Trước đây, chỉ có Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa và Trường THCS Trần Quốc Toản 1 thực hiện khảo sát. Nhưng từ năm học này, dự kiến có thêm Trường THCS Hoa Lư, Trường THCS Bình Thọ (TP Thủ Đức), Trường THCS Nguyễn Hữu Thọ (quận 7), Trường THCS Nguyễn An Khương (huyện Hóc Môn) thực hiện.
Nói về lý do mở rộng việc khảo sát để tuyển sinh lớp Sáu trong năm học 2024-2025, ông Nguyễn Hoài Nam - Phó giám đốc Sở Giáo GD-ĐT TPHCM - cho biết: căn cứ theo văn bản hợp nhất 03/VBHN-BGDĐT ngày 3/5/2019 của Bộ GD-ĐT, từ năm học 2023-2024, UBND TPHCM cho phép thực hiện khảo sát để tuyển sinh lớp Sáu ở các trường thuộc diện trường tiên tiến - hội nhập quốc tế; trường có học sinh đăng ký tuyển sinh lớp Sáu vượt quá chỉ tiêu tuyển.
Có con đang học lớp Năm ở Trường tiểu học Dương Công Khi (huyện Hóc Môn), chị Tú Anh đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết để con xét tuyển vào Trường THCS Nguyễn An Khương. Đây được xem là trường "hot" nhất huyện, tỉ lệ “chọi” năm nào cũng cao nhưng chị tự tin vì đã cho con luyện thi các chứng chỉ cần thiết từ lớp Ba, gia đình lại nằm trong diện ưu tiên về thường trú. Tuy nhiên, mới đây thông tin trường sẽ tổ chức khảo sát đầu vào khiến mẹ con chị lo lắng. “Tôi cho rằng các trường nên giữ nguyên cách xét tuyển cũ, như vậy sẽ ưu tiên cho những học sinh ở gần trường, đồng thời giảm được áp lực thi cử cho học sinh. Vì cứ tổ chức thi thì chắc chắn các lò luyện thi lại mọc lên, phụ huynh lại phải cho con đi luyện” - chị nói.
Học sinh tham gia thi khảo sát vào lớp Sáu Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa năm 2023 - Ảnh: Nguyễn Loan
Chị Nguyễn Thu Tâm - phụ huynh một học sinh lớp Năm tại TP Thủ Đức - đặt nguyện vọng cho con vào Trường THCS Hoa Lư (TP Thủ Đức) sau khi cân nhắc thấy khả năng của con không thể thi đậu vào Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa. Chưa kịp ổn định tinh thần thì mới đây, chị lại hay tin trường này cũng dự kiến thi khảo sát đầu vào. “Tôi định cho con về đây học vì đúng tuyến, không áp lực học hành. Nhưng giờ trường cũng thi, tôi không biết phải làm sao” - chị nói.
Đứng ở góc độ nhà trường, ông Cao Đức Khoa - Hiệu trưởng Trường THCS Huỳnh Khương Ninh (quận 1) - lo ngại việc tổ chức khảo sát sẽ dẫn đến sự ra đời của các “lò” luyện thi. Là trường tiên tiến - hội nhập quốc tế, có số lượng hồ sơ đăng ký cao - khoảng 700-800 hồ sơ cho 210-280 chỉ tiêu lớp Sáu mỗi năm - nhưng trường vẫn thực hiện tuyển sinh một cách trơn tru, chất lượng đầu vào ổn định. Trường chủ yếu dựa trên chứng chỉ tiếng Anh, điểm môn ngữ văn, toán học kỳ II, năm lớp Năm của thí sinh và xét tuyển từ trên xuống dưới. Ông cho rằng: “Việc tổ chức khảo sát có thể phát sinh rất nhiều vấn đề. Trường thì phải tổ chức hội đồng khảo sát, ra đề, chấm bài… Phụ huynh thì sẽ cho con đi học thêm, luyện thi, tạo áp lực lớn lên các em. Khảo sát cũng không nhằm mục đích chọn học sinh giỏi nên các trường không cần đặt nặng vấn đề này”.
Cần giảm tối đa áp lực cho học sinh
Ông Mạch Công Thạch - Hiệu trưởng Trường THCS Phan Văn Trị (quận Gò Vấp), trường tiên tiến - hội nhập quốc tế - cho biết: từ trước đến nay trường vẫn xét tuyển dựa trên các chứng chỉ tiếng Anh, tin học và điểm môn toán, ngữ văn năm lớp Năm. “Mỗi cách tổ chức sẽ có những cái hay, cái khó riêng. Chúng ta hướng tới việc đảm bảo công bằng nhưng cũng cần giảm tối đa áp lực với học sinh” - ông nói.
Nói về lý do mở rộng khảo sát đầu vào lớp Sáu, ông Nguyễn Thái Vĩnh Nguyên - Trưởng phòng GD-ĐT TP Thủ Đức - cho biết, việc xét tuyển chủ yếu dựa trên kết quả học tập và các chứng chỉ quốc tế về tiếng Anh, tin học. Không phải em nào cũng có điều kiện thi chứng chỉ, có những em không có chứng chỉ nhưng khả năng học tập rất tốt, việc xét tuyển vô tình làm mất cơ hội của các em. Còn kết quả học tập thì do giáo viên đánh giá nên chỉ mang tính chất tương đối, có sự “chênh” giữa các trường, giữa các giáo viên với nhau. Số lượng học sinh đăng ký nhiều, trong khi việc xét tuyển không đánh giá hết được năng lực nên việc tổ chức thi sẽ đảm bảo tính công bằng, khách quan hơn. Ông nhấn mạnh: “Phụ huynh không nên cho con đi luyện thi vì đề thi thay đổi theo từng năm, không thể dựa vào đề thi năm trước để ôn thi cho năm sau. Điều kiện tiên quyết để đơn vị chọn người ra đề thi là không dạy thêm hay làm việc tại các trung tâm luyện thi. Vì vậy, việc luyện thi không những không có hiệu quả mà còn gây thêm áp lực cho các em”.
Nhận định về vấn đề trên, ông Nguyễn Văn Ngai - nguyên Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM - cho rằng, có sự chênh lệch về chất lượng giảng dạy, học tập giữa các trường cùng cấp, trên cùng địa bàn. Nhưng sự chênh lệch này không quá lớn, giáo viên nào cũng muốn học trò mình tốt hơn. Việc gây áp lực với học sinh 10-12 tuổi là không tốt, ảnh hưởng đến sự phát triển của các em. Nếu nhờ ôn luyện mà học sinh may mắn đậu vào trường không đúng năng lực, về lâu về dài sẽ không thể theo kịp bạn bè, ảnh hưởng đến tâm lý và cả chặng đường học tập sau này. Ngược lại, nếu vào đúng trường phù hợp với năng lực, sở trường và sự hỗ trợ của phụ huynh thì các em sẽ có động lực học tập hơn.
Không có phương án nào tạo ra công bằng tuyệt đối, chỉ có phương án nào tối ưu. Để xác định được điều này, vai trò của Sở GD-ĐT rất quan trọng. Sở phải nghiên cứu, khảo sát để tìm ra cách tuyển sinh phù hợp với từng trường, từng địa bàn mà không gây áp lực cho học sinh và gia đình. Từ đó có hướng dẫn để các trường thực hiện.
Hoàn cảnh khó khăn, nhưng nhiều sinh viên không những vượt qua mà còn có thành tích học tập rất tốt, tham gia nghiên cứu khoa học, làm gia sư miễn phí...
Chiều 14/11, tại Hà Nội, diễn ra buổi gặp mặt các nhà giáo của chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” và tuyên dương “Nhà giáo trẻ tiêu biểu” cấp Trung ương.