Sau khi cơn bão số 3 (Yagi) càn quét, nhiều tỉnh, thành miền Bắc phải đối diện với bộn bề khó khăn khi một số nơi vẫn chưa có lại điện và nước, các công trình bị phá hủy, hàng chục ngàn cây xanh gãy, đổ...
TP Hải Phòng: Nhà bay mái, đường ngập sâu
Sáng 8/9, Trung tâm Y tế quận Đồ Sơn, TP Hải Phòng chìm trong biển nước. Có những điểm, nước ngập sâu hơn 1,5m khiến việc đi lại vô cùng khó khăn.
Gương mặt phờ phạc do suốt đêm không ngủ, anh Lê Bá Minh - nhân viên bảo vệ của trung tâm - chưa hết bàng hoàng: “Hơn 20 năm làm việc ở đây, tôi chưa từng thấy cơn bão nào mạnh như vậy. Mưa lớn, gió rít liên hồi khiến mọi người không thể làm gì được”. Ngay từ đêm 7/9, anh Minh cùng gần 20 y, bác sĩ của trung tâm y tế túc trực để chăm sóc bệnh nhân, bảo vệ tài sản của trung tâm nhưng khi cả khuôn viên và nhà điều hành bị ngập nặng, họ đành bất lực nhìn một số máy móc chìm trong nước, hư hỏng.
|
Cây xanh ngã la liệt trên đường phố Hà Nội sau bão Yagi - Ảnh: Bảo Khang |
Các bệnh nhân đã được chuyển lên chỗ cao hơn nhưng do máy móc hư hỏng nên trong sáng 8/9, họ phải chuyển sang bệnh viện khác. Việc đưa bệnh nhân đi cũng vô cùng gian nan bởi quãng đường dài vào tới trung tâm y tế đã bị ngập nặng, xe cứu thương không thể vào. Có bố bị gãy chân cách đây 3 ngày, anh T.N. cùng 2 người thân đã có mặt ở trung tâm này từ tối 7/9 nhưng không thể đưa bố đi do đường ngập sâu, gió bão quá mạnh. Sáng 8/9, anh phải nhờ những người dân sống gần trung tâm khiêng cáng, đưa bố vượt gần 2km ra khỏi đoạn đường ngập, chuyển lên xe cấp cứu.
Sau khi cơn bão số 3 đổ bộ, càn quét, toàn bộ TP Hải Phòng trở nên hoang tàn. Khắp các đường phố của quận Đồ Sơn, cây xanh gãy, đổ ngổn ngang; các công trình trang trí, trụ đèn giao thông đổ gục, chắn ngang đường; mái ngói, mái tôn bị hất văng, cuốn bay tứ tung. Thẫn thờ đứng trước cửa hàng ăn uống gần 200m2 do mình làm chủ, anh Trần Bình (quận Đồ Sơn) không biết phải bắt đầu từ đâu khi tất cả chỉ còn trơ khung tường. Phần mái của quán đã bị cuốn bay, đồ đạc bên trong hư hỏng. “Cơ sở của tôi được xây dựng kiên cố, đầu tư hàng trăm triệu đồng mà giờ mất trắng chỉ sau 1 đêm. Hơn 30 năm nay, tôi chưa từng thấy cơn bão nào gây thiệt hại nặng như vậy. Chúng tôi đã chằng chéo dây, chèn bao cát trên mái nhà nhưng không ăn thua” - anh Bình xót xa.
|
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính động viên người dân trong vùng bị ảnh hưởng của cơn bão số 3 ở tỉnh Quảng Ninh - Ảnh: Dương Giang (Thông tấn xã Việt Nam) |
Loay hoay giữa đống đổ nát, anh Bình càng bất lực bởi điện thoại mất sóng, không thể liên lạc được. Ngay từ ngày 7/9, toàn TP Hải Phòng đã cắt điện, sóng điện thoại chập chờn, mạng internet không thể kết nối. Anh Bình nói: “Sáng ra, thấy cảnh tượng này, tôi chạy đến xưởng cơ khí nhờ sửa sang, khắc phục, nhưng họ cũng phải lo sửa chữa nhà xưởng của họ”.
TP Hà Nội: Hàng vạn cây xanh ngã, gãy
Trong ngày 7/9, Hà Nội ghi nhận 1 trường hợp tử vong trong mưa bão. Tính đến sáng 8/9, toàn thành phố có hơn 14.600 cây đổ và gãy cành. Trên hầu hết tuyến phố, hàng loạt cổ thụ bật tung gốc, nằm chắn ngang đường.
Ngày 8/9, lực lượng chức năng của TP Hà Nội đã đồng loạt ra quân xử lý cây đổ, gãy để giao thông được thông suốt. Kiểm tra công tác khắc phục hậu quả của bão số 3, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh lưu ý, với những cây xanh hàng trăm tuổi bị bật gốc, cần cố gắng giữ, trồng lại. Ông cũng yêu cầu ngành điện khẩn trương khắc phục sự cố để phục vụ việc sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của người dân.
|
|
Theo UBND TP Hà Nội, toàn thành phố có 274 nhà dân và công trình khác bị tốc mái tôn, 4 nhà bị sập, gần 1.000m tường bao bị đổ, 19 công trình nhà ở bị hư hỏng, nhiều cột điện bị gãy. Nhiều trường học ở TP Hà Nội cũng bị tốc mái, bị ngã cây, dây điện sà thấp. Để đảm bảo an toàn cho học sinh, ngày 8/9, Giám đốc Sở GD-ĐT TP Hà Nội Trần Thế Cương đã ký văn bản hỏa tốc gửi các cơ sở giáo dục, chỉ đạo đảm bảo đủ điều kiện an toàn, đón học sinh trở lại vào ngày 9/9; những trường chưa đảm bảo được độ an toàn thì chưa tổ chức dạy học và cần báo cáo cấp có thẩm quyền để khắc phục ngay thiệt hại.
Tỉnh Quảng Ninh nhiều tàu bị sóng cuốn trôi
Ngày 7/9, tàu sà lan số hiệu VT09, trọng tải 1.000 tấn do thuyền trưởng Lê Văn Tiến điều khiển đã bị bão đánh đứt cáp neo khi đang neo đậu ở bãi tắm Hòn Gai, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.
|
Đưa bệnh nhân từ Trung tâm Y tế quận Đồ Sơn ra khỏi đoạn đường bị ngập sâu để chuyển sang bệnh viện khác - Ảnh: Anh Ngọc |
Sau đó, gió lốc đã giật tung con tàu thành 2 mảnh khiến ông Tiến và 2 thuyền viên khác đang xử lý sự cố bị hất tung ra biển. Hơn 1 giờ sau, cả nhóm bị bão đẩy vào một ngọn núi đá. Nhóm ông Tiến liên tục tìm cách gọi điện cầu cứu nhưng điện thoại không có tín hiệu. May là gần sáng 8/9, một người làm nghề thuyền chài thấy sà lan mắc kẹt, đã gọi điện vào bờ, cứu được 3 thuyền viên tàu VT09.
Cũng trong ngày 7/9, sóng đã cuốn 2 con tàu đang neo đậu ở bãi tắm Hòn Gai cùng 17 thuyền viên trôi dạt vào gần đảo Ti Tốp trên vịnh Hạ Long. Sau nhiều giờ tìm kiếm, 5g sáng 8/9, lữ đoàn 170 Bộ Tư lệnh vùng 1 Hải quân đã tìm thấy và đưa các nạn nhân vào bờ. Ở thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh, 10 người nuôi trồng thủy sản trên biển Hòn Ráu bị mất liên lạc. Qua 1 ngày tìm kiếm, lực lượng cứu hộ, cứu nạn đã tìm thấy và đưa nhóm này về nhà an toàn.
Bão Yagi làm 21 người chết, 3 người mất tích Theo báo cáo của Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tính tới 18g ngày 8/9, cả nước có 21 người chết (gồm 6 người ở Lào Cai, 5 người ở Quảng Ninh, 2 người ở Hải Phòng, 1 người ở Hải Dương, 1 người ở Hà Nội, 4 người ở Hòa Bình, 1 người ở Yên Bái, 1 người ở Lạng Sơn) và 3 người mất tích. Bão cũng làm 229 người bị thương, chủ yếu là ở Quảng Ninh với 157 người và Hải Phòng 40 người. |
Tập trung cứu người, tìm kiếm người mất tích Sáng 8/9, tại hội nghị đánh giá công tác chỉ đạo ứng phó, triển khai các biện pháp cấp bách khắc phục hậu quả cơn bão số 3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá, đây là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm qua, tăng cấp độ không theo quy luật, thời gian lưu bão trên đất liền dài hiếm có. Công tác dự báo, ứng trực đều đảm bảo nhưng thiệt hại vẫn lớn. Để khắc phục các thiệt hại do bão, Thủ tướng nêu 5 yêu cầu: các địa phương tập trung cao độ cho việc cứu người, tìm kiếm người mất tích, lo hậu sự cho những người xấu số; không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu chỗ ở, học sinh thiếu lớp, thiếu trường, người bệnh không có nơi chữa trị; khắc phục ngay các sự cố về điện, nước, viễn thông và các lĩnh vực khác; các địa phương thống kê thiệt hại chính xác, khách quan để có giải pháp khắc phục phù hợp, hiệu quả, kịp thời; chú trọng công tác ứng phó hậu quả hoàn lưu bão như lũ ống, lũ quét, sạt lở, sụt lún. Thủ tướng cũng yêu cầu cấp ủy, chính quyền địa phương, các bộ, ngành theo thẩm quyền sử dụng nguồn dự trữ cho phòng chống thiên tai (tài chính, phương tiện, vật tư) để đưa các hoạt động trở lại bình thường; các địa phương xuất cấp nguồn dự trữ để khắc phục các vấn đề cấp bách về ăn, mặc, ở, học tập, khám chữa bệnh của người dân và đề xuất sự hỗ trợ từ ngân sách dự phòng của trung ương. “Các địa phương phải thống kê ngay, xuất cấp ngay gạo dự trữ, cần bao nhiêu xuất bấy nhiêu, quan trọng là phải thống kê chính xác, minh bạch, tránh để xảy ra tiêu cực” - Thủ tướng nhấn mạnh. Ông cũng kêu gọi người dân, doanh nghiệp không bị thiệt hại hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp, cơ quan, địa phương, doanh nghiệp bị thiệt hại trên tinh thần “lá lành đùm lá rách”. |
Nhóm phóng viên