Khaosan - 'thuộc địa' của tây ba lô

26/06/2017 - 13:43

PNO - Đặt chân đến, người ta sẽ ngay lập tức quên mất các ranh giới. Khaosan là một cú “va chạm” giữa các nền văn hóa để tất cả vỡ ra, hòa quyện trong cái hư hư, thực thực mệnh danh “thiên đường của những kẻ lang thang”.

Từ lâu, trong chiến lược phát triển du lịch của Thái Lan, con phố cạnh Tượng đài Dân Chủ nổi tiếng giữa thủ đô đóng vai trò như một trạm trung chuyển (buffer zone) cho hơn 30 triệu khách quốc tế đến quốc gia này mỗi năm. Nhiều thập niên qua, “bụi đời du lịch” tìm đến Bangkok là tọt thẳng về Khaosan. 

Từ đó, book tour hoặc thuê phương tiện cho các chuyến đi khám phá vùng đất khác. Rong chơi hoang vu mỏi mệt, họ lại quay về Khaosan để tận hưởng “những ngày thủ đô, tưng bừng phố xá” với phương châm “thích là nhích” của công nghệ du lịch Thái.
Sống 100%.

Khaosan -  'thuoc dia' cua tay ba lo
Sức sống của Khaosan cuồn cuộn.

Chính quyền Bangkok cho Khaosan sống “tẹc ga”. Cả khu vực thâu đêm chiều lòng du khách và cứ thế tỳ tỳ lượm tiền của tứ phương thiên hạ. “Người ta sẽ phải tiêu đến những tờ bạc cuối cùng tại đây, không gì cưỡng lại được”, Macatulad-Chua nheo mắt gửi chìa khóa phòng, phóng ra những con phố đã nhộn nhịp. 

Ngoài khách sạn sang trọng, Khaosan có thể đáp ứng mọi kiểu du lịch “bụi” với những phòng ngủ giá chưa tới 200 baht/đêm (1 baht = 700 đồng), gửi hành lý chỉ khoảng 15-20 baht/ngày. Nhưng nếu “muốn chơi cho tới” thì đây cũng chưa phải chỗ rẻ nhất.

Trước thời điểm Quốc vương Bhumibol Adulyadej băng hà (tháng 10/2016), du khách hãy còn có cơ hội “thi gan” với dịch vụ “chiếu ngủ” tại công viên Sanam Luang sát phố tây. Chỉ cần bỏ ra 20-30 baht, khách sẽ có ngay chăn, chiếu, gối vừa đủ qua đêm trong “khách sạn ngàn sao” này. 

Ăn uống cũng rứa. Hẻo tiền, “không tiện” vô nhà hàng, ta xông vào thức ăn đường phố. Khaosan có đủ món đặc trưng Thái ngon-bổ-rẻ và dĩ nhiên, không thiếu các món Âu Á phổ biến.

Đêm, phố tây sống mãnh liệt, càng khuya, càng quẩy. Bar, vũ trường, massage, tatoo… san sát cùng một kiểu: nhạc xập xình, đèn màu lập lòe. Đặc biệt, cứ với tay là được nốc bia lạnh bán rong mọi ngóc ngách. Chưa hết, thử tưởng tượng, dãy ghế thợ cạo bày giữa đường đi, phục vụ những gã mới trên rừng về sẵn sàng cắt tỉa râu tóc vào lúc 2-3 giờ sáng.

“Cú va chạm” đã tạo ra thiên đường

Nghệ sĩ đường phố tập trung khá đông ở đây. Ban nhạc chơi country rock, hoặc có khi chỉ một kẻ độc tấu saxophone, múa lửa, ảo thuật, body-paint… Khán giả tùy hỷ bỏ xu vào lon. Cánh họa sĩ truyền thần cho du khách ăn nên làm ra, nhưng cũng không khỏi đau đầu với những “ông tây” say ngả nghiêng bên giá vẽ.

Khaosan -  'thuoc dia' cua tay ba lo
 

Người ta còn ngạc nhiên với gian hàng bày bán quân trang, quân dụng của “pú lít” ngay trước đồn cảnh sát ở Khaosan. Để rồi từ thú vị, du khách chuyển sang vui vẻ móc bóp, tậu về làm kỷ niệm. Thậm chí, giấy tờ giả như thẻ sinh viên, thẻ nhà báo, bằng cấp, chứng chỉ… được bày bán công khai tại cái “phố điên” này.

Sâu trong con hẻm ngoằn ngoèo như Sài Gòn, anh Chabon - dân Khaosan lâu đời - có hẳn cửa hàng thu mua phế liệu. “Mua bán tất cả. Tây ba lô có thể mang ve chai tới bán, gỡ vài đồng để tiếp tục hành trình”, Chabon cười hóm hỉnh.

Đặt chân đến phố tây Bangkok, ngoài giá rẻ, điều gây ấn tượng cho lữ khách chính là nó khiến người ta lập tức quên đi ranh giới quốc gia, văn hóa, màu da... Thể hiện rất rõ từ phong cách trang trí hàng quán với chất liệu mộc, gam màu ấm cho đến cung cách phục vụ cực kỳ “welcome”.

Dân ghiền xăm ưa thích thợ tatoo Khaosan khéo tay, chịu chơi, luôn cập nhật mẫu mới. Tôi bắt gặp cả “kibbutz” dành riêng cho “tây” Do Thái khó tính, thích nằm dài, biệt lập. Xen kẽ là những tiệm ăn Thổ Nhĩ Kỳ với các chàng râu quai nón tràn xuống đường mời chào. Rảo bước mỏi chân thì xề vào ghế bố foot-massage phục vụ sáng đêm. 

“Cú va chạm” giữa các nền văn hóa ở Khaosan khiến dị biệt vùng miền mau chóng tan biến trong cái không gian hư hư, thực thực, tạo ra bởi quan điểm quản lý “mở tối đa” để tất cả hòa quyện cùng nhau, tạo nên “thiên đường của những kẻ lang thang quốc tế”.

Cần ghi nhận, bên cạnh bầu không khí “thả cửa”, chính quyền Bangkok không quên đặt vấn đề bảo đảm an ninh lên hàng đầu. Giống hầu hết điểm đến khác tại Thái, cảnh sát du lịch được “bài binh” dày ở Khaosan. Người ta dễ dàng nhận ra, cảnh sát lẫn dân địa phương luôn nở nụ cười “thấu hiểu”: du khách là nguồn thu quý.

Còn có thể thấy chủ trương duy trì, phát triển phố tây qua các quyết sách hạ tầng cho Khaosan. Ví dụ nhỏ, lúc lóng ngóng ở sân bay Suvarnabhumi tìm đường về trung tâm, tôi được vợ chồng Alice Narak (dân Bangkok) chỉ cho tuyến buýt chạy thẳng về phố tây. Hệ thống Bus Airport Express được quy hoạch bài bản cho thành phố và dành hẳn tuyến Suvarnabhumi-Khaosan chạy mỗi giờ, với giá chưa tới 200 baht/lượt. 

Mỗi du khách tiêu 150 USD/ngày

Theo thống kê của Bộ Du lịch và Thể thao Thái Lan, ước tính công nghệ du lịch Thái góp từ 9-10% tổng sản phẩm nội địa. Năm 2012, thời điểm doanh thu du lịch lên tới con số đáng kinh ngạc, hơn 34 tỷ USD. Trung bình một du khách chi tiêu khoảng 150 USD/ngày, lưu lại khoảng 10 ngày ở vương quốc này.

Số liệu năm 2015 cho thấy, các khoản thu từ du lịch tiếp tục gia tăng, hơn 42 tỷ USD, với chi tiêu bình quân trên mỗi du khách 160 USD/ngày. Ước tính năm 2016, tổng thu nhập từ du lịch đã lên khoảng 63 tỷ USD.

Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI