Thật lạ khi cô gái ấy lại sống khép kín, không thích nói về mình. Tuy nhiên, khi nói về những khuôn hình, những làng nghề, những buổi “săn” ảnh, cô lại phấn khích, sôi nổi vô cùng. Từng khung hình, từng kỷ niệm... được cô kể ra như một cuốn phim tư liệu về chính đời cô - một phụ nữ tự chữa lành chính mình nhờ nhiếp ảnh.
Với làng nhiếp ảnh Việt, Khánh Phan là một làn gió mới mang hơi thở thanh xuân tươi trẻ với các góc hình rất riêng, khác hẳn các tên tuổi đã định hình phong cách. Các tác phẩm của Khánh đã mang Việt Nam đi khắp thế gian. Dù về đề tài nào, Khánh Phan cũng cho ra đời những khuôn hình có thể thỏa mãn những mắt nhìn đại chúng mà vẫn mang tính nghệ thuật. Với gần 100 giải thưởng lớn nhỏ trong và ngoài nước, nói không ngoa, Khánh Phan chính là người đưa cảnh sắc Việt Nam đi xa...
Mê mải đi để lan tỏa văn hóa Việt
Phóng viên: Có nhiều ý kiến rằng Khánh Phan háo danh, vì cứ liên tục gửi ảnh dự thi. Hơn 100 giải thưởng lớn nhỏ là một con số quá ấn tượng với một nhiếp ảnh gia?
Nhiếp ảnh gia Khánh Phan: Đây là câu hỏi tôi đã phải trả lời rất nhiều cho người quen, bạn bè, đồng nghiệp và những người bạn cùng đam mê nhiếp ảnh. Trong số các giải thưởng tôi đạt được, có rất nhiều giải thưởng được xem là ước mơ của nhiều nhiếp ảnh gia trên thế giới.
Những lần dự thi, với tôi, chính là mang những tác phẩm mình thực sự dày công mới có được đến gần với truyền thông hơn, đặc biệt là truyền thông thế giới. Nếu không có các cuộc thi nhan sắc, ai là người đưa các cô gái xinh đẹp ra bên ngoài, để thế giới biết nhiều hơn về đất nước, về văn hóa vùng đất nơi cô ấy đại diện? Tôi cũng vậy, cũng tự gánh sứ mệnh to lớn - mang một Việt Nam giàu truyền thống văn hóa tiếp cận thế giới bên ngoài.
* Phải chăng mục tiêu của bạn chính là mang hình ảnh Việt Nam đa màu sắc đến với thế giới thông qua nhiếp ảnh?
- Hẳn nhiều bạn biết đến nhà hàng Cô Chung nằm ở phố Orchard - một con phố lớn của Singapore. Hình tôi chụp được dùng trang trí độc quyền tại chuỗi nhà hàng món Việt này. Đó là nơi du khách có thể ngắm nhìn, cảm nhận một Việt Nam đẹp và thanh bình. Ở đó, người Việt xa xứ có thể ngắm nghía từng mảng ký ức của họ qua những bức hình rặt hồn Việt. Khi phía nhà hàng ngỏ lời mong được sử dụng tác phẩm của tôi vào việc trang trí cho nhà hàng, tôi rất vui vì thêm một nơi nhìn thấu tình cảm của mình qua từng khuôn hình, yêu mến điều đó và chung tay cùng tôi lan tỏa giá trị đó.
Không đến với những cuộc thi, làm sao tác phẩm của tôi xuất hiện rộng khắp, để mỗi ngày hộp thư của tôi lại đầy những tin nhắn, email. Là thư của những người Việt đang ở châu Âu, châu Phi cảm động vì nhìn thấy quê hương mình, làng quê mình qua từng tác phẩm của tôi. Là thư của những người nước ngoài chưa từng đến Việt Nam chia sẻ sự xúc động đặc biệt của họ trước những hình ảnh lao động nơi làng quê Việt... Hình ảnh đôi khi chính là ngôn ngữ không lời nhưng có sức lay động mãnh liệt. Nó lan tỏa, tìm sự đồng điệu, đánh động trái tim rất nhanh.
Hồi sinh từ nhiếp ảnh
* Một câu hỏi quen thuộc: điều gì đưa bạn đến với nhiếp ảnh?
- Nhiều người rất ngạc nhiên khi biết trước khi cầm máy, tôi chẳng biết nhiếp ảnh là gì. Thực lòng tôi cũng không biết mình có phải thuộc dạng có năng khiếu bẩm sinh hay không. Nhiếp ảnh đến với tôi đúng là duyên phận cuộc đời này đưa đẩy.
Nhiếp ảnh đúng là một cơn chữa lành vĩ đại nhất mà cuộc đời dành tặng tôi. Tôi vẫn hình dung nếu không tìm ra những khuôn hình đằng sau tiếng bấm máy lách tách, mình sẽ ra sao, sống thế nào. Biến cố hôn nhân khiến tôi rơi vào cuộc khủng hoảng tâm lý trầm trọng. Ôm con ra khỏi nhà, thuê phòng trọ, mức lương của một nhân viên thủ quỹ ngân hàng lúc ấy chỉ đủ để tôi trang trải cuộc sống của hai mẹ con trong sự tằn tiện. Sự ấm ức, tổn thương và cả thù hận khiến tôi chưa bao giờ cho mình được hưởng những ngày tháng đó một cách bình thường nhất có thể. Tình cờ lên mạng, phát hiện những hội nhóm chụp hình khoe tác phẩm với nhau, tôi chợt nghĩ rằng nếu có một chiếc máy ảnh có lẽ cuộc sống sẽ vui hơn.
Chiếc máy ảnh đầu tiên của tôi được mua từ suy nghĩ đó. Tôi loanh quanh chụp hình trong công viên gần nhà cho đỡ buồn. Tấm hình đầu tiên gửi lên nhóm nhiếp ảnh, được khen, được chọn làm hình đại diện cho nhóm khiến tôi thấy niềm yêu nhiếp ảnh bắt đầu nảy mầm trong lòng mình.
* Vậy là nhiếp ảnh hồi sinh bạn?
- Tôi luôn muốn những khuôn hình của mình ghi lại sự hồi sinh của cuộc sống. Giải thưởng đầu tiên tôi nhận được trị giá 10 triệu đồng, là cột mốc mà nhiếp ảnh hồi sinh tôi. Đó chính là sự thừa nhận nỗ lực của tôi trong việc giúp bản thân thoát khỏi những luẩn quẩn của một cuộc sống chỉ đủ sinh tồn. Tôi tin vào sự diệu kỳ của nhiếp ảnh.
Tôi có một tác phẩm, mà năm 2019 chiến thắng ở hạng mục People của giải SkyPixel, giúp tôi lần đầu đặt chân đến Siena, Tuscany - Ý để nhận giải. Trước cuộc đi đó, mẹ tôi căng thẳng đến phát khóc, vì sợ rằng tôi một đi không về. Những mối quan hệ tạo được khi ấy, những bậc thầy đỉnh cao thế giới về nhiếp ảnh có mặt ở đó, cả những hãng thông tấn lớn góp mặt... chính là những cơ hội lớn để có một Khánh Phan hôm nay.
Ở Ý, tôi đã kể về câu chuyện chụp bức ảnh này như một kỳ tích. Sấm chớp bão giông hôm ấy đã không ngăn được tôi ở lại chụp hình và trời mây quang đãng sau đó chính là phần thưởng cho sự dày công của tôi. Như chính cuộc đời chúng ta, sau khi đi qua giông bão, mọi thứ sẽ hồi sinh. Cuộc sống vốn công bằng.
* Bạn có vẻ thích chọn những làng nghề làm chất liệu cho các sáng tác của mình?
- Đó không còn là yêu hay thích mà chính là khát khao của tôi. Tôi khát khao mang hình ảnh làng nghề ra khỏi khuôn khổ một làng nghề; để ngày càng có nhiều người biết rằng đằng sau những xô bồ của cuộc sống, những hiện đại của công nghệ số, vẫn còn nhiều nghệ nhân, nhiều gia đình âm thầm gìn giữ bản sắc văn hóa làng quê. Như nghệ nhân Đinh Quang Thắng của làng nghề chạm bạc Đồng Xâm (H.Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) luôn bình thản trước thay đổi, cố gắng giữ gìn từng nét chạm thủ công.
Những bức ảnh chụp ông làm việc đã tạo nên tiếng vang không chỉ trong làng nhiếp ảnh mà còn giúp ông gầy dựng lại tiếng tăm làng nghề. Bạn thấy không, nhiếp ảnh không chỉ là những bức hình được chụp vu vơ. Đó là những câu chuyện, những thông điệp nhân văn về cuộc sống. Nên tôi yêu nhiếp ảnh nhiều cũng vì vậy.
* Chị vẫn còn là một công chức ngành ngân hàng mẫn cán, nhiếp ảnh phải chăng chỉ nhằm mục đích vui chơi?
- Ba năm ròng rã dường như tôi dành phần lớn ngày nghỉ của mình cho những lần đi sáng tác và một phần thời gian còn lại cho con trai mình. Cứ mường tượng ra những bức ảnh thu hoạch được sau mỗi chuyến đi, lòng tôi lại nôn nao thúc giục lên đường.
Nếu xem nhiếp ảnh là định mệnh thì với tôi, công việc ngân hàng là duyên nợ từ kiếp trước. Tôi cứ làm và yêu thích công việc mà mọi người cho là buồn tẻ đó vì cảm giác như mình sinh ra để làm ngân hàng. Tôi làm công chức trọn vẹn những giờ hành chánh và sống cho đam mê vào những ngày cuối tuần. Tôi luôn muốn lao về phía trước, ấp ủ những dự định làm thế nào để ngày càng nhiều nơi biết và trầm trồ về Việt Nam. Đã như thế thì nhiếp ảnh không chỉ là để vui chơi và thỏa đam mê đâu.
Với rất nhiều bạn trẻ muốn theo con đường nhiếp ảnh, tôi vẫn thường khuyên: “Hãy cứ cầm máy ảnh lên, bước ra đường, ghi lại nhịp sống quanh mình để thấy, nhiếp ảnh thực ra hơn hẳn một đam mê”...
* Cảm ơn bạn đã chia sẻ.
Nhiếp ảnh gia Khánh Phan vừa giành chiến thắng ở hạng mục du lịch của giải mở rộng trong khuôn khổ cuộc thi Sony World Photography Awards (SWPA) năm 2021.
SWPA là cuộc thi ảnh hằng năm, gồm bốn giải riêng rẽ là giải chuyên nghiệp, giải mở rộng, giải học sinh - sinh viên và giải trẻ dành cho những người trong độ tuổi từ 12-19. Trong đó, giải mở rộng nhằm chọn ra “những bức ảnh đơn đẹp nhất” về các hạng mục như du lịch, kiến trúc và nhiếp ảnh đường phố.
Theo CNN, nhiếp ảnh gia Khánh Phan đã được vinh danh ở hạng mục ảnh du lịch của giải mở rộng nhờ ghi lại được khoảnh khắc ấn tượng về một người phụ nữ đang phơi cá ở chợ Long Hải, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Khánh Phan là tác giả Việt Nam đầu tiên và duy nhất cho đến nay từng thắng giải mở rộng của SWPA, kể từ khi cuộc thi bắt đầu được tổ chức từ năm 2012. Các tác phẩm vào chung khảo cũng như thắng giải sẽ được trưng bày trong triển lãm trực tuyến trên trang web của Tổ chức nhiếp ảnh thế giới
|
Lan Khôi (thực hiện)
Ảnh nhân vật cung cấp