edf40wrjww2tblPage:Content
Từ tờ mờ sáng, khoa Khám bệnh - Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) đã đông kín bệnh nhi chờ khám. Ngoài trời, cái nóng hầm hập 36-370C.
Ảnh : Phùng Huy
Trẻ ùn ùn nhập viện
TS Trần Minh Điển, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, những ngày gần đây, trung bình mỗi ngày có trên 1.500 trẻ bị mắc bệnh được gia đình đưa tới viện khám, tăng khoảng 20% so với thời điểm bình thường. Trong số này, khoảng 80% trường hợp bị nhiễm trùng đường hô hấp như viêm phổi, viêm tiểu phế quản, viêm mũi, viêm xoang, hen phế quản…
Đáng lưu ý, đã xuất hiện một số ca viêm não. ThS-BS Đỗ Thiện Hải, Phó trưởng khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, do bệnh viêm não có biểu hiện ban đầu là sốt cao nên dễ nhầm với các bệnh thông thường như cảm, sốt nhiễm vi rút. Chỉ đến khi trẻ sốt kéo dài, người nhà đưa đến bệnh viện thì bệnh đã nặng, nhiều bệnh nhi bị rối loạn tri giác.
Tại khoa Nhiễm - Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM), những ngày qua số ca mắc viêm não do vi rút tăng nhẹ, mỗi ngày khoa tiếp nhận khoảng 10 đến 12 trẻ (tăng từ ba đến năm trẻ/ngày so với trước). Phần đông các trẻ này là từ các tỉnh phía Nam chuyển về TP.HCM để điều trị. Bên cạnh các trường hợp trẻ bị viêm não, viêm màng não, tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, Bệnh viện Nhi Đồng 2 những ngày qua cũng tiếp nhận điều trị cho nhiều trẻ bị sốt xuất huyết, tay-chân-miệng, tiêu chảy.
Trong khi đó, PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) tỏ ra lo lắng, khi lượng bệnh nhi tăng vọt, trung bình mỗi ngày khoa tiếp nhận 300 trường hợp đến khám. Trong số này, khoảng 70-80% bệnh nhi mắc bệnh về đường hô hấp. Khoa cũng đã xuất hiện bệnh nhi viêm não.
Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng mỗi ngày tiếp nhận hàng trăm bệnh nhi đến thăm khám và điều trị, trong đó không ít bệnh nhi đến từ Quảng Nam, Quảng Ngãi… Bác sĩ Trần Đình Vinh, Giám đốc bệnh viện cho biết, số trẻ đến khám và điều trị chủ yếu mắc các bệnh tay-chân-miệng, tiêu chảy, viêm phổi, viêm tiểu phế quản, viêm mũi, viêm họng…
Riêng Trung tâm Nhi khoa - Bệnh viện Trung ương Huế trong ngày 26/5 tiếp nhận gần 300 lượt bệnh nhân đến khám và điều trị các bệnh liên quan đến hô hấp và tiêu hóa. “Số bệnh nhân tăng đột biến, phần lớn là bệnh viêm phế quản, viêm phổi, nhiễm trùng đường hô hấp trên và các bệnh về đường tiêu hóa. Mỗi ngày trung tâm tiếp nhận từ 250 - 350 bệnh nhân”, bác sĩ Phạm Hoàng Hưng, Giám đốc Trung tâm Nhi khoa - Bệnh viện Trung ương Huế cho biết.
Thiếu nước sinh hoạt
Nhiều ngày qua, cả miền Trung quay cuồng trong nắng nóng. Tại TP. Hà Tĩnh, nhiều người tìm bóng râm tránh nắng. Huyện Hương Khê và thị xã Hồng Lĩnh được xem là “chảo lửa” vào mùa nắng của Hà Tĩnh, với cái nóng đến 400C. Mọi con đường ở hai nơi này luôn vắng tanh, hầu hết người đi đường đều phải bịt mặt, đeo khẩu trang, kính râm.
Dọc Quốc lộ 1 từ thị xã Hồng Lĩnh đến huyện Cẩm Xuyên, những cánh đồng vắng nông dân. Anh Trần Lộc (quê ở xã Mai Phụ, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh) lên thị xã làm thuê than: “Từ đầu tháng 5 đến nay ngày nào cũng nắng nóng, chúng tôi phải đi làm rất sớm để đến 10g là xin nghỉ để tìm nơi tránh nắng”. Còn anh Quang Cường, ở TP. Hà Tĩnh cho biết, vợ chồng anh thuê nhà trọ, mấy ngày nay nắng nóng “không thể sống được”.
Theo ông Ngô Đức Hợi, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Tĩnh, nắng nóng kéo dài ảnh hưởng đến nhiều hồ đập. Có một số hồ đập nhỏ ở các huyện miền núi Hương Khê, Hương Sơn, Vũ Quang có hiện tượng thiếu nước trầm trọng, nếu nắng nóng kéo dài có nguy cơ trơ đáy. Nắng nóng, nhiều nơi dễ xảy ra cháy rừng.
Tại Thừa Thiên - Huế, ông Trần Kim Thành, Phó giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, không có mưa lớn khiến các hồ chứa không thể tích đủ nước để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Nếu thời tiết tiếp tục không có mưa thì 4.500 ha lúa hè thu chắc chắn bị thiếu nước. Tình trạng nhiễm mặn đã xảy ra nhiều nơi.
Tuy mới đầu mùa khô, tỉnh Bình Định hiện có gần 3.500 hộ dân ở các xã khu đông huyện Phù Mỹ như Mỹ Chánh, Mỹ Cát, Mỹ Chánh Tây… thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Giám đốc Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Bình Định, Nguyễn Văn Tánh, cho biết: “Tỉnh Bình Định có gần 10.000 hộ dân trước nguy cơ thiếu nước sinh hoạt, tập trung chủ yếu tại ba huyện Phù Mỹ, Hoài Nhơn và Vân Canh.
Riêng các xã khu đông huyện Phù Mỹ đã thiếu nước từ đầu mùa khô. UBND tỉnh Bình Định đã quy định mức hỗ trợ cho người dân các vùng bị nắng hạn năm 2015.
Theo đó, trực tiếp hỗ trợ bằng tiền đối với vùng không khoan được giếng, không có đường ống dẫn nước từ công trình cấp nước tập trung đến vùng bị hạn với mức hỗ trợ 40 lít nước sạch/người/ngày và 30 lít nước uống/con/ngày đối với gia súc. Với vùng có thể khoan giếng, mức hỗ trợ 70.000đ/m3 nước; hỗ trợ 150.000 đ/m giếng khoan thực tế có đường kính 60mm, khoảng cách giếng tối thiểu là 200m; đối với giếng đào sâu thêm, lắp đặt thêm bộng giếng, bơm hút bùn, cát trong lòng giếng thì mức hỗ trợ là 1,5 triệu đồng/giếng”.
NHÓM PV-CTV
Hạn “bà chằn” nhiều đợt, kéo dài tới tháng Tám Theo ThS Lê Thị Xuân Lan (nguyên Phó phòng Dự báo, Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ), hiện miền Bắc và miền Nam đã vào mùa mưa. Riêng miền Trung vẫn còn nắng nóng dự kiến kéo dài đến hết tháng Tám. Sắp tới, miền Bắc sẽ xuất hiện mưa lớn nhưng không liên tục. Đặc biệt, trong cơn mưa sẽ có dông gió, sấm sét. Người dân ở khu vực miền núi cần đề phòng lũ quét. Tương tự, ở khu vực miền Nam do mới đầu mùa mưa nên số lượng cơn mưa chưa đều. Từ đầu tháng Sáu, số lượng cơn mưa sẽ có nhiều hơn. Trong cơn mưa sẽ có dông gió giật mạnh kèm theo sấm sét. Đến giữa tháng Sáu, số lượng cơn mưa sẽ giảm, sau đó xuất hiện hạn “bà chằn”, mỗi đợt kéo dài từ bảy đến 10 ngày, nhiệt độ từ 350C- 370C. Không khí rất oi bức dễ ảnh hưởng đến sức khỏe. Hạn “bà chằn” sẽ lặp lại nhiều lần kéo dài đến tháng Tám. Ông Trần Đức Bá, Giám đốc Đài khí tượng thủy văn Hà Tĩnh, cho biết đợt nắng nóng bắt đầu 26/5 đến 2/6 được cho là đỉnh điểm. “Đợt nóng này rất gay gắt, nhiều nơi sẽ có nhiệt độ từ 390C-400C. Đặc biệt khu vực Hương Khê, hơn 400C”, ông Bá nói. PHAN TRÍ - HOÀNG LIÊN |