Núi Cô Tiên nằm ở P.Vĩnh Hòa, TP.Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, có diện tích gần 2.000ha. Đất ở vùng núi này là đất rừng phòng hộ, là lá chắn bảo vệ an toàn cho người dân nơi đây trước những cơn bão dữ nhưng hiện đang bị khoảng 30 dự án bất động sản xâu xé.
Các dự án bất động sản “tùng xẻo” núi Cô Tiên.
Hàng loạt dự án không phù hợp quy hoạch
Theo điều tra của chúng tôi, các dự án trên núi Cô Tiên không phù hợp với quy hoạch chung gồm: dự án khu biệt thự sinh thái vườn đồi Bãi Tiên (diện tích 3,18ha) do Công ty TNHH MTV Tân Phú làm chủ đầu tư; dự án khu đô thị mới Green Hill Villas (diện tích 49,65ha) do Công ty cổ phần Nhật Tiến Khánh Hòa làm chủ đầu tư; dự án khu đô thị mới Mountain View (diện tích 34,2ha) do Công ty cổ phần Đầu tư bất động sản Thành Phố làm chủ đầu tư; dự án khu liên hợp biệt thự sinh thái dịch vụ du lịch và công viên bãi tắm (diện tích 32,27ha); riêng dự án Nha Trang Residence Hill (diện tích hơn 64ha) chỉ phù hợp quy hoạch một phần.
Trước đây, vùng núi này luôn đượccây rừng bao phủ, còn hiện nay, chỉ cần một cơn mưa là các con đường dẫn lên núi sạt lở, đường sá nham nhở, nhiều hòn đá khổng lồ đổ xuống nằm chắn ngang đường lên núi. Trên đỉnh núi, hàng chục đơn vị có dự án đua nhau quây tôn, xí đất, xe cuốc, xe ủi nằm ngổn ngang. Hiện một số dự án đã rao bán nền, số còn lại dựng rào, đóng cột mốc chia ranh rồi… nằm đắp chiếu. Từ chân núi đến đỉnh núi, cây rừng bị các dự án bất động sản cạo trọc.
Theo người dân nơi đây, núi Cô Tiên đã bị xà xẻo gần hai năm qua. Người dân đã nhiều lần phản ánh gay gắt về việc cảnh quan tự nhiên bị phá vỡ, môi trường bị hủy hoại, đất đá sạt lở gây mất an toàn… nhưng chính quyền vẫn bỏ ngoài tai.
Gần cuối tháng 11/2018, trận mưa lớn đã khiến dự án nhà ở cao cấp Hoàng Phú do Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Thanh Châu làm chủ đầu tư sạt lở, vùi lấp 10 căn nhà, cướp đi sinh mạng của 4 người trong một gia đình. Người dân lên án, chỉ trích gay gắt sự yếu kém, buông lỏng của chính quyền trong việc quản lý và bảo vệ rừng. Bấy giờ, chính quyền mới bắt đầu chỉ đạo rà soát lại các dự án ở đây.
Nhiều dự án xí đất, quây tôn rồi... "đắp chiếu"
Điều đáng nói, theo điều tra của chúng tôi, phần lớn các dự án trên núi Cô Tiên đều không phù hợp quy hoạch. Hầu hết các dự án đã được phê duyệt quy hoạch 1/500, một số được cấp phép xây dựng trong khi quy hoạch tổng thể 1/2.000 của khu vực này lại chưa có.
Dự án làm dở dang rồi bỏ hoang.
Tháng 9/2012, Thủ tướng Chính phủ có quyết định 1396 về việc phê duyệt Đồ án quy hoạch chung TP.Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa đến năm 2025. Đồ án nêu rõ, khu đô thị phía bắc núi Sạn - nam núi Cô Tiên (phường Vĩnh Hòa và Vĩnh Hải) tổ chức trục trung tâm hướng biển có kiến trúc đa dạng, tạo điểm nhấn; dải đô thị dọc triền núi Hòn Sạn và núi Cô Tiên có cốt nền khác nhau theo triền núi. Tuy nhiên, UBND tỉnh Khánh Hòa vẫn tự ý chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư và phê duyệt cho hàng loạt dự án trên núi Cô Tiên, có biểu hiện làm trái với đồ án quy hoạch chung đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Núi Cô Tiên bị cạo trọc gần hết.
Dù đã bị đình chỉ thi công nhưng một số thông tin rao bán căn hộ các dự án ở núi Cô Tiên vẫn diễn ra bình thường. Một nhân viên bán hàng tên T. quảng cáo: dự án DamEva Residences nằm ở thung lũng núi Cô Tiên được quy hoạch biệt thự, nhà liền kề chạy dọc sườn đồi với diện tích từ 130-500m2, giá từ 18-23 triệu/m2, hiện đã nhận đặt chỗ giai đoạn I.
Đất đá sạt lở khắp nơi.
Tương tự, nhiều sàn môi giới bất động sản chào bán biệt thự cao cấp tại dự án do Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Xuất nhập khẩu tổng hợp Sài Gòn với hơn 300 biệt thự và hơn 1.000 căn hộ.
Đất đá 1 dự án trên núi Cô Tiên đổ sập xuống nhà dân.
Làm sai rồi đổ thừa?
Tại kỳ họp thứ tám HĐND tỉnh Khánh Hòa khóa VI giữa tháng Bảy vừa qua, ông Nguyễn Ngô - Trưởng ban Kinh tế Ngân sách HĐND tỉnh Khánh Hòa - chất vấn: “Không có quy hoạch xây dựng 1/2.000 nhưng UBND tỉnh vẫn chấp thuận dự án và phê duyệt quy hoạch 1/500 là dựa trên cơ sở nào?”.
Ông Lê Văn Dẽ - Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa lấp liếm: “Có những dự án, khi chủ đầu tư đề nghị thỏa thuận địa điểm thì chưa có quy hoạch. Lúc đó, luật cũng chưa quy định, cứ cho thỏa thuận địa điểm, sau đó nghiên cứu. Toàn bộ các dự án trên núi Cô Tiên có từ các nhiệm kỳ trước và sau này đã có thỏa thuận phương án kiến trúc, chấp thuận chủ trương đầu tư. Sở Xây dựng xác định có khoảng 30 dự án. UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành rà soát, tham mưu, đề xuất biện pháp xử lý cho tồn tại hoặc hủy bỏ đối với những phần không phù hợp quy hoạch chung. Sở Xây dựng và Sở Kế hoạch và Đầu tư đang làm việc này”.
Còn ông Võ Tấn Thái - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Khánh Hòa nói: “Trước đây, tỉnh không có tiền lập quy hoạch 1/2.000 nên giao cho các doanh nghiệp lập rồi mình duyệt quy hoạch, sau đó ghép nối từng vị trí, từng khu vực. Trên tinh thần đó, tỉnh cấp phép cho hàng loạt dự án nên giờ tồn đọng như vậy, chưa giải quyết được”.
TPHCM yêu cầu tập trung giải quyết dứt điểm các dự án tồn đọng, dừng thi công, khẩn trương triển khai, hoàn thành, đưa vào sử dụng chống lãng phí, thất thoát.