Khánh Hòa: Người dân làng nghề ở Diên Khánh lo mất Tết

08/01/2022 - 16:28

PNO - Người dân ở làng nghề đúc đồng, trồng bưởi cảnh tết ở huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa đang lo lắng vì đơn hàng giảm, chưa có thương lái đến đặt mua.

Đơn hàng các sản phẩm đúc đồng giảm một nửa

Nằm cách trung tâm TP. Nha Trang hơn 10km, làng nghề đúc đồng Phú Lộc Tây (huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa) đã có hơn 200 năm tuổi. Những năm trước, từ giữa tháng 10 âm lịch, các hộ đúc đồng tại đây phải làm cả ngày lẫn đêm mới kịp đơn hàng cho khách. Thế nhưng, có năm chỉ giữa tháng Chạp âm lịch đã không còn hàng để bán. Còn năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, họ chỉ hoạt động, sản xuất cầm chừng để duy trì nghề truyền thống.

Những năm trước, cứ vào khoảng giữa tháng 10 âm lịch là làng nghề đúc đồng Phú Lộc Tây lại nhộn nhịp cả ngày lẫn đêm để kịp giao hàng cho khách
Những năm trước, cứ vào khoảng giữa tháng 10 âm lịch là làng nghề đúc đồng Phú Lộc Tây lại nhộn nhịp cả ngày lẫn đêm để kịp giao hàng cho khách

Ông Biện Cư - Phó giám đốc Hợp tác xã đúc đồng Phú Lộc cho biết do các sản phẩm của làng đều làm thủ công có nét độc đáo và chất lượng riêng nên được thị trường đón nhận. Một bộ đèn thờ cúng làng thường sản xuất bao gồm 2 chân đèn, 1 bát hương, 2 đài nước, 1 cổ bồng. Ngoài ra, làng cũng sản xuất các mặt hàng theo yêu cầu của khách hàng như các vật thờ cúng, bình hoa, tượng… Các sản phẩm của làng có mặt ở hầu khắp các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế vào đến Bình Thuận và ở cả TPHCM, Hà Nội.

“Năm nay, do ảnh hưởng dịch COVID-19 nên dù đã đầu tháng Chạp âm lịch nhưng các đơn hàng của làng đúc không nhiều. Một số hộ chỉ làm cầm chừng hoặc chỉ làm theo một số đơn nhỏ lẻ. Hiện nay, trong làng có khoảng 40 hộ dân làm nghề. Mọi năm nếu tính trung bình thì vào vụ Tết mỗi hộ sản xuất khoảng 40-50 bộ thì năm nay chỉ còn khoảng một nửa” - ông Cư nói.

Thế nhưng năm nay đơn hàng giảm mạnh, sản phẩm tiêu thụ chậm
Thế nhưng năm nay đơn hàng giảm mạnh, sản phẩm tiêu thụ chậm

Ông Trần Vĩnh Thảnh (tổ dân phố Phú Lộc Tây 1, thị trấn Diên Khánh, huyện Diên Khánh) cho biết những năm trước khi dịch bệnh COVID-19 chưa xảy ra, mỗi năm vào vụ Tết gia đình ông có từ 5-6 mối để bỏ hàng và sản xuất khoảng 200-300 bộ chân đèn. Vụ Tết năm nay chỉ có 2 mối hàng với đơn hàng khoảng 70-80 bộ, giảm hơn 60%. Trong khi đó, các nguyên vật liệu sản xuất đều tăng nhưng người mua giảm nên chủ yếu ở nhà tự làm là chính.

“Gia đình tôi đã có 5 thế hệ theo nghề. Vì là nghề truyền thống nên gia đình tôi vẫn làm cầm chừng để giữ nghề chứ năm nay dịch bệnh khó khăn, giá nguyên liệu lại tăng mà đơn hàng giảm mạnh nên vụ tết buồn” – ông Cư nói.

Khuôn đúc đồng được làm từ nguyên liệu chính là đất sét
Khuôn đúc đồng được làm từ nguyên liệu chính là đất sét

Một khó khăn nữa đối với người làm nghề đúc đồng năm nay chính là giá nguyên liệu tăng. Giá đồng năm ngoái chỉ khoảng 90.000 - 95.000 đồng/kg thì năm nay tăng lên 120.000 - 125.000 đồng/kg. Anh Biện Ngọc Anh Khoa cho hay: “Giá đồng tăng cao nên tôi không dám mua nhiều. Hơn nữa, năm nay đơn hàng ít nên tôi cũng tự làm chứ không thuê thêm người làm như những năm trước”.

Theo ông Cư, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên không có người đi thu mua đồng dẫn đến thiếu nguyên liệu, vì vậy giá đồng bị đẩy lên. Ngoài ra, giá chất đốt và các nguyên liệu khác cũng tăng khiến các hộ dân làm nghề ở làng càng thêm khó vì giá các mặt hàng bán ra vẫn không đổi.

Để tạo ra một sản phẩm, người làm nghề phải trải qua nhiều công đoạn
Để tạo ra một sản phẩm, người làm nghề phải trải qua nhiều công đoạn
Ông Biện Cư giới thiệu một số mặt hàng do gia đình sản xuất
Ông Biện Cư giới thiệu một số mặt hàng do gia đình sản xuất
Năm nay, không chỉ giá nguyên liệu đồng tăng cao mà giá chất đốt và các nguyên liệu khác cũng tăng
Năm nay, không chỉ giá nguyên liệu đồng tăng cao mà giá chất đốt và các nguyên liệu khác cũng tăng

Ông Trần Thiện cho biết ông nhận gia công hàng cho các lò đúc nhưng do dịch bệnh nên thị trường ế ẩm, sản phẩm ít dẫn đến tiền công ngày cũng giảm đáng kể. Nếu những năm trước thì tiền công mỗi ngày của ông từ 300.000 - 350.000 đồng/ngày thì nay chỉ còn khoảng 200.000 đồng/ngày.

Đơn hàng giảm, sản phẩm tiêu thụ chậm nên ngày công của người nhận gia công sản phẩm cũng theo đó giảm xuống
Đơn hàng giảm, sản phẩm tiêu thụ chậm nên ngày công của người nhận gia công sản phẩm cũng theo đó giảm xuống

Bưởi cảnh Tết chưa có thương lái hỏi mua

Trong khi đó, các chủ vườn bưởi cảnh ở huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa cũng đang lo lắng, thấp thỏm vì đã đầu tháng Chạp âm lịch mà vẫn chưa thấy thương lái đến mua. Do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nên số người trồng bưởi cảnh đã giảm đáng kể và đầu ra cũng chậm hơn so với mọi năm.

Các nhà vườn trồng bưởi cảnh ở đây cho biết mọi năm cứ đến khoảng giữa tháng 11 âm lịch các thương lái đều đã xuống đặt cọc cho những chậu bưởi cảnh vụ tết. Thế nhưng, năm nay, đến giờ vẫn chưa chưa thấy ai đến hỏi mua khiến người dân như “ngồi trên đống lửa”.

Các chủ vườn bưởi cảnh ở huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa đang chờ người đến mua
Các vườn bưởi cảnh ở huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa đang chờ người đến mua

Vụ Tết này, anh Nguyễn Văn Quốc (xã Diên Sơn, huyện Diên Khánh) trồng khoảng 60 gốc bưởi cảnh nhưng do mưa gió kéo dài nên vườn bưởi nhà anh chỉ có khoảng 30-40 cây có thể bán được. Hàng năm, vào giữa tháng 11 âm lịch, các thương lái thường đến đặt mua rồi chờ đến gần Tết chở đi tiêu thụ trên địa bàn tỉnh. Năm nay, đã đầu tháng Chạp nhưng giờ vẫn chưa có thương lái nào đến mua. Năm ngoái, anh Quốc bán được 30 chậu bưởi cảnh với giá từ 2 - 2,5 triệu đồng/chậu tùy loại. Anh dự đoán năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh, sức mua và giá có thể giảm.

Để tạo ra một chậu bưởi cảnh đẹp người trồng phải tốn rất nhiều công sức và chi phí
Để tạo ra một chậu bưởi cảnh đẹp người trồng phải tốn rất nhiều công sức và chi phí

Một nhà vườn trồng bưởi cảnh ở xã Diên Thạnh, huyện Diên Khánh cho biết những năm trước, mỗi chậu bưởi cảnh bán ra từ 1,5 - 2 triệu đồng và rất được thương lái ưa chuộng, nhưng năm nay đến giờ vẫn chưa bán được chậu nào.

Để có những chậu bưởi cảnh xanh tươi, trái đẹp người trồng phải tốn nhiều chi phí và công sức. Năm nay, do thời tiết không thuận lợi, mưa kéo dài nên chi phí trồng bưởi cũng theo đó tăng lên. Chi phí đầu tư tăng nhưng đầu ra vẫn chưa có khiến người dân rất lo lắng. Hiện nay, người trồng bưởi chỉ mong có người đến mua để có thể thu hồi lại vốn, gia đình có thêm thu nhập khi Tết cận kề.

Người dân làng nghề đúc đồng, trồng bưởi cảnh ở Diên Khánh lo lắng vì đơn hàng giảm mạnh, chưa có thương lái đến mua.

Huyền Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI