Khảo sát tiếng Anh giáo viên TPHCM: Phát sinh tình huống “làm bài hộ”?

25/04/2025 - 11:51

PNO - Sở GD-ĐT TPHCM đang tiến hành khảo sát năng lực tiếng Anh tất cả giáo viên, ban giám hiệu các trường công lập từ ngày 23 đến 29/4. Một số giáo viên phản ảnh có hiện tượng làm bài hộ.

Phản ánh với Báo Phụ Nữ TPHCM, thầy L.P.T. - giáo viên tiểu học tại quận 4 - bức xúc nói: “Ở ngày đầu tiên, giáo viên còn làm thực tế. Nhưng vì đề thi quá khó nên đến hiện tại, hầu hết thầy cô các nơi đều nhờ con cháu hoặc người quen làm giúp. Một số giáo viên trẻ thì dùng công nghệ AI để làm. Nếu như vậy thì liệu kết quả bài khảo sát có giá trị không?

Giáo viên Trường THCS Phú Hữu (TP Thủ Đức) trong một tiết dạy - Ảnh: Trang Thư
Giáo viên Trường THCS Phú Hữu (TP Thủ Đức) trong một tiết dạy - Ảnh: Trang Thư (Ảnh minh họa)

Đó là chưa kể đường truyền gặp trục trặc, ảnh hưởng đến thời gian của thầy cô. Trong khi thời điểm hiện tại, các trường đang tổ chức cho học sinh thi học kỳ II. Và còn phải dạy bù cho dịp nghỉ lễ, vậy thời gian đâu để làm khảo sát?”.

Giáo viên này nói rõ, thầy đã lấy bằng B tiếng Anh của Trường đại học Sư Phạm TPHCM nhưng từ 28 năm trước. Nếu đề thi thông thường thầy có thể làm được, nhưng đề thi như nhiều giáo viên phản ánh là “trên trời”, với những chủ đề như văn học, sinh học… thì không thể làm được.

Ông Hồ Tấn Minh - Chánh văn phòng Sở GD-ĐT TPHCM - cho biết, đề khảo sát năng lực tiếng Anh được Cambridge Assessment English biên soạn theo cấu trúc từ dễ đến khó. Các thầy cô giáo làm được đến mức nào thì hệ thống sẽ ghi nhận ở mức đó.

Cụ thể, đề khảo sát bao gồm: các kỹ năng nghe, đọc và viết nhằm đánh giá năng lực tiếng Anh theo khung tham chiếu chuẩn châu Âu CEFR (từ A1 đến C2). Nếu giáo viên làm được ở mức độ A1 thì hệ thống sẽ ghi nhận A1, tương tự các mức độ khác cũng thế.

Ông Hồ Tấn Minh cho biết thêm, ngày 24/4, Sở GD-ĐT TPHCM có nhận được một số ý kiến của giáo viên xin được làm lại bài khảo sát. Nhưng sở nhấn mạnh kết quả bài khảo sát không nhằm cấp chứng chỉ hay đánh giá giáo viên. Kết quả chỉ có một mình giáo viên biết chứ sở cũng không đi tìm hiểu đó là giáo viên nào.

“Chúng tôi chỉ cần biết kết quả tổng thể: bao nhiêu giáo viên đạt trình độ A1, A2, B1, B2, C1, C2; ở từng khu vực thì tỉ lệ ấy như thế nào. Đây sẽ là những chứng cứ khoa học để sở xây dựng đề án Từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học. Vì vậy, các thầy cô giáo đã làm khảo sát rồi không cần làm lại nữa”, ông nói.

Trước phản hồi này, thầy T. cho biết: “Khi giáo viên muốn làm bài thì phải đăng nhập bằng mã giáo viên và căn cước công dân. Như vậy, việc Sở GD-ĐT nói không biết giáo viên đó là ai không hợp lý. Sở biết, bản thân giáo viên cũng biết nên thầy cô sẽ thấy ngại nếu điểm khảo sát không cao. Nhất là ban giám hiệu và những người dạy tiếng Anh".

Với thực tế như trên, thầy T. cho rằng, kết quả khảo sát có thể không hoàn toàn chính xác.

Nguyệt Cát

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI