động sản bị đẩy lên rất cao nên giờ họ hạ giá bán thì chỉ giảm bớt lợi nhuận chứ không phải bán lỗ. 

“Trong bối cảnh hiện nay, người mua nhà cần lưu ý mức giá trước khi xảy ra sốt so với thời điểm bán “ngộp” để tránh tình trạng mua hớ, đồng thời cần xem kỹ tình trạng pháp lý của nhà, đất cần mua” - ông Trần Nguyên Đán khuyên. 

Bích Trần 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI